Hụt thu ngân sách khoảng 189,Đềxuấtchưatănglươngcơsởtrongnăkq wolfsburg2 nghìn tỷ đồng
Chiều 20/10, trình bày thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020, dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương (NSTW) năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia 2016-2020 và định hướng kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia 2021-2025, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách (UBTCNS) Nguyễn Đức Hải cho biết, UBTCNS cơ bản thống nhất với các báo cáo của Chính phủ về NSNN.
Về thu NSNN, dự ước cả năm thu đạt 1.323,1 nghìn tỷ đồng, hụt 189,2 nghìn tỷ đồng (giảm 12,5%) so với dự toán. Mặc dù cơ quan quản lý thu đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và nợ đọng thuế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện đầy đủ các giải pháp thực hiện chính sách thu đã đề ra, song do tác động của đại dịch Covid-19 nên các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí và thu từ dầu thô đều không đạt dự toán.
Về chi, ước thực hiện tổng chi NSNN năm 2020 là 1.686,2 nghìn tỷ đồng, giảm 60,89 nghìn tỷ đồng (giảm 3,5%) so với dự toán. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, thu NSNN khó khăn, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, điều hành chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm trong phạm vi dự toán được Quốc hội quyết định, tăng cường kỷ luật tài chính, tập trung nguồn lực đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn, khắc phục kịp thời hậu quả bão lũ, thiên tai, dịch bệnh và các nhiệm vụ chi quan trọng, cấp bách, đột xuất phát sinh.
Với tình hình trên, bội chi NSNN năm 2020 ước khoảng 4,99% GDP, tăng 1,55% so với dự toán. Tuy nhiên, nhiều khả năng bội chi NSNN sẽ tăng thêm 38,5 nghìn tỷ đồng do không thu được tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, dẫn đến bội chi NSNN vượt dự toán cao (khoảng 357,96 nghìn tỷ đồng), bằng 5,59% GDP.
Để xử lý một số vấn đề phát sinh trong điều hành NSNN năm 2020, UBTCNS đã thống nhất đề nghị Quốc hội chấp thuận bổ sung dự toán thu, chi ngân sách và một số vấn đề phát sinh trong điều hành NSNN năm 2020 vì đây là các khoản thu, chi NSNN phát sinh, cần thiết và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.
Trong đó, có việc điều chỉnh tăng bội chi NSNN năm 2020 để bảo đảm nguồn đáp ứng nhiệm vụ chi của NSNN trong trường hợp NSTW bị hụt thu. Tuy nhiên, UBTCNS nhấn mạnh nguyên tắc chỉ tăng bội chi cho đầu tư phát triển và chỉ huy động vay bù đắp bội chi theo khả năng thực tế giải ngân của năm 2020. Trường hợp thu ngân sách địa phương (NSĐP) giảm so với dự toán, các địa phương phải chủ động sử dụng nguồn lực hợp pháp, bao gồm cả nguồn cải cách tiền lương còn dư để xử lý cân đối NSĐP, thực hiện việc cắt giảm, giãn các nhiệm vụ chi năm 2020 sang năm 2021.
Năm 2021: Dự toán thận trọng, tập trung nguồn lực phòng chống Covid-19
Về năm 2021, Chính phủ dự kiến tổng thu NSNN là 1.343,33 nghìn tỷ đồng, tổng chi NSNN là 1.687 nghìn tỷ đồng, bội chi NSNN là 343,67 nghìn tỷ đồng. Do thay đổi chỉ tiêu kinh tế tổng hợp GDP điều chỉnh để xây dựng dự toán NSNN năm 2021; GDP điều chỉnh dự kiến tăng 25,4%, theo đó, điều chỉnh giảm tỷ lệ các chỉ tiêu về thu, chi NSNN, bội chi, nợ công trên GDP từ năm 2021 trở đi. Như vậy, về số tương đối sẽ giảm so với hiện hành nhưng số tuyệt đối vẫn tăng lên.
Trong dự toán, Chính phủ đề nghị tăng tổng thu NSNN 1,5% so với ước thực hiện năm 2020 (giảm 11,1% so với dự toán năm 2020). Theo cơ quan thẩm tra, đây là mức tăng thận trọng, nhưng khá thấp so với tính toán trong kịch bản tăng trưởng kinh tế ở mức tương đối cao (6 - 6,5%). Tuy nhiên, để an toàn, chủ động trong điều hành NSNN, UBTCNS cơ bản đồng ý với đề xuất của Chính phủ.
Về chi, UBTCNS cho rằng dự toán chi cân đối NSNN giảm 3,4% (giảm 60,1 nghìn tỷ đồng) là phù hợp với tốc độ giảm thu cân đối NSNN. Tuy nhiên, về nguyên tắc chi, cần tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm quy định của Hiến pháp và Luật NSNN hiện hành.
Trong năm 2021, Chính phủ dự kiến bội chi NSNN khoảng 4% GDP điều chỉnh, mức mà đa số ý kiến trong UBTCNS cho rằng "chấp nhận được".
Bên cạnh đó, tại báo cáo thẩm tra, UBTCNS cũng nêu ý kiến về một số kiến nghị của Chính phủ trong dự toán NSNN năm 2021.
Cụ thể, về thực hiện cơ chế tài chính đặc thù đối với một số cơ quan, đơn vị, UBTCNS cho rằng, nhiều cơ quan, đơn vị được áp dụng cơ chế tài chính đặc thù có mức thu nhập tăng thêm từ 1,8 - 3 lần so với mặt bằng chung, tạo ra sự bất hợp lý và không công bằng trong phân phối thu nhập. Một số cơ quan có nguồn kinh phí còn dư khá cao, có dư địa bố trí bổ sung dự toán chi năm 2021. Do đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo, yêu cầu tiết kiệm giảm tối thiểu 20 - 25% so với dự toán chi năm 2020; đồng thời, có cơ chế kiểm soát thu nhập tăng thêm không quá 50% mức tiền lương ngạch, bậc theo quy định hiện hành để bảo đảm công bằng hợp lý giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị.
Năm tới, Chính phủ cũng đề nghị chưa điều chỉnh tiền lương cơ sở và điều chỉnh chuẩn nghèo trong năm 2021 để tập trung dành nguồn lực phòng chống dịch bệnh Covid-19 và một số vấn đề cấp bách khác. Đa số ý kiến UBTCNS cơ bản đồng ý với đề nghị này.
Đối với việc chi cho các quỹ tài chính ngoài ngân sách, do dịch bệnh Covid-19 vẫn đang khó kiểm soát, nền kinh tế vẫn đang bị ảnh hưởng, nguồn thu ngân sách giảm mạnh, do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát cắt giảm hoặc cân nhắc chưa bố trí vốn điều lệ cho một số quỹ trong năm 2021./.
Hoàng Yến