BP - “Quyết định học Đại học Nông Lâm đã là bất ngờ với thầy cô; bỏ đại học về làm vườn là cú sốc với gia đình, lkết quả bóng đá cúp c1 tối qua bạn bè; tiếp cận kiến thức bằng nhiều cách khi có đam mê với nghề là lựa chọn khởi nghiệp của cựu học sinh giỏi Trường THPT Lộc Thái (Lộc Ninh) Trịnh Thanh Thảo (1993). Mô hình nuôi dê, bò, trùn quế và trồng trọt theo phương thức hữu cơ hóa của Thảo đang được nhiều bạn trẻ ở Lộc Ninh học tập, làm theo…” - Bí thư Xã đoàn Lộc Khánh Đoàn Quốc Ngữ giới thiệu với chúng tôi về mô hình phát triển kinh tế của đoàn viên Trịnh Thanh Thảo ở tổ 4, ấp Đồi Đá.
“THOÁT BẪY ĐẠI HỌC”
Từ trung tâm xã Lộc Khánh đến nhà Thảo đúng 10km đường đất đỏ. Khi chúng tôi đến hai mẹ con Thảo đang tranh thủ dọn vệ sinh chuồng dê. Thi thoảng nhận cuộc gọi, Thảo lại chạy đi chở vật tư nông nghiệp cho người dân trong xóm.
Chồng mất sớm, năm 1999, bà Lê Thị Quý (1963) ở Đồng Nai theo em trai lên ấp Đồi Đá đất rộng, người thưa lập vườn nuôi 3 con thơ. Những năm đầu thế kỷ XXI, chuyện học hành ở ấp kinh tế mới Đồi Đá thật xa vời bởi con đường đến trường của các em quá gập ghềnh trong khi kinh tế của đa phần gia đình rất khó khăn. Thảo kể, học cấp 2 ngày nào về đến nhà đồng hồ cũng điểm 20 giờ. Lên cấp 3 trường cách nhà 20km em phải ở trọ. Khó khăn là vậy nhưng bà Quý vẫn gồng mình nuôi được 3 con (2 con học đại học) và con út học hết cấp 3. Chuyện học hành của 3 anh em Thảo đã trở thành chuyện khó tin ở ấp Đồi Đá.
Từ việc nuôi dê đã giúp Trịnh Thanh Thảo có phân nuôi trùn quế
Năm học 2013-2014, Thảo - học sinh giỏi của Trường THPT Lộc Thái chọn Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh làm thầy cô ngỡ ngàng, tiếc nuối vì sức học của em chắc chắn đậu các trường đại học top đầu. Kết quả em đạt á khoa khối A, Trường đại học Nông Lâm.
Trả lời câu hỏi của chúng tôi vì sao đã chọn đúng trường, đúng nghề mà lại bỏ học về làm vườn? Thảo kể học kỳ 1 năm đầu với học lực nổi trội em được chọn học chương trình nông nghiệp hiện đại của Úc nhưng học phí lên tới 25 triệu đồng/kỳ. Với những sinh viên có kinh tế khá giả là chuyện dễ dàng nhưng với gia đình Thảo không hề dễ. Lúc này, anh chị đã ra trường nhưng chưa ổn định, mẹ lại chưa trả hết số nợ vay mượn nuôi các con ăn học. Thảo nhớ như in đêm 15-3-2014, sau tết Nguyên đán cũng là thời điểm đóng học phí học kỳ 2 năm thứ nhất. Đêm đó em đã thức trắng suy nghĩ “tiếp tục con đường đại học hay về làm vườn”. Với em học có kiến thức áp dụng vào 1,5 ha vườn nhà để đạt hiệu quả kinh tế cao nhưng phải mất 4 năm với nhiều chi phí. Lúc đó, em tình cờ đọc được cuốn sách “Thoát bẫy đại học” của 1 học giả ở TP. Hồ Chí Minh đang là giám đốc 1 doanh nghiệp làm ăn phát đạt. Vậy là em quyết tâm bỏ học để về nhà vừa học vừa làm”.
LÀM NÔNG NGHIỆP THEO HƯỚNG HỮU CƠ
Gia sản của mẹ con Thảo hiện có 4 con bò, 30 con dê, 400 trụ tiêu, 12m2trùn quế, 100 con gà thả vườn và vườn điều khoảng 1 ha. Năm nay mất mùa điều nhưng 1 ha điều già nhờ được tái sinh ghép chồi và bón phân trùn quế nên thu 1,5 tấn. Năm 2015, Thảo không nhớ bán bao nhiêu con dê nhưng tổng thu được 50 triệu đồng dùng mua xe ba gác máy làm dịch vụ vận chuyển. Bà Quý cho biết, nhờ có xe ba gác máy mà Thảo nhận khoán tỉa keo cho các vườn tiêu lớn nên có đủ lá keo nuôi dê.
Thảo cho biết, tháng đầu tiên rời trường đại học về nhà cũng là vào mùa trồng mới của năm 2014. Thời điểm đó, nhà nhà trồng tiêu nhưng gia đình không có vốn đành đứng nhìn. 1,5 ha vườn điều 15 năm không được chăm sóc nên thu không đủ ăn, Thảo phải đi làm thuê. Cũng trong năm đó, Nhà nước cấp sổ đỏ cho gia đình. Sau khi được mẹ đồng ý, Thảo mang sổ đi thế chấp vay ngân hàng 100 triệu đồng bắt đầu khởi nghiệp làm nông theo phương thức “vừa học vừa làm”. Từ lâu Thảo đã nghe lợi ích nuôi trùn quế: Trùn để nuôi gà, vịt, phân trùn bón cho cây. Có vốn 2 mẹ con thống nhất mua 2 con bò, 2 con dê phát triển đàn lấy phân nuôi trùn. Sau đó Thảo về các trang trại nuôi trùn quế có tiếng ở Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh học cách nuôi.
Vườn điều già năng suất kém nhưng để tái canh phải đợi 3-5 năm mới có thu. Năm 2015, một lần xem trên truyền hình giới thiệu mô hình trẻ hóa vườn điều theo phương thức ghép chồi đạt hiệu quả cao ở xã Long Hà (Phú Riềng), Thảo tìm đến xin học. 1 khóa ghép chồi ông Hoàng Văn Tần (xã Long Hà) dạy là 4 triệu đồng/người nhưng khi thấy sự ham học hỏi của Thảo, ông không nhận tiền học phí mà nhiệt tình cho cành, giúp công ghép vườn điều cho gia đình em. Tuy không có thời gian đi ghép chồi theo yêu cầu nhưng Thảo rất sẵn lòng chuyển giao kỹ thuật cho người muốn học nghề.
Ngoài ghép chồi để trẻ hóa vườn điều, Thảo còn trồng tiêu cho leo lên gốc điều để thu lợi kép. Năm 2017, dù mất mùa điều nhưng có cây thu được gần 1 triệu đồng cả điều và tiêu. 20 trụ tiêu giống Vĩnh Linh được Thảo thí điểm bón phân trùn quế, nay phát triển xanh tốt. Cách làm của Thảo sau 3 năm đã cho hiệu quả kinh tế cao nên thu hút nhiều bạn trẻ ở Lộc Ninh đến học tập. Thảo vẫn ước mơ một ngày không xa khi đã tích lũy vốn sẽ ra nước ngoài học tập thực tiễn làm nông nghiệp công nghệ cao để về xây dựng nông nghiệp tiên tiến ở quê hương Lộc Ninh.
Phương Hà