Tìm bạn bốn phương
Dưới mái nhà đơn sơ trong con hẻm nhỏ trên đường Bàu Bàng (phường Chánh Nghĩa,ệntìnhlệchtuổicủacôgáikhờvàngườiđànôngnhiềulầmlỡbảng xếp hạng venezuela TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương), ông Đỗ Hoàng Toàn (SN 1955) và vợ Lê Thanh Thủy (SN 1973) trò chuyện về việc học hành của con gái.
Hơn 20 năm kết hôn, tình cảm vợ chồng của ông Toàn và bà Thủy có lúc gợn sóng do khắc khẩu. Thế nhưng càng lớn tuổi, cả hai càng biết cách tiết chế cái tôi, nhường nhịn đối phương.
Trước khi tái hôn với bà Thủy, ông Toàn có một quá khứ không thể tồi tệ hơn. Từ năm 15 tuổi, ông tụ tập bạn bè, học đòi các thói hư tật xấu. Ông nghiện ma túy rồi sinh ra trộm cắp.
Hơn 10 năm lầm lạc, ông Toàn phải trả giá bằng hôn nhân tan vỡ, bị bắn nát cánh tay trái. Đến khi chứng kiến bạn nghiện chết trong quạnh quẽ, ông bừng tỉnh và quyết tâm cai nghiện.
Cuộc sống của ông Toàn dần ổn định khi chuyển hẳn sang nghề chở xe ba gác. Có công việc ổn định, ông nghĩ đến chuyện tìm người bầu bạn, tuổi già có con cháu săn sóc.
Khoảng năm 1998, ông Toàn thường xem báo in Bình Dương và thấy có mục Tìm bạn bốn phương.Ông tập tành viết thư giới thiệu bản thân, tiêu chí chọn bạn gái… gửi đến báo.
Báo đăng thư của ông vài lần. Mỗi lần báo đăng, ông Toàn lại nhận được gần trăm bức thư từ các cô gái. Trong số đó, ông chọn ra những người có tính cách phù hợp, viết thư hồi âm.
Thư đi thư lại biết bao lần, ông dần có cảm tình với cô gái tên Lê Thanh Thủy, sống ở Quận 2, TP.HCM (nay là TP. Thủ Đức, TP.HCM). Trong thư, ông kể rõ chuyện mình bị cụt tay trái, bà Thủy cũng mô tả bản thân bị tật sứt môi, chân yếu và nhỏ hơn ông 18 tuổi.
Cả hai hẹn gặp nhau lần đầu ở nhà bà Thủy. Hai người qua lại được khoảng 1-2 tháng thì quyết định làm đám cưới. Ngày cưới của ông bà diễn ra rất đơn giản trong sự chúc phúc của họ hàng.
Mãi sau này khi về sống chung, ông Toàn mới biết thư tay đều do mẹ vợ viết dùm con gái. Bà Thủy ngoài các dị tật bẩm sinh thì đầu óc cũng không được nhanh nhẹn.
Trong khi đó, ông giấu chuyện từng nghiện ngập. Ông sợ nhà vợ có ác cảm, không cho cưới bà Thủy. Dù vợ khù khờ nhưng ông không coi khinh, chỉ biết tu chí làm ăn. Thấy ông làm việc quần quật, nhà vợ biết chuyện cũ của con rể cũng không nỡ trách hờn.
Căn duyên tiền định
“Chuyện tình cảm của tôi và vợ giống như căn duyên tiền định. Dù khắc khẩu nhưng mãi vẫn không bỏ được nhau”, ông Toàn cười, nhìn vợ âu yếm.
Nói là khắc khẩu, nhưng người đàn ông này thừa nhận chỉ có một mình ông la rầy vợ, chứ người vợ khờ chỉ im lặng. Mấy lần ông nóng giận, nói nặng lời, bà Thủy không tự ái, cũng không bỏ về nhà mẹ.
Lý do ông Toàn nổi nóng là do vợ không làm đúng lời ông chỉ dẫn, quên trước quên sau.
Sau mỗi lần mắng vợ, ông Toàn lại thấy hối hận. Ông tâm sự: “Người ta khờ khạo có biết gì đâu mà mình mắng, nổi nóng. Tôi nghĩ vậy nên tập cách kiềm chế bản thân, ăn chay niệm Phật”.
Biết vợ không nhanh nhẹn, ông bày cho bà Thủy bán tủ thuốc lá, bánh bao. Thế nhưng, bà không giỏi tính toán, buôn bán thất bại. Ông lại xin cho bà làm công nhân.
Vài năm sau, ông nói bà về phụ giúp công việc cho thuê rạp, bàn ghế. Dạo đó, thu nhập từ nghề này cũng khá, vợ chồng ông có đồng ra đồng vào. Thế nhưng, từ lúc dịch bệnh hoành hành, chẳng ai thuê mướn, ông bà chỉ biết nằm nhà, tiêu dần tiền tiết kiệm.
Gần đây, ông xin cho vợ vào làm ở siêu thị. Mỗi sáng, ông bà cùng nhau thức dậy lúc 3h30. Đến 4h, ông chở vợ đi làm, rồi chạy bộ về nhà.
Ông Toàn nói: “Bà xã đi làm sớm, tôi không an tâm nên ngày nào cũng đưa đến tận nơi. Xe máy gửi lại đó để chiều cho bà chạy về, còn tôi tranh thủ chạy bộ, tập thể dục. Khoảng cách từ nhà đến siêu thị cũng hơn 10km nhưng ông thích chở vợ đi làm cho thêm tình cảm”.
Ngoài lương vợ khoảng 5 triệu đồng, công việc cho thuê rạp, bàn ghế của ông Toàn cũng dần khởi sắc trở lại. Con trai lớn của ông bà có công việc ổn định, con gái chăm chỉ học hành.
Hiện tại, vợ chồng ông Toàn thấy cuộc sống yên ổn, không phải lo nghĩ nhiều. Những lúc rảnh rỗi, ông chở vợ con đi chùa, đi núi lạy Phật. Hai người cảm thấy yêu đời và lạc quan hơn, vợ chồng nhờ vậy cũng gắn kết.