Thế vận hội mùa Đông Pyeongchang 2018 đã thu hút sự chú ý đặc biệt của báo chí quốc tế không chỉ bởi đây là một sự kiện thể thao lớn của thế giới,ệlinTriềuđangấxem kết quả bóng đá việt nam mà nó còn đánh dấu những tiến triển vô cùng khả quan trong quan hệ giữa 2 miền Triều Tiên.
Tổng thống Moon Jae-in chào đón bà Kim Yo-jong tại Seoul ngày 10-2. Ảnh: AFP
Các vận động viên Hàn Quốc và Triều Tiên đã cùng diễu hành dưới một lá cờ chung trong lễ khai mạc Olympic Pyeongchang. Cái bắt tay của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và bà Kim Yo-jong, em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trên khán đài. Những kết quả tích cực này của chiến lược ngoại giao thể thao đang mang lại nhiều hy vọng về ổn định trên bán đảo Triều Tiên.
Tờ Diplomat nhận định kỳ Olympic mùa Đông năm nay có lẽ sẽ bao gồm nhiều biểu tượng của sự hòa giải liên Triều: 2 đội tuyển quốc gia đi dưới 1 lá cờ thống nhất, 1 đội khúc côn cầu chung, rồi bài truyền thống Arirang được dùng làm quốc ca không chính thức của đội tuyển thống nhất khi thi đấu. Theo bài báo, chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in hy vọng không khí hợp tác này sẽ được kéo dài kể cả sau Olympic để mở đường cho các cuộc đoàn tụ các gia đình bị ly tán, các chương trình nhân đạo hay các kênh liên lạc bền vững.
Theo giới phân tích, Triều Tiên mới chính là người giành chiến thắng tại Thế vận hội mùa Đông này. Giáo sư Joseph Siracusa, chuyên nghiên cứu về an ninh nhân loại và ngoại giao quốc tế tại Đại học RMIT ở Melbourne, Australia cho rằng, Triều Tiên không có gì để mất với canh bạc Thế vận hội. “Nếu họ tới dự sự kiện thể thao này như những người bình thường và trông cũng chẳng có vẻ gì là đặc biệt, phía Hàn Quốc cũng đối đãi với họ không khác thông lệ, thì đó là chiến thắng ngoại giao lớn”.
Không dừng ở đó, hôm 10-2, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in có cuộc gặp kéo dài gần 3 giờ đồng hồ với nhóm quan chức cấp cao CHDCND Triều Tiên tại Seoul, theo Yonhap. Trước khi hội đàm, Tổng thống Moon bắt tay từng người, trong đó có em gái của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là bà Kim Yo-jong, Phó Trưởng ban thứ nhất Ban Tuyên truyền và cổ động của Đảng Lao động Triều Tiên.
Yonhap dẫn lời phát ngôn viên Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Kim Eui-kyeom cho hay bà Kim đã chuyển thư riêng của anh trai cho Tổng thống Moon, trong đó ông Kim Jong-un nhấn mạnh sẵn sàng cải thiện quan hệ liên Triều. Khi trao thư, bà Kim còn chuyển lời mời Tổng thống Moon thăm Bình Nhưỡng và nói lãnh đạo Kim sẵn sàng gặp mặt trong thời gian sớm nhất có thể. Đáp lại, Tổng thống Moon kêu gọi nỗ lực tạo ra các điều kiện cần thiết để biến chuyến thăm thành hiện thực, đồng thời đề nghị Bình Nhưỡng tích cực tìm kiếm đối thoại với Mỹ.
Theo giới quan sát, những động thái từ Bình Nhưỡng có thể góp phần làm tan băng quan hệ liên Triều sau một năm 2017 đầy căng thẳng với nguy cơ bùng nổ xung đột luôn chực chờ. Tờ Hankyoreh dẫn lời giáo sư Kim Yong-hyun tại Đại học Dongguk (Hàn Quốc) nhận định việc bà Kim Yo-jong thăm miền Nam cho thấy Triều Tiên “nghiêm túc về đối thoại”. Ngược lại, theo CNN, một số nguồn thạo tin cho rằng việc đưa phái đoàn cấp cao tới Hàn Quốc chỉ “mang tính biểu tượng hơn là sáng kiến ngoại giao vững chắc” và Triều Tiên có thể đang âm thầm chuẩn bị những động thái kế tiếp cho thời kỳ sau Thế vận hội.
Dĩ nhiên Mỹ và Nhật Bản vẫn tỏ ra nghi ngờ về ý định của Triều Tiên. Trước khi dẫn đầu phái đoàn Mỹ đến dự lễ khai mạc Thế vận hội mùa Đông, Phó Tổng thống Mike Pence tuyên bố: “Chúng tôi sẽ không cho phép sự tuyên truyền của Triều Tiên cướp đi thông điệp và hình ảnh của Thế vận hội”. Ngoài ra, trong cuộc gặp Tổng thống Moon hôm 9-2, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe kêu gọi nối lại tập trận chung Hàn - Mỹ, vốn bị hoãn trong thời gian Thế vận hội. Đáp lại, Tổng thống Moon nói rằng việc Thủ tướng Abe đề cập vấn đề tập trận là không phù hợp vì đây là “chuyện nội bộ và thuộc chủ quyền của Hàn Quốc”.
NGUYỄN TẤN tổng hợp