Đa phần những hộ dân ở đây chủ yếu bám biển để sinh sống. Hầu hết những hộ này không có đất sản xuất nên phải chấp nhận sống chung với sạt lở. Chị Phạm Thị Mãi, ấp Kênh Đào Tây, xã Đất Mũi, tâm sự: “Ở dưới mé mình chịu không nổi thì từ từ dời lên thôi, mỗi lần dời khoảng 40 triệu đồng. Khi nào dời nhà hết nổi thì lên rừng, tìm chỗ khác ở. Thấy vậy chứ ở đây mình dễ làm ăn hơn, xuồng, ghe có chỗ neo đậu”.
Anh Phạm Văn Bảo, ấp Đường Đào, thị trấn Rạch Gốc, ái ngại: "Năm rồi mới dời nhà lên, có trồng cây làm bờ kè tạm, thấy cũng ổn nhưng không biết sau này có sạt lở không. Nếu trồng rừng lại thì mất vài năm cây mới giữ được đất".
Huyện Ngọc Hiển hiện có 7 điểm nóng về sạt lở đất, có khoảng 1.000 hộ dân đang sinh sống và chịu ảnh hưởng về sạt lở. Theo dự báo, tình hình sạt lở sẽ diễn biến rất phức tạp. Để nâng cao ý thức phòng, chống sạt lở của người dân, huyện đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân trong khu vục có nguy cơ sạt lở sơ tán đồ đạc, di dời đến nơi an toàn, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản./.
Cuộc sống chơi vơi, mạo hiểm của người dân ấp Kênh Đào Tây, xã Đất Mũi. |
Nhà dân sắp bị nhấn chìm theo từng đợt sóng. |
Các công trình dân sinh bị hư hại, phải di dời nhiều lần đến nơi an toàn. |
Hai mẹ con chị Phạm Thị Mãi, ấp Kênh Đào Tây, xã Đất Mũi nhìn căn nhà trước đây không khỏi xót xa. |
Hàng năm, vào thời điểm đầu mùa mưa thường xuyên xảy ra sạt lở. Bởi thời gian này nước chảy rất mạnh, thuỷ triều dâng cao hạ thấp bất thường, khu vực ven sông có kết cấu đất rỗng, chân đất bị hẳm sâu do xói lở từ trước là những khu vực báo động đỏ về sạt lở đất xảy ra. Vì thế, mỗi năm bà con ở đây phải di dời nhà vào đất liền từ 1-2 lần. (Ảnh chụp tại ấp Kênh Năm, xã Viên An, huyện Ngọc Hiển). |
Nhật Minh