Quy hoạch 5 năm vẫn “chưa làm gì”?!
Kết quả điều tra mới nhất của Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho thấy, tại 60% tỉnh, thành cả nước hiện có hơn 700 cơ sở sản xuất phân bón (tập đoàn, tổng công ty, công ty, chi nhánh). Riêng thành phố Hồ Chí Minh có 491 công ty, chi nhánh, trong đó 267 đơn vị sản xuất phân bón - “một con số đáng kinh ngạc”, ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội cho biết.
Còn tại tỉnh Long An, kết quả điều tra cho thấy địa phương hiện có 42 công ty; Đắk Lắk 37 công ty; Hà Nội 22 công ty; tỉnh Đồng Tháp 21 công ty; tỉnh Thanh Hóa 22 công ty; tỉnh Đồng Nai 47 công ty… Nếu điều tra 100% các tỉnh thành, con số có thể sẽ lên tới 1.000 cơ sở.
Theo ông Nguyễn Hạc Thúy, tháng 12/2010 Bộ Công thương đã có Quyết định số 6868 phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất phân bón giai đoạn 2011 - 2020 nhưng đến nay đã 5 năm qua vẫn “chưa làm gì, thậm chí còn chưa nêu được số lượng cơ sở sản xuất phân bón của mỗi tỉnh thành là bao nhiêu”.
Không những vậy, ông Thúy cho biết “việc cung ứng thì chồng chéo, phân bón trong Nam đưa ra Bắc, phân bón ngoài Bắc đưa vào Nam với cùng một tên gọi, cùng một chủng loại, cùng một hệ số…, hệ thống đại lý thì quá nhiều bất cập”.
Thực tế, các yếu tố trên đã làm đội giá thành phẩm và nông dân là đối tượng phải gánh chịu. Chưa kể, tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng đang là một tệ nạn chưa có hướng giải quyết triệt để…
Lập lại trật tự thị trường phân bón
Trước bất cập đó, ông Nguyễn Hạc Thúy cho rằng, đã đến lúc cần lập lại trật tự thị trường phân bón. Theo đó, ông Thúy đề xuất: “Trước tiên, chúng ta cần nắm vững nguồn nguyên liệu sản xuất phân bón như Antracid, Apatis, Serpentin và khí… định hướng từ nay đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035. Vì nếu không định hướng thì quặng của Việt Nam bán ra nước ngoài hết, khi có nhu cầu trong nước phát triển lại phải nhập khẩu, lúc này hệ lụy rất lớn cho nền kinh tế”.
Bên cạnh đó, ngành Phân bón cần nắm chắc cơ sở và nguồn sản xuất trong nước như ure, DAP, kali, NPK. “Sản lượng các loại phân hữu cơ đã có như phân ure 2,65 triệu tấn, NPK 4,2 triệu tấn sử dụng chưa hết công suất phải xuất khẩu ure 650.000 tấn, NPK 200 – 300.000 tấn, liệu có cần phát triển nữa không và phát triển bao nhiêu? Nếu thấy đủ hoặc thừa rồi thì việc mở rộng xây dựng mới thêm các nhà máy phân bón nói trên cần hết sức thận trọng, nghiêm túc, tính toán lợi ích tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu, trước mắt cũng như lâu dài vì nước ta là nước nông nghiệp”.
Hơn nữa, Nhà nước cần có chế tài kiên quyết thu hồi giấy phép các cơ sở sản xuất phân bón nhỏ lẻ vài chục ngàn tấn/năm. Ông Thúy cho rằng, những cơ sở này không thể trang bị công nghệ cao, công nghệ hiện đại được mà chỉ làm bằng cuốc xẻng, xe trộn bê tông… thì làm sao sản xuất phân bón chất lượng, chất lượng cao theo cây trồng, theo vùng được. Đây là cái nôi làm phân bón giả, phân bón kém chất lượng gây ô nhiễm môi trường, rối loạn thị trường.
Song song đó, theo định hướng của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp quốc (FAO), thế giới hiện nay đang phát triển nền nông nghiệp hữu cơ, Nhà nước cần phát động một phong trào lâu dài đẩy mạnh sản xuất các loại phân bón hữu cơ, phân bón hỗn hợp chất lượng cao để đáp ứng cho phát triển một nền nông nghiệp hữu cơ bền vững.
Đồng thời, cần có các hội nghị chuyên đề ở tầm vĩ mô bổ sung quy hoạch, quy hoạch cụ thể và tái cơ cấu hệ thống sản xuất kinh doanh phân bón như làm một cuộc cách mạng lập lại trật tự thị trường phân bón Việt Nam lành mạnh và khoa học.
Theo Hiệp hội Công nghiệp phân bón quốc tế (IFA) và FAO, trong vòng 3 - 5 năm tới, thế giới sẽ có khoảng 200 dự án phân bón đầu tư mới và mở rộng đi vào hoạt động của các loại phân ure, DAP, SA, kali và các loại phân hữu cơ công nghệ cao. Trong khi đó, dự báo từ nay đến cuối năm 2015 và năm 2016, giá phân bón thế giới sẽ tiếp tục trong xu hướng giảm từ 2 - 5%. |
Nam Khánh