Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của ngành và những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể trong chương trình CĐS được giao, Sở TT và TT đã phát huy vai trò ngành chuyên môn tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện lộ trình đúng với chỉ đạo của Trung ương và phù hợp với điều kiện của tỉnh, góp phần quan trọng vào thành quả bước đầu trong xây dựng 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Từ đó, huy động được sự quan tâm, vào cuộc của các ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ CĐS của tỉnh nói chung, của từng ngành, địa phương nói riêng. Đến nay, Nam Định xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố trên bảng xếp hạng CĐS toàn quốc; tăng 1 bậc sau 2 năm liên tiếp đứng thứ 11.
Tỉnh được Bộ TT&TT đánh giá dẫn đầu toàn quốc trong việc thực hiện Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trên Cổng dịch vụ công quốc gia với tỷ lệ cung cấp và thực hiện các dịch vụ công trực tuyến đạt trên 80%, vượt 30% so với chỉ tiêu phấn đấu.
Để có được kết quả này, ngay sau khi BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 15-10-2021 về CĐS đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Sở đã tham mưu với tỉnh tập trung rà soát, đánh giá, nhận diện “điểm nghẽn”; mời các chuyên gia cấp bộ, ngành Trung ương về thảo luận, tham vấn các biện pháp tháo gỡ.
Trên cơ sở phân tích dữ liệu, tỉnh đã đưa ra những giải pháp tổng thể cho quá trình CĐS ở cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó thành công nhất là chiến lược tranh thủ sự hỗ trợ đào tạo phát triển nguồn nhân lực từ Bộ TT&TT, các Tập đoàn viễn thông để đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ đáp ứng yêu cầu đảm bảo CĐS diễn ra an toàn, đúng tiến độ.
Sở phân công nhiệm vụ cho cán bộ, nhân viên; thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng để phổ cập kỹ năng số cơ bản cho cộng đồng dân cư để người dân dễ dàng tham gia vào quá trình CĐS. Phát huy năng lực, tính sáng tạo của cán bộ trẻ am hiểu về công nghệ thông tin trong ngành và các cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh để tìm ra các giải pháp hợp lý hóa quy trình làm việc, giải quyết những vướng mắc tại chỗ trong quá trình CĐS của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân.
Trong công tác quản lý Nhà nước về bưu chính - viễn thông (BC, VT), Sở TT&TT đã thể hiện rõ vai trò trọng tài, vừa quản lý chặt chẽ vừa điều phối, khuyến khích các doanh nghiệp cùng phát triển. Đến nay, hạ tầng mạng lưới BC, VT của tỉnh không ngừng phát triển và được phủ sóng rộng khắp với hàng chục doanh nghiệp hoạt động, gần 300 bưu cục, điểm phục vụ.
Việc cung cấp dịch vụ tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích đã góp phần mang lại cho người dân nhiều thuận lợi, giúp tiết kiệm thời gian, chí phí đi lại, bảo đảm tính công khai, minh bạch và giảm bớt áp lực đối với các cơ quan hành chính địa phương, được nhân dân đồng tình ủng hộ và đánh giá cao.
Các doanh nghiệp BC, VT đã nỗ lực xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại, an toàn, có dung lượng lớn, tốc độ cao, vùng phủ sóng rộng nhằm phục vụ tốt công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh, các cơ quan quản lý Nhà nước.
Đồng thời, cung cấp các dịch vụ BC, VT với chất lượng tốt, giá cước hợp lý trên cơ sở cạnh tranh đáp ứng nhu cầu đa dạng của người sử dụng dịch vụ; bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông và an ninh thông tin cho các hoạt động ứng dụng viễn thông, công nghệ thông tin, nhất là trong việc thúc đẩy phát triển chính phủ điện tử, phát triển thương mại điện tử của tỉnh. 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu dịch vụ viễn thông trên địa bàn đạt 710 tỷ đồng, tăng 10%; doanh thu bưu chính, chuyển phát đạt 156 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2022.
Đối với hoạt động thông tin, tuyên truyền, báo chí, xuất bản, Sở TT&TT đang tiến hành tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch CĐS báo chí đến năm 2025, định hướng 2030. Trong đó vừa hỗ trợ các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh thực hiện CĐS theo tinh thần Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 6-4-2023 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược CĐS báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Phấn đấu đến năm 2025, Báo Nam Định và Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đưa nội dung lên các nền tảng số, sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động.
Đồng thời, hỗ trợ thiết thực với các hoạt động như đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng, huy động nguồn lực từ doanh nghiệp để đồng hành với mục tiêu của chương trình hỗ trợ CĐS của các cơ quan báo chí.
Song song với việc thúc đẩy CĐS báo chí, Sở TT&TT phối hợp với Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Cục An ninh mạng (Bộ TT và TT) và Công an tỉnh kiểm soát ngăn chặn tình trạng website, thông tin giả lan truyền gây ảnh hưởng không tốt đến hoạt động báo chí và an ninh trật tự.
Sở cũng đang từng bước hướng dẫn các xã, phường, thị trấn ứng dụng công nghệ, CĐS hệ thống truyền thanh cơ sở. Đến nay, toàn tỉnh có gần 20 xã, thị trấn ứng dụng hệ thống đài truyền thanh thông minh. Trong năm 2023, Sở TT&TT đã tổ chức thành công Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Nam Định với sự tham gia của 17 đơn vị nhà xuất bản, công ty phát hành, nhà sách với 40 gian hàng trưng bày ở cả không gian truyền thống và không gian ảo.
Với khát vọng đổi mới, tận tâm vì sự phát triển của tỉnh, Sở TT&TT không chỉ định hướng hỗ trợ hệ thống thông tin cơ sở, các doanh nghiệp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thông tin liên lạc và tuyên truyền, phục vụ đắc lực cho sự chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của người dân trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế mà còn nỗ lực làm tốt vai trò dẫn dắt CĐS một cách toàn diện để thực hiện mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Thời gian tới, Sở tiếp tục tập trung mũi nhọn công nghệ tạo bước đột phá, lấy tuyên truyền để đạt sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, tạo ra sức mạnh to lớn góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu CĐS, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; phấn đấu đến năm 2030 Nam Định cơ bản hoàn thành CĐS gắn với các dịch vụ đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với Trung ương và hệ thống các đô thị thông minh trên toàn quốc.
Theo Nguyễn Hương(Báo Nam Định)