Doanh nghiệp chuyển mình cùng kinh tế đất nước
Top 10 Bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2024 |
Báo cáo của Vietnam Report cho biết, 8 tháng đầu năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đã có sự phục hồi rõ nét với sự cải thiện rõ rệt ở nhiều chỉ số. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bứt phá vượt kỳ vọng với GDP 6 tháng đầu năm đạt 6,42% so với cùng kỳ (chỉ thấp hơn tốc độ tăng 6,58% của 6 tháng đầu năm 2022 trong giai đoạn 5 năm trở lại đây).
Đáng chú ý, sau gần hai năm, khu vực Công nghiệp và xây dựng đã khôi phục vai trò đầu tàu dẫn dắt tăng trưởng của toàn nền kinh tế bên cạnh khu vực Dịch vụ khi ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất trong ba khu vực là 7,51% trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế (mức tăng cùng kỳ năm 2023 là 1,13%).
Trong khi đó, chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam hiện thoát vùng suy giảm và duy trì trên ngưỡng 50 điểm trong 4 tháng liên tiếp với mức 54,7 điểm (mức cao nhất được ghi nhận kể từ tháng 5/2022) duy trì trong tháng 6-7 năm nay, báo hiệu sự củng cố đáng kể các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam.
Song song với đó, hoạt động thương mại 7 tháng đầu năm 2024 sôi động trở lại với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng trưởng hai chữ số, đạt 439,88 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu hàng hóa đạt 226,98 tỷ USD tăng 15,7%, nhập khẩu đạt 212,9 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ của các doanh nghiệp |
Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report tiến hành vào tháng 1 và tháng 7-8 năm nay, đa số doanh nghiệp ghi nhận tình hình kinh doanh nửa đầu năm khởi sắc hơn cùng kỳ năm trước (73,4% số doanh nghiệp gia tăng về doanh thu và 60,3% số doanh nghiệp giữ nhịp tăng trưởng lợi nhuận).
Ở chiều ngược lại, tỷ lệ doanh nghiệp giảm sút về doanh thu và lợi nhuận đã thu hẹp đáng kể so với kết quả khảo sát cùng kỳ năm 2023. Minh chứng rõ nét nhất là các doanh nghiệp lọt top 10 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2023 đều tiếp tục được xướng tên trong bảng xếp hạng top 10 năm nay dù có đôi chút xê dịch vị trí xếp hạng. Đây là điều ít khi thấy trong mấy năm về trước.
Khả quan nhưng không chủ quan
Mặc dù xu hướng lạc quan hơn được ghi nhận song vẫn có sự phân hóa trong dự báo của doanh nghiệp do sự phục hồi chưa đồng đều ở các lĩnh vực. Thực tế, trong tháng 7, vẫn có 6.837 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 26,2% so với tháng trước. Tỷ số lợi nhuận ròng trên tài sản (ROA) bình quân chỉ ghi nhận tăng ở khu vực doanh nghiệp FDI (+0,8% so với năm 2023), còn ROA bình quân của khu vực doanh nghiệp tư nhân và khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm lần lượt 1,1% và 1,5% so với kết quả thống kê cách đây một năm). Còn về khả năng sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE), cả ba khu vực kinh tế đều ghi nhận sự sụt giảm.
Điều này cho thấy rủi ro và thách thức vẫn còn và có thể ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng như: bất ổn địa chính trị; sự thay đổi của các chính sách thương mại tại một số nền kinh tế sau bầu cử; cạnh tranh giữa các cường quốc về thương mại và công nghệ… Bên cạnh đó là sức ép từ tỷ giá và lạm phát; tăng trưởng tiêu dùng chưa có bước đột phá và tình trạng phân mảnh thương mại tiếp tục diễn ra.
Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024 từ góc nhìn cộng đồng doanh nghiệp |
Tuy nhiên, 58,3% số doanh nghiệp được hỏi vẫn kỳ vọng lợi nhuận trong 6 tháng cuối năm sẽ khởi sắc hơn so với nửa đầu năm 2024. Cơ sở củng cố cho niềm tin này là dựa trên những nỗ lực mạnh mẽ của Chính phủ trong việc giải quyết gốc rễ các vấn đề kinh tế trong thời gian qua, tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi và ổn định.
Trong đó, đáng chú ý, ba luật liên quan đến thị trường bất động sản là Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi được Quốc hội cho phép có hiệu lực sớm hơn dự kiến, cùng với Luật các Tổ chức tín dụng được kỳ vọng giúp phục hồi sức cầu nền kinh tế cũng như phục hồi thị trường bất động sản, thúc đẩy hiệu ứng tâm lý tích cực đến thị trường chung.
Bên cạnh đó, tín dụng đã tăng tốc trong cuối quý II và chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng 15% trong năm 2024 sẽ tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp có điều kiện để mở rộng quy mô hoạt động.
Theo các chuyên gia, xu thế chuyển giao sang giai đoạn phục hồi và tăng trưởng của kinh tế Việt Nam đang ngày càng rõ nét. Dù các biến số rủi ro vẫn tồn tại, lộ trình phục hồi của doanh nghiệp được dự báo khả quan hơn nhưng để bứt phá tăng trưởng trở lại hay tụt hậu là hoàn toàn phụ thuộc vào cách mỗi doanh nghiệp phản ứng với các điều kiện thị trường thay đổi trong thời kỳ chuyển giao này.
Các doanh nghiệp không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh và khai thác tối đa tiềm năng từ các nguồn lực nội tại lẫn các liên kết bên ngoài, phát triển hài hòa các chiến lược đảm bảo sự bền bỉ trong hoạt động và ổn định nhịp tăng trưởng lợi nhuận đang là nhiệm vụ quan trọng đối với các doanh nghiệp.
Đây là thời điểm để doanh nghiệp tái thiết, tăng tốc và khẳng định vị thế trên thị trường.