Pa pỉnh tộp
Pa pỉnh tộp, hay pla pỉnh tộp, theo tiếng Thái có nghĩa là "cá nướng nguyên con", là tên gọi món cá nướng của đồng bào dân tộc Thái ở Tây Bắc và người Thái Đen ở tỉnh Loei (Thái Lan). Nguyên liệu chính để làm pa pỉnh tộp là cá suối và các loại gia vị. Người dân thường chọn cá trắm, cá trôi, cá chép hoặc cá rô, khoảng nửa cân trở lên. Người ta thường mổ từ sống lưng xuống, xẻ dọc thân trên từ đầu tới đuôi, không mổ từ bụng và không làm đứt miệng cá vì sẽ khiến gia vị ướp rơi ra ngoài. Phần gia vị nhồi trong bụng cá tiếp xúc với than hồng sẽ tỏa hương ngấm vào thịt cá.
Gia vị ướp cá gồm gừng, sả, rau thơm, tỏi, ớt tươi giã nhỏ, thêm mắm muối, mì chính vừa miệng, đặc biệt, không thể thiểu mắc khén - gia vị đặc trưng của các món ăn vùng Tây Bắc và mầm của cây sa nhân. Gia vị được nhồi vào bụng cá, bên ngoài ra bột riềng và thính gạo, sau đó nướng trên lửa than. Khi ăn, người ta mới lấy phần gia vị còn thừa khi nãy xoa đều lên mình cá thêm lần nữa. Phần gia vị nướng cá cũng có thể dùng làm nước chấm với mùi thơm cay, đậm đà của mắc khén. Pa pỉnh tộp nóng hổi, đẫm gia vị, ăn kèm xôi nếp nương là ngon nhất. Cá chắc, thơm, đẫm gia vị, quyện với xôi dẻo ngọt.
Nộm ban
Hoa ban, lá ban non (rau ban) có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn như nộm rau ban, ban nộm củ riềng, ban xào thịt, ban nộm vừng. Rau rừng khác được rửa sạch, đồ chín rồi trộn với hoa ban chần sẵn, nêm gia vị, thêm lạc rang giã nhỏ, tạo thành món ăn khai vị đậm chất núi rừng Tây Bắc. Món này còn có thể kết hợp với măng đắng, cũng là một sản vật nổi tiếng của Điện Biên.
Gà nướng cáy pỉnh
Gà nướng cáy pỉnh hay còn gọi là gà nướng mắc khén là món ăn nổi tiếng ở Điện Biên nói riêng và vùng núi Tây Bắc nói chung. Gà được ướp gia vị đặc trưng và mắc khén, quấn lá sả bên ngoài và nướng trên than hồng. Khi gà chín, dậy mùi thơm, bày lên đĩa, thịt gà ngọt thơm, gia vị đậm đà, ăn kèm các loại rau thơm, ăn cùng xôi nếp nương là ngon nhất.
Xôi nếp nương
Xôi nếp nương là đặc sản của vùng núi phía Bắc, được làm từ loại nếp nương hảo hạng, dẻo ngọt, thơm nhẹ đặc trưng. Xôi được hai lần và phải đồ bằng chõ gỗ truyền thống. Hạt gạo nếp căng tròn, khi đồ lên thường sáng bóng. Ngoài màu trắng nguyên thủy, người dân thường nhuộm màu cho xôi bằng các loại lá, rau củ nên có màu sắc tự nhiên đỏ, tím, xanh, vàng, thường gọi là xôi ngũ sắc, ăn kèm muối vừng hoặc ăn với thịt nướng, cá nướng.
Nhứa pho
Thịt băm gói lá nướng (tiếng Thái gọi là nhứa pho) là một trong những đại diện của ẩm thực người Thái vùng cao Tây Bắc. Thịt trâu, thịt bò hay thịt lợn đều sử dụng được. Thịt lợn chọn chỗ nạc vai có cả nạc và mỡ; thịt trâu, bò thì chọn phần thăn và pha thêm một ít thịt ba chỉ lợn để lúc nướng không bị khô. Người Thái thường dùng rất nhiều loại gia vị khác nhau như hành lá, hành khô, ớt, tỏi, sả, gừng, rau thơm, mắc khén, đem trộn với từng loại thịt được băm nhỏ rồi mang nướng cho thơm.
Măng đắng
Với người dân vùng cao, măng đắng là sản vật giản dị nhưng có sức hút khó cưỡng. Măng tươi được hái về, ngâm nước muối vài giờ cho bớt vị đắng rồi cho vào nồi đổ nước xăm xắp, luộc trong vòng 15 phút, chấm cùng muối trộn hạt mắc khén. Măng vị đắng, tươi, nhai một lúc sẽ cảm nhận được vị bùi của măng. Măng đắng còn được chế biến thành rất nhiều món hấp dẫn như xào mẻ, luộc, nướng, hầm xương, nộm.
Rêu đá
Đây là đặc sản của người Thái các tỉnh Tây Bắc. Rêu đá có màu xanh lục, mọc bám vào những tảng đá chìm trong khe suối. Người ta có thể chế biến ra nhiều món rêu hấp, canh rêu, nộm rêu, rêu nướng nhưng ngon nhất vẫn là rêu nướng. Loại rêu non được làm sạch, bỏ vào lá chuối, kẹp tre nướng trên than hồng, có thể nướng cùng với cá suối, thịt lợn, thịt gà và ớt, khi chín mùi thơm phức, hương vị độc đáo.
Nguyên Chi tổng hợp