Trước đó, tàu cá CM 92114 TS, do bà Trần Hồng Diễm (sinh năm 1988, thường trú tại Khóm 6A, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) làm chủ, do ông Hồ Văn Bé, chồng bà Diễm (sinh năm 1990, cùng địa chỉ trên) làm thuyền trưởng, hành nghề lưới kéo (cào đơn). Đi trên tàu có 5 thuyền viên, xuất bến qua cửa Sông Đốc ngày 12/6/2023, đảm bảo hồ sơ, giấy tờ và lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GSHT) theo quy định.
Thừa ủy quyền của UBND tỉnh Cà Mau, cơ quan nghiệp vụ, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, công bố Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ.
Khi tàu cá CM 92114 TS ra biển cách cửa Sông Đốc khoảng 2 hải lý, ông Bé thuê đò dọc chở khung cào banh lông đưa lên tàu và tháo thiết bị GSHT gửi đò dọc đưa vào bờ cho bà Diễm cất giấu tại nhà. Sau đó, xoá biển số đăng ký tàu cá CM 92114 TS (cạo bỏ lớp sơn ghi số đăng ký tàu cá rồi sơn phủ màu đen) ra biển hoạt động khai thác banh lông tại vùng tiếp giáp giữa Việt Nam với Thái Lan.
Ngày 18/6/2023, bà Trần Hồng Diễm yêu cầu ông Hồ Văn Bé điều khiển tàu cá CM 92114 TS sang vùng biển Thái Lan cào banh lông tại khu vực vùng biển Thái Lan. Sau đó, bị tàu Cảnh sát biển Thái Lan kiểm tra, bắt giữ. Tại thời điểm này, ông Phạm Văn Dũng (sinh năm 1986, thường trú xã Phong Điền, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) đã nhận thay ông Bé làm thuyền trưởng tàu cá CM 92114 TS. Ngày 15/8/2023, thuyền trưởng và các thuyền viên tàu cá CM 92114 TS bị Toá án Thái Lan đưa ra xét xử, phạt tiền (nếu không có tiền nộp thì bị phạt tù). Ngày 15/9/2023, ông Hồ Văn Bé đã về Việt Nam; ngày 8/2/2024, Nguyễn Văn Ốc, Nguyễn Văn Đen (thuyền viên trên tàu bị Thái Lan bắt giữ) đã về Việt Nam.
Qua làm việc với Bộ đội Biên phòng và các cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau, bà Trần Hồng Diễm thừa nhận hành vi vi phạm của mình: đã yêu cầu ông Hồ Văn Bé điều khiển tàu cá CM 92114 TS hoạt động khai thác thuỷ sản vi phạm vùng biển Thái Lan; hoạt động khai thác thủy sản sai nghề ghi trong Giấy phép khai thác thủy sản; xoá biển số tàu cá; tháo và không duy trì hoạt động thiết bị GSHT trên tàu cá CM 92114 TS. Ông Hồ Văn Bé thừa nhận làm thuyền trưởng và đã điều khiển tàu cá CM 92114 TS hoạt động khai thác thuỷ sản vi phạm vùng biển Thái Lan bị bắt giữ. Trước khi bị lực lượng chức năng Thái Lan bắt giữ, Hồ Văn Bé đã thoả thuận với Phạm Văn Dũng, yêu cầu Dũng khai nhận làm thuyền trưởng tàu cá CM 92114 TS để Hồ Văn Bé được giảm nhẹ hình phạt, sớm về Việt Nam chuyển tiền sang chuộc ông Phạm Văn Dũng.
Chủ tàu cá vi phạm ký biên bản triển khai Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBND tỉnh Cà Mau.
Ngày 19/3/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Trần Hồng Diễm với 4 hành vi: khai thác thuỷ sản tại vùng biển quốc gia khác mà không có giấy phép (quy định tại Điểm b, Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ); sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên khai thác thuỷ sản không đúng nghề ghi trong Giấy phép khai thác thuỷ sản (quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 23, Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ); tháo thiết bị GSHT trên tàu cá mà không có sự giám sát của đơn vị cung cấp, lắp đặt thiết bị (quy định tại Khoản 1, Điều 35, Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ); không duy trì hoạt động thiết bị GSHT trong quá trình hoạt động trên biển đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m đến dưới 24 m (quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 35, Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ).
Tổng mức xử phạt hành chính 4 hành vi trên là 971,5 triệu đồng./.
Hoàng Tá