Năm 2016 là năm đầu tiên ngành nông nghiệp ghi dấu ấn khi XK vượt mốc 31 tỷ USD, tăng khoảng 8%, trong đó, rau quả là điểm sáng đáng chú ý góp phần vào thành công này. Sở dĩ mặt hàng rau quả XK tăng trưởng tốt là nhờ có sự chuẩn bị chu đáo ở trong nước, cộng với việc tích cực đàm phán với các thị trường NK của các cơ quan quản lý.
Ví dụ dễ nhận thấy nhất là công tác chuẩn bị cho quả vải thiều “xuất ngoại”. Ngày từ đầu năm, các tỉnh có mặt hàng vải như Hải Dương, Bắc Giang đã tổ chức các chương trình kết nối cung cầu ngay tại địa phương. Không những thế, các địa phương này còn kết nối với các địa phương tiêu thụ, nơi tập kết hàng XK đi như TP. HCM, Lạng Sơn, Lào Cai. Những chương trình này tạo điều kiện cho các DN trong và ngoài nước, đặc biệt là các thương nhân Trung Quốc gặp gỡ, ký kết các hợp đồng mua bán vải thiều. Nhờ đó, XK vải thiều năm nay vừa được giá, vừa tiêu thụ thuận lợi, không còn xảy ra tình trạng bị ép giá như mọi khi.
Không chỉ dừng ở đó, một số thị trường khó tính như Mỹ, Australia đã cho phép NK nhiều mặt hàng hoa quả của Việt Nam, dù số lượng chưa nhiều. Cùng với quả vải, nhiều loại quả khác như thanh long, xoài đã được nhiều nước cấp phép NK. Theo thống kê sơ bộ của Bộ NN&PTNT, năm 2016, cả nước đã XK được hơn 10.000 tấn quả tươi sang các thị trường khó tính, tăng gấp đôi so với năm 2015. Ví dụ, thanh long XK đi Mỹ đạt trên 2.600 tấn, Nhật khoảng 1.000 tấn, Canada hơn 900 tấn, Hàn Quốc đạt 600 tấn; xoài xuất sang Nhật và Hàn Quốc đạt hơn 350 tấn; nhãn xuất đi Mỹ gần 1.200 tấn. Với kết quả trên, mặt hàng rau quả đã vượt qua mặt hàng gạo trở thành mặt hàng nông sản XK lớn thứ 3 của Việt Nam, sau cà phê và hạt điều. Đáng chú ý, trong các nhóm hàng nông sản XK chủ lực của nước ta, mặt hàng rau quả cũng là lĩnh vực có mức tăng trưởng mạnh mẽ nhất, trên 30%.
Cà phê là mặt hàng có mức tăng trưởng tương đối khả quan chỉ sau mặt hàng rau quả, tăng 26% so với năm 2015. XK cà phê tăng trở lại được cho là do thời tiết khô hạn vì ảnh hưởng của hiện tượng El Nino tại nhiều vùng trồng cà phê chủ chốt trên thế giới khiến sản lượng giảm. Nguồn cung giảm, cộng với nhu cầu NK của các nước tăng lên đã tạo đà cho XK cà phê của Việt Nam. Năm 2016, Việt Nam ước chừng XK tới 1,8 triệu tấn cà phê, là mức cao nhất trong nhiều năm qua, với kim ngạch khoảng 3 tỷ USD.
Cùng với 2 mặt hàng nêu trên, XK hạt điều cũng được coi là điểm nhấn trong nhóm hàng nông, thủy sản. Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, ước tính năm nay XK điều đạt 300.000 tấn hạt chế biến. Giá trị xuất khẩu cả năm nay có thể đạt mức kỷ lục 2,7 tỷ USD, vượt qua mức kỷ lục của năm ngoái là 2,4 tỷ USD. Mặc dù không đạt được mức tăng trưởng cao như những mặt hàng trên song XK thủy sản năm 2016 cũng có nhiều khả quan khi XK được giá. Ước tính, XK thủy sản đạt khoảng 8 tỷ USD, tăng trên 6% so với năm 2015.
Có thể nói, nông thủy sản của Việt Nam năm 2016 có sự bứt phá khá tốt, đóng góp lớn vào kim ngạch XK chung của cả nước. Song, XK nông, thủy sản Việt Nam được dự báo sẽ gặp không ít khó khăn trong thời gian tới, nhất là khi các nước NK ngày càng có xu hướng nâng cao các tiêu chuẩn lên. Đặc biệt, nhóm hàng này của chúng ta đã đến ngưỡng nên khó có thể gia tăng về lượng. Do vậy, “nước cờ” đầu tư về công nghệ là cách đi ngắn nhất và hiệu quả nhất trong thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giúp gia tăng XK nông, thủy sản trong những năm tới.