【dự đoán liverpool】Gỡ khó quản lý biên chế ngành y tế
(CMO) Thực hiện chỉ đạo của Trung ương và địa phương về công tác quản lý và sử dụng biên chế, trong những năm qua, Sở Y tế đã rà soát, sắp xếp, thực hiện chính sách tinh giản biên chế, kiện toàn tổ chức bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức. Tuy nhiên, với đặc thù của ngành y, vấn đề quản lý biên chế cũng như tuyển dụng đã và đang gặp không ít khó khăn, cần tháo gỡ để tạo đà cho sự phát triển nguồn nhân lực của ngành.
Theo rà soát của Sở Y tế, năm 2015, tổng số biên chế của ngành được giao là 4.559 người; trong đó, công chức 64 người, biên chế sự nghiệp 4.128 người; hợp đồng theo Nghị định số 161/2018 là 367 người. Tính đến tháng 10/2022, tổng số biên chế ngành là 6.535 người; trong đó, công chức 63 người, biên chế sự nghiệp 6.073 người và hợp đồng theo Nghị định 161/2018 là 399 người.
Qua gần 8 năm thực hiện kế hoạch tinh giản biên chế, từ 2015-2022, ngành y tế Cà Mau đã tinh giản biên chế và cho thôi việc ngay 227 người. Tinh giản biên chế công chức đạt 13,11%, viên chức đạt 5,18%.
Qua đó, Sở Y tế đã tham mưu trình UBND tỉnh sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, khắc phục những chồng chéo, không rõ về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị trực thuộc. Kết quả, đã giảm 1 phòng, 4 trung tâm tuyến tỉnh và 7 trung tâm dân số.
Toàn ngành hiện còn 5 phòng, 2 đơn vị hành chính và 23 đơn vị sự nghiệp trực thuộc. Trong đó, có 2 đơn vị sự nghiệp tự chủ kinh phí chi thường xuyên; 18 đơn vị sự nghiệp tự chủ một phần kinh phí chi thường xuyên; 3 đơn vị sự nghiệp và 3 đơn vị hành chính được Nhà nước đảm bảo kinh phí chi thường xuyên.
Bệnh viện Ða khoa tỉnh hiện nay đang thiếu gần 200 biên chế so với chỉ tiêu được giao. |
Giám đốc Sở Y tế Cà Mau Nguyễn Văn Dũng đánh giá: “Việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức của ngành được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, tạo sự đồng thuận cao trong công chức, viên chức và người lao động. Ngành đã tập trung xây dựng đề án vị trí việc làm, đảm bảo số lượng và chất lượng viên chức được bố trí đúng với trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Thực hiện tốt việc sắp xếp tinh gọn bộ máy, giảm thiểu cấp phó, giảm thiểu phòng chức năng và hơn hết giảm bớt khâu trung gian, thực hiện cơ chế thủ trưởng và chuyên viên tham mưu trực tiếp”.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của đơn vị, vấn đề quản lý biên chế và sử dụng biên chế của ngành y tế vẫn còn gặp phải nhiều khó khăn nhất định. Trong đó, cơ chế quản lý, thủ tục về điều chỉnh, chuyển đổi từ đơn vị sự nghiệp được cấp kinh phí hoạt động hàng năm sang cơ chế tự chủ một phần và tự chủ hoàn toàn còn gặp nhiều khó khăn, trách nhiệm người đứng đầu chưa cao, còn trông chờ vào biên chế, ngân sách Nhà nước cấp. Số lượng người làm việc tại một số đơn vị sự nghiệp công lập còn thiếu so với định mức, điều này gây không ít khó khăn trong quá trình hoạt động của các đơn vị.
Bác sĩ Ðặng Thuỳ Trang, Phó giám đốc Bệnh viện Ða khoa tỉnh Cà Mau, cho biết: “Năm 2022, bệnh viện được giao biên chế là 1.125 người. Nhưng trên thực tế, số người làm việc hiện có tại bệnh viện chỉ 928 người. Trong đó, biên chế 763 người, 93 hợp đồng theo Nghị định 161/2018 và 72 hợp đồng chuyên môn. So với biên chế được giao ít hơn gần 200 người. Nguyên nhân do bệnh viện là đơn vị được giao tự chủ thường xuyên nên vấn đề nguồn quỹ để chi cho con người, chi lương hiện còn rất hạn hẹp nên không thể tuyển nhiều. Bệnh viện đang hướng đến bệnh viện loại 1, sẽ rất cần nguồn nhân lực về bác sĩ, điều dưỡng, nhưng với tình hình này, đơn vị dù có muốn tuyển thêm cũng rất khó bởi chưa cân đối được ngân sách”.
Song, khó khăn nhất trong quá trình thực hiện tinh giản biên chế hiện nay đối với ngành y tế là phải vừa giải quyết tình trạng quá tải cho các cơ sở y tế, phải bảo đảm thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh và các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế và vừa phải đảm bảo việc thực hiện tinh giản biên chế đúng kế hoạch đề ra.
Hiện nay ngành y tế chưa bố trí đủ số lượng bác sĩ điều trị tính trên giường bệnh và trên số dân nên việc tinh giản mà không được tuyển lại sẽ không đủ số người làm việc theo quy định, do đó, việc thực hiện giảm 50% biên chế của số đối tượng tinh giản biên chế và nghỉ hưu sẽ gây khó khăn cho công tác chăm sóc sức khoẻ cho người dân.
Ðiều đáng lo ngại hiện nay chính là chưa có giải pháp để thu hút nguồn nhân lực, thậm chí những năm gần đây số bác sĩ nghỉ việc ở các cơ sở khám, chữa bệnh cũng tăng. Số lượng viên chức y tế có năng lực chuyên môn thấp vẫn còn, nhưng khó loại ra khỏi bộ máy những người không đáp ứng yêu cầu công việc, mà ngược lại có một số người làm việc tốt, nhưng với áp lực công việc nặng nề lại xin được nghỉ việc theo diện tinh giản biên chế.
Trước những khó khăn trên, ông Nguyễn Văn Dũng kiến nghị: “Tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, ngành y tế phải đối mặt với khối lượng và áp lực công việc lớn. Do đó, Sở Y tế đề xuất giữ nguyên số lượng biên chế công chức giao cho ngành y tế những năm tiếp theo là 63 người (không giảm 3 người theo đề án tinh giản biên chế giai đoạn 2022-2026 của tỉnh). Về hợp đồng theo Nghị định 161/2018, giao cho ngành y tế là 399 người, một số bệnh viện và trung tâm y tế có giường bệnh quá ít, không đủ để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, vệ sinh… Do đó, Sở Y tế đề xuất xin giao thêm cho ngành y tế 64 người hợp đồng chi từ nguồn kinh phí tự chủ của các đơn vị”.
“Ngành y tế là ngành đặc thù, tính chất công việc rất khác so với các cơ quan, đơn vị khác. Số lượng biên chế phải đi theo quy mô giường bệnh. Phải xây dựng định khung chuẩn (quy mô giường bệnh x biên chế). Khi đó, tuỳ theo điều kiện của từng đơn vị, sẽ chủ động nghiên cứu trong định chuẩn đó cần tuyển bao nhiêu để tuyển phù hợp với sự phát triển của bệnh viện, phù hợp với vị trí việc làm, góp phần phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực chăm sóc bệnh nhân”, ông Nguyễn Văn Dũng đề xuất./.
Hồng Nhung