Fed giữ nguyên lãi suất tác động như thế nào đến nền kinh tế Việt Nam và khu vực Đông Nam Á?ĐiểmnhấnkinhtếthếgiớivàViệtNamnửađầunăđội hình barca 2021 Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 có khả năng đạt 6,5% Nhật Bản đang làm gì để lấy lại vị thế cường quốc kinh tế thế giới? |
Điểm nhấn kinh tế thế giới
Bất ổn địa chính trị, xung đột quân sự leo thang tại một số quốc gia, khu vực, tiềm ẩn nhiều rủi ro, đe dọa sự ổn định, phát triển toàn cầu; thiên tai, biến đổi khí hậu tiếp tục tác động nặng nề. Nhiều nền kinh tế lớn, đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của nước ta phục hồi chậm, tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ; tỷ giá đồng USD và giá vàng tăng mạnh; giá dầu thô, hàng hóa cơ bản, dịch vụ vận tải… biến động mạnh.
Đặc biệt, căng thẳng địa chính trị và xung đột vũ trang ở châu Âu và Trung Đông làm tăng chi phí sản xuất, nhất là chi phí vận tải, chi phí giá năng lượng, giá lương thực và nhiều nguyên liệu đầu vào; tăng chi phí và rủi ro về tỷ giá, thanh toán quốc tế và vị thế đồng USD; tăng áp lực lạm phát và tăng sự phân mảnh công nghệ, đứt gãy các chuỗi cung ứng truyền; trong khi giảm tổng cầu, tổng đầu tư các nền kinh tế khu vực và thế giới...
Liên hợp quốc, WB và OECD đều dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 sẽ chỉ khoảng 2,4-2,6% (Ảnh minh họa) |
Trong dự báo đưa ra đầu quý I/2024 và cập nhật vào đầu quý II/2024, cả Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới (WB) và OECD đều dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 sẽ chỉ khoảng 2,4-2,6% và tăng 2,7-2,9% vào năm 2025; lạm phát thế giới giảm còn khoảng 4,8%. Thương mại toàn cầu suy yếu, chi phí vay cao, nợ công tăng cao, đầu tư liên tục thấp và căng thẳng địa chính trị gia tăng…
Xu hướng gia tăng áp lực từ hàng rào bảo hộ, sự phân mảnh địa kinh tế ngày càng sâu sắc, với nhiều hạn chế hơn về thương mại, về hợp tác đa phương trong việc cung cấp hàng hóa công, về dịch chuyển vốn xuyên biên giới, công nghệ, lao động và thanh toán quốc tế, trong khi tăng yêu cầu phát triển kinh tế xanh, bảo vệ môi trường... vừa là cơ hội cho một số nước, vừa là thách thức cho hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ.
Nhiều quốc gia có thêm động lực mới từ cơ hội giảm lạm phát, lãi suất và nới lỏng dần chính sách tài chính-tiền tệ, cùng sự gia tăng trở lại nhu cầu tiêu dùng ở một số thị trường lớn trên thế giới.
IMF lạc quan hơn khi dự báo kinh tế thế giới tăng 3,2% trong năm 2024 và 2025. Các nền kinh tế phát triển tăng 1,6% năm 2023 lên 1,7% năm 2024 và 1,8% năm 2025. Các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển tăng từ 4,3% năm 2023, xuống 4,2% trong cả năm 2024 và 2025. Dự báo tăng trưởng toàn cầu sau 5 năm chỉ ở mức 3,1% - thấp nhất nhiều thập kỷ. Lạm phát toàn cầu giảm đều, từ 6,8% năm 2023 xuống 5,9% năm 2024 và 4,5% năm 2025. Các nền kinh tế phát triển quay trở lại mục tiêu lạm phát sớm hơn so với các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.
Đặc biệt, trong khi khẳng định Mỹ đứng đầu về mức tăng trưởng trong số các nước phát triển và tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng của thế giới, thì IMF trong cập nhật dự báo ngày 29/5/2024 điều chỉnh tăng trưởng GDP của Bắc Kinh trong hai năm 2024 và 2025 thêm 0,4 điểm, đạt 5% vào năm 2024 và giảm xuống 4,5% vào năm 2025, còn 3,3% vào năm 2029 do dân số già đi và năng suất tăng chậm hơn. GDP của Ấn Độ có thể đạt 4,33 nghìn tỷ USD vào năm 2025, sớm hơn 1 năm so với dự báo tháng 10/2023 và cao hơn mức 4,31 nghìn tỷ USD của Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới.
Nếu bị Ấn Độ vượt qua, Nhật Bản sẽ xuống vị trí thứ năm (do năm 2023, Đức đã "soán ngôi" nền kinh tế lớn thứ ba thế giới của Nhật Bản). Nền kinh tế Ấn Độ tăng trưởng 7,3% trong năm tài chính 2023-24 kết thúc vào tháng 3, cao hơn 7,2% của năm trước. Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ dự báo, GDP năm tài chính 2024 sẽ tăng 7% theo giá trị thực. GDP danh nghĩa bình quân đầu người là 2.000 USD/người, bằng khoảng 20% so với Trung Quốc. IMF giữ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Indonesia ở mức 5% và năm 2025 tăng lên 5,1%.
Viện Kinh tế Ifo có trụ sở ở Munchen (Đức) dự báo: GDP của Đức cả năm 2024 sẽ tăng trưởng 0,4%, so với mức - 0,2% vào năm 2023 và tăng trưởng 1,5% vào năm 2025. Lạm phát dự kiến đạt trung bình 2,2% vào năm 2024 và giảm xuống mức 1,7% vào năm 2025.
Đồng Yên Nhật Bản đang giảm mạnh so với đồng USD, xuống mức thấp kỷ lục trong vòng 38 năm qua; Ngày 27/6/2024, giao dịch ở mức 160,52 yen đổi 1 USD; giảm 12% so với "đồng bạc xanh“ tính từ đầu năm 2024, đẩy lạm phát lên cao do chi phí liên quan đến hoạt động nhập khẩu tăng, bất chấp Nhật Bản đã chi 61 tỷ USD trong 2 tháng trướ đó để can thiệp thị trường ngoại hối.
Xu hướng thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên thế giới đang thay đổi theo hướng đầu tư vào công nghệ cao, công nghệ lõi, dựa vào hiệu quả đầu tư thay vì lợi nhuận như trước đây. Sự dịch chuyển này đang mở ra nhiều cơ hội và thách thức cho mỗi nước thu hút vốn FDI.
Trong đó, các thách thức chung nổi bật là: Về khả năng phản ứng chính sách linh hoạt trong cơ chế áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu; về cải thiện môi trường đầu tư, đảm bảo tính ổn định và nhất quán, tăng lòng tin và giảm thiểu chi phí tuân thủ của các nhà đầu tư và doanh nghiệp; về đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là cho các ngành công nghệ mới, chíp, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; về phát triển hạ tầng năng lượng, năng lượng xanh, năng lượng tái tạo; về phát triển hạ tầng kết nối giao thông, logistic (sân bay, cảng biển, đường cao tốc) đồng bộ và có tính kết nối liên vùng; về phát triển chuỗi cung ứng và năng lực doanh nghiệp hỗ trợ trong nước, cũng như liên kết giữa doanh nghiệp địa phương và doanh nghiệp FDI. Đặc biệt, khu công nghiệp xanh sẽ ngày càng quan trọng để thu hút FDI các ngành công nghệ cao ...
Tóm lại, cục diện chính trị - an ninh thế giới trong năm 2024-2025 sẽ tiếp tục được định hình bởi quan hệ cạnh tranh và tập hợp lực lượng giữa các nước lớn; trong đó ba nhân tố lớn là các dư chấn của đại dịch Covid-19, xung đột ở Ukraine và cạnh tranh giữa các nước lớn, nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc. Các nhân tố này liên kết và lồng vào nhau, có khả năng đẩy nền kinh tế thế giới vào khủng hoảng và tạo nên những bất ổn, căng thăng và xung đột địa chính trị gay gắt tại nhiều nơi trên thế giới, mặc dù chiến tranh quy mô lớn ít khả năng xảy ra.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những đột phá mới trong các lĩnh vực IoT, trí tuệ nhân tạo, in 3D, công nghệ 5G, công nghệ thực tế ảo (metaverse), giúp tăng cường khả năng tự động hóa, tạo điều kiện sản xuất trên quy mô lớn, thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển trên toàn cầu. Quá trình toàn cầu hóa sẽ không dừng lại bất chấp những căng thẳng chính trị trên thế giới, sự phân mảnh tài chính - tiền tệ và chuỗi cung ứng, cũng như xu hướng tự cường và chú trọng thị trường trong nước. Các nước lớn sẽ tăng cường lôi kéo các nước khác vào các tập hợp lực lượng riêng của minh, tạo nên áp lực “chọn bên” đối với các nước vừa và nhỏ, mà còn làm phân hóa và suy yếu các thể chế đa phương, trong đó có ASEAN và Liên hợp quốc.
Các tranh chấp biên giới - lãnh thổ tại các khu vực khác, nhất là tại Biển Đông và biển Hoa Đông có thể trở nên phức tạp hơn. Bên cạnh đó, các thách thức an ninh phi truyền thống (khan hiếm nước, an ninh lương thực và an ninh mạng) có xu hướng trầm trọng hơn. Cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ hồi sinh năng lượng hạt nhân và làm tăng vai trò năng lượng tái tạo...
Từ năm 2024, trên thế giới, các doanh nghiệp và chính phủ ngày càng tăng cường hành động theo các xu hướng nổi bật: Gia tăng các khoản đầu tư, quy mô tài chính và tín dụng xanh; tăng cường ứng dụng AI tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên và cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng, bảo tồn đa dạng sinh học, phân tích dữ liệu lớn cho khoa học môi trường, đơn giản hóa các mô hình quản lý dữ liệu về ESG cho các doanh nghiệp; đẩy nhanh việc công bố bắt buộc và được chuẩn hóa các thông tin về môi trường, đặc biệt là liên quan đến Chỉ thị về báo cáo phát triển bền vững của doanh nghiệp (CSRD) tại Liên minh châu Âu và của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch tại Mỹ (SEC); tăng cường đánh giá lượng phát thải phạm làm thay đổi về hoạt động của doanh nghiệp, và là hành động tập thể hướng tới một thế giới bền vững hơn.
Đặc biệt, gần đây, các nước nhập khẩu lớn liên tiếp đưa ra những yêu cầu mới về việc nhập khẩu các sản phẩm có trách nhiệm về xã hội và môi trường ngày càng cao (như EPR – mở rộng trách nhiệm nhà sản xuất, CBAM - Cơ chế định giá carbon). Điển hình từ tháng 3/2024, thị trường EU đã bắt đầu đưa ra các yêu cầu mới, như thiết kế sinh thái với các thiết kế bền vững và truy xuất và minh bạch chuỗi cung ứng. Nếu nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài, doanh nghiệp sẽ phải minh bạch toàn bộ quá trình sản xuất tại khu vực sản xuất. Những chính sách này trực tiếp và gián tiếp đang và sẽ có tác động mạnh mẽ tới các doanh nghiệp trong ngành.
Mới đây, Mỹ đã ban hành chính sách cho phép áp dụng điều tra trợ cấp xuyên quốc gia. Chính sách này nhằm vào những ngành gia công và nhiều nguyên phụ liệu đầu vào. Theo đó, nếu Việt Nam mua nguyên phụ liệu từ nước thứ 3, và nước này trợ cấp sản xuất nguyên phụ liệu này thì khi Việt Nam mua sử dụng sản phẩm này để sản xuất và xuất khẩu sẽ bị đánh thuế. Không chỉ Mỹ, mà cả EU cũng đang nghiên cứu triển khai chính sách này. Do đó, việc có một trung tâm giao dịch nguyên liệu liệu là cần thiết để doanh nghiệp đa dạng nguồn nguyên phụ liệu đầu vào, để tránh bị phụ thuộc vào một thị trường.
Thực tiễn đòi hỏi, một doanh nghiệp muốn thành công không chỉ tạo ra nhiều lợi nhuận, mà còn phải chú trọng tới các yếu tố ESG (bộ 3 tiêu chuẩn E- Môi trường, S- Xã hội, và G- Quản trị doanh nghiệp đo lường yếu tố liên quan đến định hướng hoạt động phát triển bền vững).
Nói cách khác, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu hay xuất khẩu ngày càng phải đối mặt với áp lực thực hành ESG và áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và tiếp cận các nguồn vốn đầu tư xanh, nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường, đối tác và nhà đầu tư, để không bị tụt hậu hay bị loại khỏi “cuộc chơi” tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu...
Điểm nhấn kinh tế Việt Nam
Theo Tổng cục Thống kê, kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 có nhiều khởi sắc về chất lượng tăng trưởng, giảm dần động lực tăng trưởng bề rộng. Cụ thể: GDP tăng 6,42%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,55%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 36,44%; khu vực dịch vụ chiếm 43,35%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,66%.
Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 có nhiều khởi sắc về chất lượng tăng trưởng |
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 8,67%; chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,8% so với cùng kỳ (năm trước giảm 2,2%). Cả nước có gần 119,6 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 5,3%; rút lui khỏi thị trường là 110,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 18,4% so cùng kỳ 2023. Bình quân một tháng có 19,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động và gần 18,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước tăng 8,6% (loại trừ yếu tố giá tăng 5,7% ). Khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 8,8 triệu lượt người, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm trước và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Tính đến thời điểm 24/6/2024, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 1,50% so với cuối năm 2023; tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 4,45%. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành ước đạt 1.451,3 nghìn tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước; Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 190,08 tỷ USD, tăng 14,5% (khu vực kinh tế trong nước đạt 53,39 tỷ USD, tăng 20,6%, chiếm 28,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 166,79 tỷ USD, chiếm 87,7%. Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 178,45 tỷ USD, tăng 17,0% (khu vực kinh tế trong nước đạt 65,74 tỷ USD, tăng 22,3%); nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 167,73 tỷ USD, chiếm 94%.
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 54,3 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 67 tỷ USD. Ước xuất siêu 11,63 tỷ USD (khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 12,35 tỷ USD); khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 23,98 tỷ USD. Nhập siêu dịch vụ sáu tháng đầu năm 2024 là 4,86 tỷ USD. CPI bình quân 6 tháng 4,08% so với cùng kỳ; lạm phát cơ bản tăng 2,75%. Chỉ số giá vàng bình quân sáu tháng đầu năm 2024 tăng 24,02%. Chỉ số giá đô laMỹ bình quân sáu tháng đầu năm 2024 tăng 5,64%.
Tính đến ngày 20/6/2024, tổng FDI đăng ký cấp mới, điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần đạt gần 15,19 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước. FDI thực hiện ước đạt 10,84 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước; cao nhất của sáu tháng đầu năm trong 5 năm qua.
Hiện nay có một số tập đoàn lớn trên thế giới đầu tư sản xuất chip bán dẫn ở Việt Nam, chẳng hạn như Intel, Samsung, Synopsys… Ngoài ra, những tập đoàn lớn hàng đầu thế giới như Google, Apple, Meta và Nvidia (những doanh nghiệp có vốn hóa hàng nghìn tỷ USD) cũng đang tìm hiểu về cơ hội đầu tư trong lĩnh vực này ở Việt Nam. Thị trường bán dẫn ở Việt Nam dự kiến tăng 1,65 tỷ USD đến năm 2025, với tốc độ tăng trưởng khoảng 6,5% mỗi năm (theo công ty nghiên cứu Technavio).
Để thu hút các tập đoàn lớn, Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục có nhiều hành động thiết thực, hiệu quả, như: Thực hiện đồng bộ 5 nhóm giải pháp về thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp: Hoàn thiện thể chế, chính sách hỗ trợ; Các chương trình và dự án quốc gia; cơ sở hạ tầng, kỹ thuật đồng bộ; nguồn nhân lực; Huy động các nguồn lực quốc tế… Xây dựng cơ chế chính sách ưu tiên để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và lập nghiệp; xây dựng các chiến lược, chương trình phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, các ngành mang lại giá trị gia tăng cao như dữ liệu lớn, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI), chip bán dẫn, hydrogen…; áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu như EU từ năm 2024. Tập trung phát triển hạ tầng bao gồm hạ tầng số, hạ tầng điện, nước, giao thông, hạ tầng xã hội như giáo dục, y tế; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; phối hợp uy động các nguồn lực bao gồm: nguồn lực bên trong (con người, thiên nhiên và truyền thống văn hóa, lịch sử) là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định,; nguồn lực bên ngoài (bao gồm nguồn tài chính, công nghệ, quản trị, đào tạo nhân lực… là quan trọng và đột phá); lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư và kích hoạt, huy động mọi nguồn lực xã hội vào thúc đẩy đổi mới sáng tạo, lập nghiệp.
Đặc biệt, Việt Nam có động lực và triển vọng tăng trưởng kinh tế tích cực và đang thu hẹp khoảng cách với các nước khu vực, cải thiện vị thế quốc tế: Theo Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào tháng 4 năm 2024, Việt Nam là đại diện Đông Nam Á duy nhất lọt vào top 10 với dự báo tăng trưởng 6,4% từ năm 2024 đến 2029 và sẽ trải qua một giai đoạn tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, đặt đất nước vào hàng ngũ các nền kinh tế mới nổi có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy phát triển kinh tế trong khu vực và trên thế giới. Theo WB công bố sáng 1/4/2024, Việt Nam được giữ nguyên dự báo mà WB đã công bố đầu năm là sẽ tăng trưởng 5,5% GDP trong năm 2024 và tiếp tục nằm trong nhóm đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng kinh tế. Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn, nằm trong số các quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao với tiềm năng tăng trưởng khoảng 8%.
Báo cáo e-Conomy SEA 2023 dự báo tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam đạt 20%/năm trong giai đoạn 2023-2025.
Theo báo cáo công bố trong quý I/2024 với tựa đề "Promoting Innovative Entrepreneurship in Viet Nam" của WB, Việt Nam được đánh giá là ngôi sao kinh tế toàn cầu, với tốc độ tăng GDP bình quân đầu người hàng năm là 5,3% trong 30 năm qua (năm 1990 – 2021), nhanh hơn bất cứ nền kinh tế nào trong khu vực, ngoại trừ Trung Quốc. Thành tích này có được nhờ Việt Nam có 3 yếu tố là tích lũy vốn nhanh, nguồn cung lao động dồi dào và tăng trưởng năng suất cao. Năng suất lao động của người Việt cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong giai đoạn 2010 - 2020, đạt 64%, cao hơn so với nhiều nước trong khu vực, chủ yếu nhờ sự cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và dòng vốn FDI lớn.
Đặc biệt, từ năm 2021-2022, lần đầu tiên Việt Nam được xếp vào nhóm các kinh tế có mức tự do trung bình và là nước đáng tin cậy về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ: Việt Nam là nền kinh tế tự do đứng thứ 17/40 quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và đứng thứ 90/184 nền kinh tế trên thế giới theo bảng xếp hạng về Chỉ số tự do kinh tế năm 2021 (Index of Economic Freedom 2021, của Heritage Foundation (Mỹ). Đây cũng là năm đầu tiên kinh tế Việt Nam bước vào nhóm các nền kinh tế có "tự do trung bình" (Moderately Free). Năm 2021, Việt Nam được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) – cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc, xếp thứ 44, tức nằm trong khoảng tin cậy (từ khoảng 42 đến 47) của thứ hạng này. Xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam trong Báo cáo môi trường kinh doanh toàn cầu tháng 5/2023 của Economist Intelligence Unit tăng 12 bậc.
Theo JETRO, trong hai năm 2024-2025 hơn 60% công ty Nhật Bản tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng kinh doanh Việt Nam do coi Việt Nam là điểm phát triển kinh doanh hấp dẫn nhất trong ASEAN. Việt Nam tăng 4 bậc trong danh sách quốc gia an toàn nhất thế giới (xếp thứ 41). Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín thế giới tiếp tục duy trì tín nhiệm quốc gia của Việt Nam: Tháng 5/2023, Moody’s giữ xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam ở mức Ba2, triển vọng “Ổn định”.
Tháng 6/2023, S&P duy trì xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam ở mức BB+, triển vọng “Ổn định”.Tháng 12/2023, Fitch Ratings đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, với triển vọng “Ổn định”. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam năm 2023 tăng 2 bậc, xếp thứ 46/132 nền kinh tế, theo Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2023 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO). Năm 2023 chỉ số phát triển con người của Việt Nam tăng 8 bậc, xếp thứ 107/193. Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam tăng 11 bậc, xếp thứ 54/143. Các cơ hội mới đang mở ra cho các lĩnh vực chíp, bán dẫn, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, khoa học công nghệ.
Ngày 26/5/2024, tạp chí du lịch Travel+Leisure của Mỹ đã công bố lựa chọn Việt Nam là một trong 8 quốc gia đáng sống có chi phí phải chăng dành cho những người về hưu.Việt Nam có chi phí sinh hoạt thấp hơn khoảng 59,3% so với ở Mỹ và giá thuê nhà thấp hơn khoảng 78,5% tùy thuộc vào địa điểm.
Đến nay, Việt Nam đã ký kết 16 Hiệp định thương mại tự do (CPTPP, EVFTA, RCEP...) với trên 60 quốc gia, đối tác lớn trên toàn cầu. Đồng thời, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện với 30 nước, trong đó có tất cả các nước Uỷ viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Xếp hạng giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam có mức tăng trưởng nhanh nhất thế giới tính từ năm 2019 đến nay (74%), và năm 2024 tăng 01 bậc, lên xếp thứ 32/100 giá trị thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới, đạt 431 tỷ USD trong bảng xếp hạng của hãng Brand Finance, công ty định giá thương hiệu và tư vấn chiến lược hàng đầu thế giới có trụ sở tại Anh. Viettel trở thành thương hiệu viễn thông mạnh thứ 2 thế giới, trị giá xấp xỉ 9 tỷ USD.
Theo tinh thần Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 21/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian còn lại của năm 2024, trong thời gian tới, cần chú trọng các giải pháp sau:
Thứ nhất, ưu tiên tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; chủ động theo dõi và phản ứng chính sách sát; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; không để thiếu điện, thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu.
Thứ hai, đẩy mạnh xúc tiến, thu hút các dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao, nhất là trong phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn, Hydrogen...
Thứ ba, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, quyết liệt triển khai chuyển đổi số, quy định về hóa đơn điện tử, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thu, chi ngân sách nhà nước và chống thất thu thuế;
Thứ tư, phát triển lành mạnh, an toàn, hiệu quả các thị trường tài chính, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; Khẩn trương nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trong năm 2024;
Thứ năm, phát triển thị trường trong nước, mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là đối với các thị trường lớn, tiềm năng, phát huy hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận thương mại đã ký kết; đẩy mạnh đàm phán, ký kết các FTA mới.
Thứ sáu, chủ động triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp cụ thể phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, Quy hoạch điện VIII. Khẩn trương xây dựng, trình, ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các Luật, nhất là Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở… bảo đảm chất lượng, tiến độ.
Thứ bẩy, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội; phát triển thị trường lao động; chú trọng đào tạo ngành nghề mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.
Thứ tám, thực hiện tốt công tác dự báo, chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu, xử lý hiệu quả các tình huống, không để bị động, bất ngờ;
Thứ chín, làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, nhất là truyền thông chính sách, góp phần tạo đồng thuận xã hội.