| ||
Ông Ryu Hang Ha Chủ tịch Korcham |
Các DN Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam trên hầu hết các ngành, lĩnh vực như công nghệ cao, thương mại dịch vụ, giải trí… Trong đó có những dự án với vốn đầu tư lớn như LG Display Hải Phòng với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,5 tỷ USD, chuyên sản xuất và gia công sản phẩm màn hình OLED nhựa cho các thiết bị di động (điện thoại, đồng hồ thông minh, máy tính bảng); Tập đoàn Samsung hiện đã đầu tư khoảng 11,2 tỷ USD tại Việt Nam và vẫn đang lên kế hoạch cho việc đầu tư vào các dự án năng lượng, đóng tàu, sân bay; Tập đoàn Lotte mức đầu tư riêng tại TP.HCM của Tập đoàn và những công ty con hiện đạt khoảng 3 tỷ USD. Năm 2015, Tập đoàn Lotte đã mua 70% vốn tòa nhà Diamond Plaza (liên doanh giữa Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1) và Posco Engineering & Construction Co (POSEC) thuộc tập đoàn Posco). Vốn đầu tư của Lotte đang tiếp tục tăng lên vì tập đoàn đã sẵn sàng khởi động những dự án trọng điểm mà TP.HCM có thể sẽ thông qua trong thời gian tới, là dự án Thu Thiem Eco Smart City 2,2 tỷ USD tại Khu Đô thị mới Thủ Thiêm (Quận 2).
Ngoài ra, trong lĩnh vực bán lẻ, Lotte đã đặt mục tiêu mở 60 siêu thị, trung tâm thương mại ở Việt Nam vào năm 2020. Cùng với Lotte, Tập đoàn Shinsegae ngoài việc đưa vào hoạt động đại siêu thị Emart đầu tiên tại quận Gò Vấp (TP.HCM) với tổng vốn đầu tư 60 triệu USD cũng đang xúc tiến xây thêm 1 siêu thị tại TP.HCM và dự kiến sẽ đưa vào hoạt động trong năm 2018...
Theo đánh giá của ông Im Kwang Bin, Tổng giám đốc nhà máy Lock&Lock tại Việt Nam, Việt Nam được xem là trung tâm sản xuất đứng sau Trung Quốc, nổi bật về nguồn lao động trẻ, tay nghề cao cũng như tài nguyên thiên nhiên dồi dào. Nắm bắt những ưu thế đó, Lock&Lock đã đầu tư hơn 150 triệu USD để xây dựng 4 nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Hiện tại, những nhà máy này vận hành rất tốt và đưa sản phẩm của Lock&Lock không chỉ bán tại Việt Nam mà còn xuất khẩu đến hơn 117 quốc gia trên thế giới.
Ông Park Hyun Bae, Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Đồng Nai cho biết cùng với TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai là một trong những điểm đến thu hút nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc ở khu vực phía Nam với trên 300 dự án, tổng vốn khoảng 5,1 tỷ USD. Ông Park Nosul, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Yong A Textile Vina cũng cho biết, Hiệp định thương mại giữa Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) đã có hiệu lực mở ra nhiều cơ hội cho các DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Khi đó, thị trường XK hàng hóa được mở rộng và các ưu đãi về thuế giúp hàng sản xuất tại Việt Nam cạnh tranh tốt hơn. Đây cũng là lý do mà Việt Nam có sức hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài trong đó có Hàn Quốc.
Theo nhận định của ông Ryu Hang Ha, Chủ tịch Korcham cho biết, sau các khoản đầu tư của các tập đoàn Hàn Quốc thuộc thế hệ đầu tư thứ nhất như Kumho Asiana, Posco, Daewoo... thì những năm gần đây, thế hệ nhà đầu tư thứ hai đã xuất hiện với hàng loạt tên tuổi lớn như Samsung, LG, Lotte, CJ... với hàng loạt dự án quy mô lớn, trị giá hàng tỷ USD. Chính các dự án quy mô lớn này đã góp phần cộng hưởng tác động VKFTA để lôi kéo nhà đầu tư Hàn Quốc "thế hệ thứ ba" vào Việt Nam. Trong số này, ngoài các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại dịch vụ thì nông nghiệp cũng là lĩnh vực thu hút đầu tư của DN Hàn Quốc. Bởi không chỉ sản xuất và hướng vào thị trường Việt Nam, các nhà đầu tư sẽ hướng tới việc sản xuất để xuất ngược trở lại Hàn Quốc nhằm hưởng lợi từ thuế suất thấp theo cam kết VKFTA đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp.
Theo đánh giá của Korcham, dù Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện các bộ Luật, cũng như đơn giản hóa thủ tục hành chính nhưng việc thay đổi thường xuyên chính sách làm DN không kịp cập nhật các văn bản luật, tạo ra nhiều hạn chế. Vì vậy, các nhà đầu tư rất mong muốn một hệ thống luật pháp thống nhất, quy chế hành chính đơn giản hóa, để DN có thể tập trung vào đầu tư sản xuất.