Mặc dù các cơ quan chức năng đã quy định thời gian hoạt động của cơ sở kinh doanh internet (gọi tắt là tiệm internet) không hoạt động từ 22 giờ đến 8 giờ ngày hôm sau,ắngđêmcàygameNhiềuhệlụykhólườty so fulham tuy nhiên, chính thời gian này các game thủ hào hứng hơn cả, vì thế một số chủ tiệm kinh doanh dịch vụ internet đã “tạo điều kiện” cho khách “cày game” quá giờ quy định.
Nhiều thanh thiếu niên “cày game” suốt đêm mà không màng đến việc học, công việc và sức khỏe sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khôn lường
Trắng đêm cùng “game thủ”
Đã quá 22 giờ, tiệm internet G. (KP.Tân Lập, phường Đông Hòa, TX.Dĩ An) vẫn mở cửa đón tiếp các game thủ tấp nập vào chơi. Tiệm này trang bị hàng chục dàn máy vi tính chạy tốc độ “khủng” với màn hình rộng. Khách đến chơi chủ yếu là sinh viên. Thủ tục thuê máy chơi tới sáng tại tiệm này khá đơn giản. Nhân viên của tiệm sẽ đưa ra hai lựa chọn để người chơi chọn bằng cách mở tài khoản (người chơi đóng tiền, hết tiền thì máy tự tắt) giá 5.000 đồng/giờ hoặc chơi “gói combo” từ 22 giờ đến 7 giờ sáng hôm sau với giá 40.000 đồng. Khi người chơi đồng ý, nhân viên yêu cầu người chơi đọc tên để lập tài khoản. Ngoài ra, khách có nhu cầu uống nước và ăn uống chỉ cần thông báo thì sẽ có người mang tới.
Theo ghi nhận của P.V, tại hội quán Game N.Y (KP. Bình Minh, phường Dĩ An, TX.Dĩ An), mặc dù đã hơn 23 giờ nhưng vẫn có hàng chục game thủ say sưa ôm máy tính dán mắt vào màn hình, dù bên ngoài cánh cửa hội quán đã khép lại. Tại tiệm M. (thuộc KP.3, phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một) thì vẫn đón người đến chơi mặc dù đã quá giờ quy định. Khi đến tiệm, khách có thể chọn lựa hàng ghế mình ngồi theo ý muốn. Cụ thể: giá từ 5.000 đồng/giờ dành cho hàng ghế xanh, 6.000 đồng/giờ hàng ghế cam và 8.000 đồng/giờ hàng ghế đỏ (thuộc ghế VIP của quán). Tuy giá có cao hơn nhiều quán khác nhưng khách đến đây vẫn rất đông, đặc biệt là từ 14 giờ chiều đến 5 giờ sáng hôm sau. Vì quán mở 24/24 nên khi khách có nhu cầu ăn uống và ở lại để “cày” game thì nhân viên sẽ tới phục vụ chu đáo.
Theo ghi nhận của P.V, mặc dù đã có nhiều quy định về thời gian hoạt động cũng như chế tài đối với hành vi vi phạm nhưng một số chủ tiệm internet “phớt lờ”, thậm chí tìm cách “đối phó”.
“Đủ chiêu” lách luật
Tình trạng thanh thiếu niên “nghiện” game như trên từng được UBND TX.Dĩ An đưa ra thảo luận tại hội nghị sơ kết về công tác quản lý dịch vụ internet, công tác thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng cách đây ít lâu. Phát biểu tại hội nghị, một vị trong Đội Kiểm tra liên ngành 814 TX.Dĩ An cho biết, hiện nay trên địa bàn TX.Dĩ An có 198 tiệm internet, tập trung chủ yếu tại phường Dĩ An và Đông Hòa.
Việc các tiệm internet hoạt động quá giờ quy định tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự. Trong quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng từng phát hiện các đối tượng nghiện ma túy, không có việc làm và nơi ở ổn định “ở trọ” trong tiệm internet. Đây là những đối tượng có khả năng vi phạm pháp luật cao.
Ngoài ra, với tâm lý ham chơi, thích khám phá, nhiều thanh thiếu niên dành nhiều thời gian và sức lực vào việc chơi game mà bỏ bê học tập, sinh hoạt, rồi dần dần “nghiện” game lúc nào cũng chẳng hay. Đặc biệt, nguy hiểm ở chỗ nhiều “game thủ” bắt đầu hình thành một lối sống bất chấp luật pháp từ game bạo lực.
Theo một cán bộ Công an TX.Dĩ An thì trong các loại game hiện nay, muốn nhân vật của mình được mạnh hơn những đối thủ khác thì người chơi cần phải bỏ tiền thật ra để nâng cấp nhân vật của mình thông qua những chiếc thẻ cào của chính game đó hoặc qua những loại thẻ cào điện thoại. Tùy theo mệnh giá tương ứng của thẻ cào mà quy ra số tiền đổi được trong “thế giới ảo”. Từ việc cần tiền để chơi game, nhiều thanh niên đã cầm cố đồ đạc, khi không còn gì để bán lấy tiền thì họ nảy sinh ý định trộm cắp đồ của người khác và đặc biệt nghiêm trọng hơn nữa là các con nghiện game có thể giết người cướp của để lấy tiền chơi game, từ đó xảy ra hệ lụy cho xã hội. Nhiều gia đình đã “tan cửa, nát nhà” khi không may có con nghiện game.
Cần sự phối hợp từ nhiều phía
Ông Đào Minh Thành, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TX.Dĩ An cho biết, để tiệm internet không còn hoạt động quá giờ quy định, ngoài việc tổ chức thanh kiểm tra, các cơ quan chức năng cần tổ chức các lớp tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật cho các tổ chức cá nhân kinh doanh dịch vụ internet và trò chơi điện tử công cộng. Nếu những tiệm internet nào vi phạm nhiều lần thì đề nghị đơn vị viễn thông tạm ngưng cung cấp dịch vụ internet, mạnh hơn là cắt hợp đồng vĩnh viễn. Đối với UBND các phường, ban ngành đoàn thể cần tăng cường công tác tuyên truyền về thời gian hoạt động, những tác hại của việc nghiện game cho người dân, đặc biệt là thanh thiếu niên. Đồng thời, gia đình và nhà trường cần có sự quan tâm, giám sát đặc biệt con em cũng như học sinh khi đến trường mà bỏ học đi chơi game.
Trong khi đó, ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch UBND TX.Dĩ An cho rằng, thanh thiếu niên rất nhanh nhạy trong việc nắm bắt thành tựu khoa học kỹ thuật, trong đó có việc sử dụng máy tính, điện thoại để chơi game. Thế nhưng thanh thiếu niên lại chậm trong việc cảm nhận được những tác hại mà internet mang lại. Từ thực tế trên, nếu chúng ta không kịp thời có những định hướng đúng đắn để giúp thanh thiếu niên biết lựa chọn và khai thác thông tin trên internet một cách hữu ích thì hậu quả rất nghiêm trọng.
Vì vậy, các cơ quan chức năng cần làm tốt công tác quản lý và kiểm tra. Cụ thể, Đoàn kiểm tra liên ngành 814 TX.Dĩ An và Tổ kiểm tra liên ngành 814 các phường cần tăng cường công tác kiểm tra định kỳ và đột xuất các tiệm internet trên địa bàn. Đồng thời, yêu cần các tiệm internet tuân thủ quy định giờ đóng cửa, đặc biệt là các tiệm gần trường học. Nếu trường hợp nào cố tình vi phạm thì cần phải xử lý nghiêm, thậm chí là tạm thời đình chỉ hoạt động kinh doanh để răn đe, chấn chỉnh trong hoạt động kinh doanh internet. Công an địa phương tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng khác xuống cơ sở kiểm tra, hướng dẫn và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, đồng thời lập danh sách các tiệm internet thường xuyên vi phạm cho các cơ quan chức năng khác xử lý.
Đoàn Thanh niên cần phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền pháp luật, tác hại của internet cho thanh thiếu niên nắm rõ. Mở các lớp tập huấn hướng dẫn thanh thiếu niên sử dụng internet có hiệu quả, phù hợp với chuẩn mực giá trị văn hóa truyền thống và pháp luật. Đồng thời, nhà trường cần phối hợp với gia đình quản lý thời gian của các em. Còn đối với các thanh thiếu niên đã “nghiện” game, ngoài sự giúp đỡ của gia đình và xã hội thì bản thân phải quyết tâm cai nghiện để có cuộc sống lành mạnh.
Giết người vì “nghiện” game
Tuy chưa có những báo cáo chính thức của các cơ quan chức năng về ảnh hưởng của internet đối với đời sống và sức khỏe của giới trẻ, song thực tế hiện nay một số thanh thiếu niên có những biểu hiện bệnh lý liên quan đến internet. Việc thanh thiếu niên thường xuyên sử dụng internet nói chung và chơi game nói riêng sẽ dẫn đến lối sống ảo giác, gây ảnh hưởng đến đạo đức và hành vi lệch lạc nhận thức. Trước đây đã có trường hợp vì “nghiện” game nhưng không có tiền để chơi mà một số thanh niên đã có những hành vi vi phạm pháp luật. Điển hình như trường hợp của Nguyễn Hoàng Phúc (22 tuổi, ngụ KP.Bình Minh 2, phường Dĩ An, TX.Dĩ An). Vào ngày 5-5, Phúc đi chơi game hết tiền nên về xin tiền gia đình để chơi tiếp. Thấy vậy, ông Nguyễn Văn H. (56 tuổi) là cha của Phúc can ngăn con nhưng Phúc không nghe lời mà lớn tiếng cãi lại. Trong lúc cãi vã, Phúc đã lấy dao sát hại cha mình. Tiếp đó Phúc nhẫn tâm sát hại bà nội, sau đó tự sát.