Các bạn khiếm thính ở Huế kết nối với sinh viên Nhật Bản thông qua ngôn ngữ ký hiệu
Giờ học ở đây không có tiếng giảng bài của giáo viên,ônngữcủabàbdkq cup c2 cũng chẳng có tiếng thì thầm to nhỏ của học viên nhưng không hề thiếu những hình ảnh sinh động từ sắc thái ngôn ngữ của đôi tay linh hoạt, biểu cảm phong phú trên nét mặt hay cả ngôn ngữ hình thể. Cô trò trao đổi qua ngôn ngữ ký hiệu hay đôi khi viết lời giải thích bằng tiếng Việt. Em Ngọc Thiện, học sinh lớp Giáo dục chuyên biệt, Trường tiểu học Vĩnh Ninh, đôi mắt chăm chú dõi theo người bạn cùng lớp đang trao đổi, đôi tay linh hoạt trả lời. Em bày tỏ ngôn ngữ ký hiệu hơi khó, nhưng đem lại cho bản thân em niềm vui được kết nối với mọi người. Bên cạnh việc học ngôn ngữ ký hiệu, em dùng máy trợ thính để điều trị và hỗ trợ thính lực.
Ngôn ngữ ký hiệu là dùng những động tác ký hiệu của bàn tay để truyền đạt ý của mình đến người khác, tất cả những chữ cái, từ ngữ đều được quy ước với một dụng ý truyền đạt riêng. Chị Nguyễn Thị Hà Thanh, chủ nhiệm CLB Người điếc Huế, là giáo viên “đứng lớp” của lớp học, chia sẻ, đây là ngôn ngữ giúp người khiếm thính có thể giao tiếp với nhau trong cộng đồng của mình và tiếp thu tri thức của xã hội. Điều đặc biệt, ngôn ngữ ký hiệu không hề xa lạ mà rất gần gũi vì nó mô phỏng chính những động tác trong cuộc sống hằng ngày.
Cách thức học ở đây khá linh động, học trực tiếp tại trung tâm hoặc có thể học online bằng những clip hướng dẫn cho học viên ở xa, không chọn được thời gian học phù hợp. Là lớp học thiện nguyện, phần học phí mang tính tượng trưng và tùy tâm, tùy hoàn cảnh của học viên được đặt vào chiếc hộp kín có tên là “Happy box” (tạm dịch là “Hộp hạnh phúc”). Số tiền đó sẽ quay trở lại giúp đỡ những người khiếm thính.
Chị Lê Thị Phương Thủy, trú tại phường Thuận Hòa, TP. Huế cho con trai khiếm thính học ngôn ngữ ký hiệu tại Enioyable English được 4 tháng để bé biết thêm về ngôn ngữ ký hiệu, thuận tiện cho việc giao tiếp. “Bản thân tôi cũng học ngôn ngữ ký hiệu ở đây một thời gian để giao tiếp với con tốt hơn, có thể lắng nghe con nhiều và hiểu con nhiều hơn”, chị Thủy nói.
Ngoại trừ những người khiếm thính phải sử dụng ngôn ngữ ký hiệu làm phương tiện giao tiếp, trong lớp học còn có những học viên vốn là người nghe thường không ngừng sử dụng hành động, biểu lộ nét mặt để trò chuyện với nhau. Họ mong muốn tìm hiểu thế giới của người khiếm thính và ngược lại, muốn người khiếm thính hiểu được thế giới của mình. Đây chính là cách để rút ngắn khoảng cách với người khiếm thính. Anh Nguyễn Đăng Huy, trú tại phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy là người bình thường, đã học ngôn ngữ ký hiệu được 1 năm, bộc bạch: “Ngôn ngữ ký hiệu liên quan nhiều đến ngôn ngữ hình thể, tư duy và trí tưởng tượng. Điều mà tôi đạt được sau khi học ngôn ngữ ký hiệu là đã phá vỡ rào cản ngôn ngữ giữa bản thân với người khiếm thính”.
Không chỉ xóa bỏ rào cản trong cộng đồng người khiếm thính, hay rào cản giữa người khiếm thính và người nghe thường, mà ngôn ngữ ký hiệu còn gắn kết những người khác quốc tịch đến với nhau. Trong tháng 11 vừa qua, các bạn sinh viên tại Trung tâm Enjoyable English và các bạn trong CLB Người điếc Huế đã có buổi giao lưu ý nghĩa cùng giáo sư và sinh viên Đại học Hosei, Nhật Bản qua Skype. Điều thú vị là có ba bạn sinh viên người Nhật đến Huế để cùng giao lưu trực tiếp và làm thông dịch viên cho sinh viên, các bạn khiếm thính ở Huế với đầu cầu trực tuyến ở Nhật Bản.
Seria Kobayashi, sinh viên năm 2, ngành Phúc lợi xã hội, Đại học Hosei, bày tỏ: “Ngôn ngữ ký hiệu của Việt Nam và Nhật Bản khác nhau hoàn toàn. Khi đến Huế, tôi và các bạn đã được học thêm về ngôn ngữ ký hiệu nơi đây, chúng tôi cảm nhận được vẻ đẹp và kết nối với những người bạn khiếm thính Việt Nam qua ngôn ngữ kỳ diệu này. Đây là vừa là một trải nghiệm, vừa là một chương trình học quý giá đối với chúng tôi”.
Bài, ảnh: Phước Ly