Cụ thể, kinh phí NSNN giảm chi hỗ trợ hoạt động thường xuyên do thực hiện các giải pháp đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập,.. theo các nghị quyết của Trung ương khóa XII được sử dụng như sau: Đối với các bộ, cơ quan trung ương, kinh phí giảm chi hỗ trợ hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực hành chính và hỗ trợ các đơn vị sự nghiệp công lập, dành 50% bổ sung vào nguồn cải cách tiền lương; 50% còn lại tăng cường cơ sở vật chất của lĩnh vực tương ứng.
Trường hợp nguồn cải cách tiền lương còn dư, sử dụng để bổ sung nguồn chi trả thay phần ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước; bổ sung nguồn chi trả thay phần ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.
Đối với các địa phương, kinh phí giảm chi hỗ trợ hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực hành chính và hỗ trợ các đơn vị sự nghiệp công lập thì 50% bổ sung vào nguồn cải cách tiền lương để thực hiện chi trả tiền lương tăng thêm do tăng mức lương cơ sở của lĩnh vực hành chính và lĩnh vực có đơn vị sự nghiệp. 50% còn lại thực hiện theo thứ tự ưu tiên như sau: tăng chi cho nhiệm vụ tăng cường cơ sở vật chất của lĩnh vực tương ứng; trường hợp còn dư thực hiện chi trả các chính sách an sinh xã hội do địa phương ban hành (nếu có). Việc quyết định chi cho từng nội dung do địa phương quyết định theo đúng thẩm quyền quy định tại Luật NSNN.
Những năm gần đây, để siết chặt chi thường xuyên, cùng với tổ chức điều hành dự toán chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, trong hướng dẫn thực hiện dự toán, Bộ Tài chính đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xây dựng dự toán chi hoạt động của cơ quan phải gắn với mục tiêu, nhiệm vụ tinh giản biên chế trên cơ sở rà soát, sắp xếp lại bộ máy.
Trước đó, trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ NSNN, Bộ Tài chính cho biết, từ nhiều năm nay, Bộ Tài chính chủ trương thực hiện chi tiết kiệm, hiệu quả. Đến năm 2017 thực hiện Kết luận số 17-KL/TW, Nghị quyết số 18-NQ/TW, yêu cầu thực hiện dự toán chi hoạt động của cơ quan phải gắn với mục tiêu, nhiệm vụ tinh giản biên chế càng trở nên quyết liệt hơn. Trên thực tế, việc sắp xếp, tinh gọn đầu mối sẽ kéo giảm biên chế, từ đó giảm chi thường xuyên.
Việc giao dự toán chi thường xuyên bám sát biên chế được giao của Bộ Tài chính đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ khen ngợi tại hội nghị sơ kết 6 tháng năm 2018 của Bộ Tài chính. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá, “đây là một cải cách rất mạnh mẽ, Thủ tướng rất ủng hộ”./.
Minh Anh