Tại hội nghị này,ềuthchthứcchờHộinghịtỷ số liverpool vs mu các nhà lãnh đạo thế giới sẽ đối mặt nhiệm vụ khó khăn là tìm ra biện pháp ngăn chặn tình trạng toàn cầu ấm dần lên trong bối cảnh xảy ra nhiều thách thức địa chính trị nghiêm trọng, như xung đột Nga - Ukraine, hỗn loạn kinh tế...
Hội nghị COP 27 dự kiến diễn ra tại thị trấn Sharm el-Sheikh (Ai Cập) từ ngày 6 đến 18-11. Ảnh: REUTERS
Dự kiến diễn ra tại thị trấn Sharm el-Sheikh (Ai Cập) từ ngày 6 đến 18-11, Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 27) bị phủ bóng bởi nhu cầu ngày càng tăng của nhóm nước nghèo cần hỗ trợ tài chính để đối phó không chỉ với các tác động của biến đổi khí hậu trong tương lai mà còn về thiệt hại về người và kinh tế.
Trước thềm hội nghị, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cảnh báo Trái đất đang rơi vào “tình trạng hỗn loạn khí hậu không thể đảo ngược” và kêu gọi các nhà lãnh đạo toàn cầu cắt giảm khí thải, giữ lời hứa tài trợ các nước đang phát triển chống biến đổi khí hậu và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.
Cũng theo ông Guterres, kết quả quan trọng nhất của Hội nghị COP 27 là phải có ý chí chính trị rõ ràng để đẩy nhanh giảm khí thải.
Một trong những vấn đề nổi cộm tại COP 27 chính là cam kết tài chính xanh. Theo đó, mỗi năm các nước phát triển vốn thải nhiều khí CO2 vào khí quyển sẽ dành một khoản cam kết 100 tỉ USD dành cho các nước đang phát triển để ứng phó với biến đổi khí hậu.
Cam kết này lẽ ra phải được thực hiện từ năm 2020 nhưng đã không đạt được. Theo tính toán cập nhật mới nhất, các nước giàu mới chỉ cam kết chi 83,3/100 tỉ USD. Các nhà kinh tế lo ngại rằng với sự giảm tốc của kinh tế thế giới, dịch bệnh Covid-19 còn dai dẳng và đặc biệt là nhiều nước đang phải quay trở lại với điện than, khí đốt… trong bối cảnh lạm phát giá năng lượng, việc cam kết hỗ trợ tài chính 100 tỉ USD sẽ khó có thể đạt được tại COP 27 năm nay, mà phải chờ đợi tới 2025.
Hội nghị Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP) hàng năm có ý nghĩa quan trọng vì đây là nơi các nhà lãnh đạo thế giới cùng nhau thảo luận về những vấn đề biến đổi khí hậu và cùng đưa ra hành động. Năm nay, việc huy động nguồn tài trợ để giúp các nước chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, đối phó với cuộc khủng hoảng khí hậu được kỳ vọng là chương trình nghị sự quan trọng tại Hội nghị COP 27 lần này.
Theo Reuters, 1 năm sau khi hơn 140 quốc gia cam kết sẽ chấm dứt phá rừng vào năm 2030, việc hỗ trợ tài chính cho các biện pháp bảo vệ hoặc thông qua luật bảo tồn mới vẫn còn hạn chế.
Trong đợt ngập lụt kinh hoàng tại Pakistan vào mùa hè vừa qua, 1/3 diện tích của Pakistan bị chìm trong nước, 1.700 người chết. Pakistan chịu thiệt hại kinh hoàng từ thiên tai, nhưng nước này chỉ góp 1% vào lượng khí thải toàn cầu.
Những nước dễ bị tổn thương như Pakistan đang kêu gọi các nước phát triển xả thải nhiều phải chi trả cho tổn thất họ phải chịu từ biến đổi khí hậu. Quan điểm này nhận được sự ủng hộ từ đại diện của Liên Hiệp Quốc.
Ông Simon Stiell, Thư ký điều hành Hội nghị khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu, nói: “Những người dễ bị tổn thương phải là ưu tiên hàng đầu của danh sách vì họ trực tiếp chịu tác động của biến đổi khí hậu. Pakistan đã thiệt hại hàng tỉ USD sau thảm họa lũ lụt vừa rồi. Làm thế nào để họ phục hồi? Những cơ chế nào sẽ giúp họ? Chỉ riêng nguồn lực của chính phủ Pakistan là không đủ để giúp người dân phục hồi sau một thảm họa lớn như vậy”.
Làm thế nào để ràng buộc các nước phát thải nhiều - tăng cường hỗ trợ tài chính cho các nước phát thải ít là chủ đề được quan tâm tại COP 27 lần này. Đây là vấn đề được thảo luận tại hầu như mỗi hội nghị COP, nhưng các nước hy vọng COP 27 sẽ đạt được bước tiến trong việc thiết lập một cơ chế chính thức.
Bên cạnh đó, các nước phát triển cũng cần hỗ trợ nhiều hơn, để giúp các quốc gia khác chuyển đổi sang công nghệ xanh. Có như vậy nỗ lực ứng phó toàn cầu với biến đổi khí hậu mới phát huy tác dụng.
Giới quan sát kỳ vọng, COP 27 sẽ cung cấp một nền tảng để triển khai các công cụ tài chính sáng tạo, có thể thúc đẩy ứng phó với biến đổi khí hậu ở nhiều quốc gia đang phát triển trên thế giới.
NGUYỄN TẤN tổng hợp