Ở quận Gò Vấp (TP.HCM),àngtrailượmvechaiđểtặliverpool soi kèo có một thanh niên ngày làm nghề bất động sản, tối đi lượm ve chai, nhưng không bán mà chỉ để... tặng.
Mỗi buổi chiều thứ ba, năm, bảy, Nguyễn Đình Sơn (28 tuổi) dắt xe đạp ra đường, chở theo chiếc thùng xốp, đeo trên vai chiếc rổ nhựa dán chữ “Hãy cho tôi vỏ chai, vỏ lon”.
Sơn đi khắp các tuyến đường khu vực quận Gò Vấp đến gần 9 giờ tối, tấp vào mọi bãi rác dọc đường lựa vỏ lon nước ngọt và vỏ chai nhựa. Cứ được đầy thùng và đầy giỏ, Sơn dừng lại tặng người bán ve chai gặp dọc đường rồi lại tiếp tục lên đường “chúi mặt vào những đống rác”. Mỗi tối, Sơn tặng ve chai cho khoảng 3-4 cô bác đi nhặt ve chai kiếm sống.
Sơn kể, cách đây hơn 1 năm, anh bị lừa gần 5 tỷ đồng. Lúc đó, anh tuyệt vọng, nghĩ quẩn. Nhưng rồi một hôm, anh thấy trước cửa nhà mình có một cô ve chai đang lục tìm trong đống rác. Anh vào lấy chai nhựa trong nhà ra cho cô. Niềm vui của cô ve chai làm Sơn nhớ mãi đến bây giờ.
Anh kể: “Lúc đó xúc động lắm, trong túi còn vài chục ngàn đồng, tôi vét đưa cô hết. Từ đó tôi nảy ra ý định đi lượm ve chai phụ các cô chú. Sẵn nhà có xe đạp, hôm sau tôi bắt đầu ngay!”.
Đi rồi mới biết, 5 chai nhựa mới bán được 700 đồng, 1 lon nước ngọt chỉ có giá 300 đồng. Cuộc sống của anh chị cô bác nhặt ve chai với thu nhập chỉ 50.000-70.000 đồng cho cả ngày miệt mài, mỗi bữa ăn đều phải lo nơm nớp vì lệ thuộc hoàn toàn vào các tổ chức từ thiện, tối ngủ gầm cầu hay vỉa hè.
Anh Sơn và người chị ruột quyết định tặng thêm cho anh chị cô bác bao lì xì trị giá 200.000 đồng/người.
Thế nhưng chỉ lì xì tiền thì nhiều người ngại ngùng, từ chối, vì vậy vẫn cần thêm phần ve chai “tình cảm” của anh Sơn và một “chiêu trò” nhỏ. Sau khi tặng ve chai và hỏi han, anh chìa ra 4 bao lì xì, bên trong đều chứa 200.000 đồng, giới thiệu rằng trong 3 bao là tiền lẻ, duy chỉ 1 bao là 200.000 đồng, mời anh chị cô bác thử vận may.
Cuộc nói chuyện bỗng sôi động và “kịch tính” hơn hẳn. Khi anh chị cô bác lựa xong, nhân lúc hồi hộp mở ra xem kết quả, anh Sơn nhét 3 bao lì xì chứa 200.000 đồng còn lại vào túi trái, rút ra từ túi phải 3 bao chứa tiền lẻ.
“Tôi cho họ xem, này nhé, thật nhé, bao này có 10.000 đồng, bao này 5.000 đồng, bao này 2.000 đồng thôi. Ai cũng tin, ai cũng mừng hết. Tôi thương cái mừng rỡ khi họ thấy mình may mắn, cuộc đời còn sáng sủa với mình. Tôi muốn họ thêm vui một chút sau một ngày quá nhiều vất vả”, anh Sơn bồi hồi nói.
Rủ nhau “để dành” ve chai
Một lần, cuối ngày, anh Sơn đem một bao chai lọ ra tặng cô ve chai trên đường Thống Nhất (quận Gò Vấp). Một chú bán ve chai khác đi ngang và tỏ ý muốn xin nhưng anh lúc này chỉ có một bao và đã vừa tặng cô, thế là cô chia đôi cho chú.
Anh chiêm nghiệm:“Tôi chợt nhận thấy sự chia sẻ làm cuộc đời trở nên nhẹ nhàng hơn. Như cái cách mà gia đình chia sẻ khi tôi hoạn nạn, và cách cô chú ve chai này chia sẻ với nhau dù họ trong hoàn cảnh khá ngặt nghèo. Chứng kiến những cảnh nghèo này, tôi dần ngưng nghĩ quẩn và tiếp tục sống, từ từ làm lại cuộc đời”.
Ít người bỏ công sức ra để đích thân đi nhặt giống anh Sơn, nhưng cái cách anh hào hứng nhặt ve chai thật nhanh, thật nhiều khiến người dân nhìn thấy đều “mát dạ” và muốn giúp anh một phần vào đó. Nhiều người dân gặp gọi anh lại, chạy vào nhà soạn nhanh ve chai dúi cho anh đem đi “kiếm ai tội tội gởi cho họ nhen”.
Quán xá ven đường cũng đã quen “chừa phần” cho anh những chai lọ sau khi buôn bán. Anh Sơn gắn thêm bình điện vào xe để đi xa hơn, có thể tặng đều hơn cho những người bán ve chai ở Hóc Môn, quận 2… mà mình có duyên gặp.
Gặp anh Sơn giữa đường, nhiều người dân nhận ra và động viên. Anh Sơn kể: “Có người chạy qua rồi quay lại giơ ngón cái lên, khen “giỏi lắm em trai”, “được lắm”, “tiếp tục nhé”; có người tặng ly nước, họ thấy mình làm họ vui lây, hạnh phúc lắm…”.
Anh Nguyễn Trí (31 tuổi, ngụ Bình Thạnh) cười kể: “Dân khu quanh đây biết, lưu số điện thoại, có rác nhắn là cậu này tức tốc đến, nhiệt tình, nhanh nhẹn lắm. Lần đầu gặp Sơn giữa đường, tôi bảo: đi theo anh, nhà anh nhiều ve chai. Vậy mà cậu ấy đạp xe 7-8 cây số theo thật, mắt sáng lên, cảm ơn rối rít. Tuổi trẻ làm được như vậy quý lắm”.
Cuối năm ngoái, có bé trai 11 tuổi biết hành trình này, chủ động nói cha mẹ gọi cho anh Sơn xin đi nhặt chung. Hôm sau, bé đạp xe từ quận 12 lên Gò Vấp và đều đặn đi cùng anh Sơn tới nay. Cô giáo và bạn bè biết chuyện đều thích thú hỏi han và bầu bé làm lớp phó lao động, truyền cảm hứng làm việc tốt và bảo vệ môi trường cho mọi người.