Người dân đặt lịch làm việc với cơ quan Bảo hiểm xã hội. Ảnh: BHXH Việt Nam |
Báo cáo của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho thấy, tính đến ngày 3/3/2024, cả nước có khoảng 17,69 triệu người tham gia BHXH, tăng 3,23% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc là 16,12 triệu người, tăng 2,32% và 1,56 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 13,66%; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đạt 14,41 triệu người, tăng 0,74% so với cùng kỳ năm 2023. Số người tham gia BHYT đạt 90,15 triệu người tham gia BHYT, tăng 0,74% so với cùng kỳ năm 2023. Số thu BHXH, BHYT ước tăng 2,49% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 36.668 tỷ đồng. Lũy kế đến hết tháng 2 có 10.392 người được giải quyết chế độ BHXH hằng tháng; 939.139 lượt người hưởng chế độ ốm đau; 218.376 lượt người hưởng chế độ thai sản; 108.830 người hưởng trợ cấp thất nghiệp...
Mở rộng hệ thống tổ chức dịch vụ thu Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu, việc phát triển BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình trong năm 2024 sẽ còn gặp khó khăn. Do đó, Ban Quản lý Thu-Sổ thẻ phải tăng cường kiểm tra, đôn đốc BHXH các địa phương; tham mưu kiện toàn ban chỉ đạo; mở rộng hệ thống tổ chức dịch vụ thu; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động người tham gia. |
Có được kết quả tích cực trên, theo BHXH Việt Nam là nhờ trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia; đôn đốc thu, giảm tiền chậm đóng BHXH, BHYT. Một trong những điểm được BHXH địa phương đặc biệt quan tâm là tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đưa chỉ tiêu bao phủ BHXH, BHYT vào nghị quyết của HĐND các cấp; đồng thời giao chỉ tiêu phát triển người tham gia đến cấp huyện, cấp xã.
Theo Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh, các kết quả mà ngành BHXH đạt được trong 2 tháng đầu năm đều tăng so với cùng kỳ, cho thấy một khởi đầu thuận lợi. Thời gian qua, toàn ngành đã rất trách nhiệm, nhiều nội dung công việc quan trọng đã được triển khai nhanh chóng, đặc biệt là trong việc đảm bảo quyền lợi cho người dân, người hưởng chính sách BHXH, BHYT.
“Với trách nhiệm là đảm bảo an sinh, ngành BHXH Việt Nam đã thực hiện tốt các nhiệm vụ phục vụ người dân và doanh nghiệp, đặc biệt kịp thời tổ chức chương trình "Tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho người có hoàn cảnh khó khăn xuân Giáp Thìn" có tính lan toả trong xã hội và được nhân dân đón nhận” - ông Mạnh khẳng định.
Ảnh minh họa. |
Theo ông Dương Văn Hào - Trưởng ban Quản lý Thu - Sổ thẻ BHXH Việt Nam, công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN toàn ngành 2 tháng đầu năm đã có nhiều tín hiệu tích cực. Thời gian tới, toàn ngành cần tập trung tham mưu chính quyền địa phương xây dựng, hoàn thiện các nghị quyết về giao chỉ tiêu phát triển người tham gia; tham mưu ban chỉ đạo phát triển người tham gia BHXH, BHYT của tỉnh để chỉ đạo, giao chỉ tiêu cho ban chỉ đạo các cấp, đặc biệt là chỉ tiêu về BHYT; tham mưu, huy động sự vào cuộc của các cấp, doanh nghiệp, xã hội có thêm các chính sách, cơ chế hỗ trợ cho người khó khăn được tham gia BHXH, BHYT. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các tổ chức dịch vụ thu trên địa bàn để khai thác người tăng mới và tái tục; linh hoạt các phương thức đóng để tạo thuận lợi cho người tham gia...
Về giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới, ông Hào cho biết, sẽ chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện quyết liệt hơn các văn bản chỉ đạo của BHXH Việt Nam, đẩy mạnh công tác truyền thông, tăng cường thanh tra - kiểm tra, xây dựng phần mềm số để xác định rõ hơn số liệu thu. Cùng với đó, tổ chức các hội nghị chia sẻ kinh nghiệm các mô hình để các địa phương tổ chức thực hiện; tiếp tục tổ chức đào tạo cho các nhân viên dịch vụ thu… từ đó phát triển bền vững người tham gia BHXH, BHYT.
Còn theo Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, dù các chỉ tiêu chủ yếu của ngành ngay từ đầu năm đều tăng so với cùng kỳ, nhưng các khó khăn, thách thức của năm 2024 là không ít nên toàn ngành không được lơ là, chủ quan.
Vì vậy, tư lệnh ngành BHXH yêu cầu, toàn ngành tiếp tục bám sát chủ trương, đường lối, định hướng, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về chính sách BHXH, BHYT; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành trong xây dựng, hoàn thiện các Luật liên quan đến nhiệm vụ của Ngành thời gian tới. Trong đó, chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố khẩn trương, tăng cường công tác tham mưu huy động sự vào cuộc của các cấp trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT; giao được chỉ tiêu đến từng cấp xã, phường, đảm bảo tăng trưởng bền vững.
Ông cũng nhấn mạnh, các đơn vị cần phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, rà soát các kế hoạch, chương trình còn tồn đọng để ban hành kịp thời. Trong đó, trọng tâm là triển khai thực hiện tốt nhất, đảm bảo quyền lợi cho người dân, người lao động, đặc biệt chú trọng đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân KCB BHYT; tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở y tế thuộc thẩm quyền của ngành và phối hợp, tham mưu tháo gỡ những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan.
Đặc biệt, quyết liệt đôn đốc các đơn vị còn chậm đóng, nợ đóng, tiến hành thanh tra đột xuất, thanh tra thường xuyên nhằm giảm nợ; đẩy mạnh đào tạo nghiệp vụ, nâng cao kỹ năng cho đội ngũ thanh tra; đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT, truyền thông dịch vụ công toàn ngành, chuyển đổi số như công tác CCHC. “Các đơn vị cần chủ động, tăng cường hơn nữa kỷ cương kỷ luật, phân công rõ người, rõ việc và gắn trách nhiệm người đứng đầu…” - ông Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu./.