Bên trong cứ điểm sản xuất của Nike,êntrongcứđiểmsảnxuấtcủkqbd liverpool hôm nay Adidas
Mỗi năm, Việt Nam sản xuất hơn một tỉ đôi giày đi khắp thế giới cho các thương hiệu hàng đầu như Nike, Adidas, New Balance, Decathlon...
Chị Lê Thị Tuyết Khương (tên nhân vật đã được thay đổi), 28 tuổi, công nhân nhà máy Pou Chen Bình Tân (TP HCM) vội vàng mua ổ bánh mì trước cổng nhà máy, tranh thủ vừa đi bộ vừa ăn bữa sáng. Năm năm qua, một ngày làm việc của nữ công nhân này đều đặn kéo dài 9 giờ, bắt đầu từ 7 giờ sáng và kết thúc 5 giờ chiều, chưa kể thời gian tăng ca, gồm cả thứ bảy và chủ nhật.
Hằng ngày, cô có một tiếng để ăn trưa, nghỉ ngơi và trả lời tin nhắn điện thoại hay tranh thủ lướt Internet theo dõi tin tức. Lê Thị Tuyết Khương nằm trong số 1,5 triệu lao động ngành da giày, lĩnh vực xuất khẩu mang về cho Việt Nam 18,3 tỷ USD trong năm 2019, đứng thứ ba về kim ngạch xuất khẩu, xếp sau điện tử và dệt may.
Theo báo cáo thường niên năm 2019 của Nike, trung bình 100 đôi giày Nike sản xuất trên thế giới, 49 đôi gắn mác “made in Vietnam”. Trả lời phỏng vấn qua email của Forbes Việt Nam, ông Stefan Pursche, giám đốc Quan hệ Báo chí cấp cao của tập đoàn Adidas cho biết, trong 100 đôi giày Adidas bán ra trên toàn cầu, có 43 đôi sản xuất từ Việt Nam.
Theo thống kê của hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO), năm 2019, Việt Nam xuất khẩu hơn một tỉ đôi giày, tính ra cứ tám người tiêu dùng trên thế giới có một người sử dụng sản phẩm xuất xứ từ Việt Nam.
Gần đây, trong khi làn sóng dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc nóng lên thì các thương hiệu giày hàng đầu thế giới đã cắm rễ rất sâu tại Việt Nam, biến nơi đây thành công xưởng gia công giày cho họ từ nhiều năm trước.
Các thương hiệu giày lớn như Nike, Adidas, New Balance... gần như không trực tiếp sở hữu các nhà máy. Hai khâu mà họ trực tiếp nắm giữ là nghiên cứu, phát triển mẫu mã mới và làm thương hiệu. Các công đoạn còn lại, họ đặt các nhà máy gia công giày, chủ yếu đến từ Việt Nam, Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Một trong số tên tuổi lớn là công ty Pou Chen, công ty Đài Loan đang gia công cho 10 thương hiệu giày lớn nhất thế giới xét theo số lượng bán ra. Năm ngoái, Pou Chen sản xuất gần 323 triệu đôi giày cho Nike, Adidas, New Balance… chiếm khoảng 20% giá trị của ngành trên toàn cầu (sản phẩm có thương hiệu) theo thông tin tự bạch.
Ở Việt Nam, Pou Chen đầu tư sản xuất từ năm 1994, hiện là nhà sản xuất giày lớn nhất xét về quy mô sản xuất. Họ sử dụng 150.000 công nhân, gấp khoảng bốn lần quy mô lao động của công ty nội địa lớn nhất trong ngành da giày.
Năm ngoái, 44% lượng giày của Pou Chen dán nhãn “made in Vietnam”, chủ yếu hướng ra thị trường xuất khẩu. Thông báo với cổ đông công ty hồi tháng 5/2020, Pou Chen cho hay, số lượng sản phẩm xuất xứ từ Việt Nam gấp hơn ba lần các nhà máy của công ty này sản xuất tại Trung Quốc.
Xuất hiện tại Việt Nam sau khi Mỹ dỡ bỏ cấm vận kinh tế Việt Nam, từ đó đến nay Pou Chen liên tục mở rộng quy mô. Vài năm qua, do chi phí lao động tại Trung Quốc tăng cao, tập đoàn Đài Loan chuyển dần các đơn hàng, biến Việt Nam thành công xưởng sản xuất giày toàn cầu lớn nhất của họ.
Sau Pou Chen, Tae Kwang là nhà gia công giày lớn thứ hai tại Việt Nam về quy mô lao động và kim ngạch xuất khẩu. Công ty Hàn Quốc này hiện sở hữu bốn nhà máy sản xuất giày tại Việt Nam. Nhà máy mới nhất của Tae Kwang được dịch chuyển về Cần Thơ năm 2018 khi chi phí lao động tại TP HCM và các tỉnh phụ cận bắt đầu tăng.
Báo cáo Phát triển Bền vững của Tae Kwang cho biết giai đoạn 1994 - 2018, số công nhân đã tăng lên gấp 10 lần. Tae Kwang nằm trong top 10 nhà sản xuất giày lớn trên thế giới sử dụng gần 56.000 lao động ở Việt Nam, chiếm khoảng 2/3 số lao động tập đoàn tuyển dụng trên toàn cầu. Ngoài Việt Nam, Tae Kwang đặt các nhà máy sản xuất khác tại Hàn Quốc, Indonesia và Trung Quốc.
Hầu hết các công ty sản xuất trong các ngành thâm dụng lao động tại Việt Nam hiếm khi cởi mở với truyền thông sở tại và Tae Kwang không ngoại lệ. “Quản đốc là người nước ngoài. Còn chủ quản thì em chưa thấy bao giờ,” một công nhân của Tae Kwang Vina tại khu công nghiệp Biên Hòa (Đồng Nai) chia sẻ.
Chi phí lao động cạnh tranh được cho là nguyên nhân lớn nhất thu hút làn sóng dịch chuyển sản xuất của Pou Chen hay Tae Kwang sang Việt Nam. Theo ước tính, chi phí lao động Việt Nam chiếm trên dưới 4% giá bán lẻ đôi giày. Biên lãi gộp của nhà máy khoảng 5%. Do đó, nếu nhà máy có thể giảm chi phí lao động xuống càng thấp, thì lãi gộp càng cao.
Báo cáo của Turner and Townsend, năm 2018, lương trung bình của một lao động ngành sản xuất tại Việt Nam là 237 USD/tháng, trong khi đó tại Malaysia tiền lương cao hơn 3,9 lần, Trung Quốc gấp 3,65 lần, Thái Lan là 1,73 lần. Thông tin từ các nhà cung ứng của Nike và Adidas cho thấy, hai hãng giày hàng đầu thế giới vào năm 2015 đã chuyển dịch khoảng 43% và 41% đơn hàng tới Việt Nam.
Nike thành lập năm 1964, có trụ sở tại Hoa Kỳ, tập đoàn đặt hàng sản xuất gia công bên ngoài đầu tiên với các nhà máy giày ở Nhật Bản. Sau đó, theo thời gian, cùng với sự gia tăng quy mô kinh doanh và đa dạng hóa sản xuất họ dịch chuyển chuỗi sản xuất sang Hàn Quốc, Trung Quốc đại lục và Đài Loan.
Trong quá trình phát triển, Nike đã thâu tóm Converse, tiếp tục chuyển dịch chuỗi sản xuất giày sang các quốc gia khác như Indonesia, Myanmar, Bangladesh và Việt Nam, trong đó, Nike chính thức đặt hàng gia công tại Việt Nam vào giữa thập niên 1990.
Ông Diệp Thành Kiệt, phó chủ tịch hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho hay, các nhà mua lớn trên thế giới thường có khuynh hướng chọn đối tác gia công là các nhà sản xuất giày tại các quốc gia với lao động có chi phí thấp, ưu đãi về thuế và sự dịch chuyển sản xuất là tất yếu nếu cơ hội tại quốc gia đó không còn hấp dẫn.
Trong số các quốc gia đang có khả năng cạnh tranh với Việt Nam, Indonesia với sự hỗ trợ nhiệt tình của chính phủ và chi phí lao động sản xuất chỉ bằng 0,8 lần Việt Nam đang là điểm đến kế tiếp gây chú ý. Cùng với Ấn Độ, tiền lương trong ngành sản xuất của Indonesia khoảng 190 đô la Mỹ/tháng.
Là công nhân bộ phận kiểm hàng, mỗi ngày, Tuyết Khương, nhân viên Pou Chen dùng mắt kiểm tra trực quan chín chi tiết trên đôi giày từ việc hở, lem keo, bung chỉ, vết cắt thừa... “Mỗi ngày tôi làm từ 1.200 đến 1.400 chiếc. Mỗi chiếc 30 giây. Nếu làm chậm, hàng bị ứ. Nhưng nhiều quá, có lúc không thể nào kiểm tra hết được,” cô nói.
Nữ công nhân chia sẻ, nếu chẳng may chiếc giày cô bị phát hiện lọt lỗi, nhẹ bị khiển trách, nặng bị trừ lương. “Hàng càng ngày càng nhiều, áp lực công việc càng ngày càng tăng,” cô nói.
Sau năm năm làm tại Pou Chen, thu nhập của công nhân có thâm niên như cô đạt mức 6,5 triệu đồng vào năm 2019, bao gồm cả tiền làm thêm vào hai ngày cuối tuần. Thu nhập này đã tăng gần gấp đôi so với năm năm trước. “Nhưng không bằng mức tăng của giá cả hàng hóa,” Khương nói.
Sau khi trừ đi hết các chi phí sinh hoạt, ăn ở, Khương kể, cô gần như không tích lũy được đồng nào. “Tôi làm mấy năm không mua được một đôi giày mà mình làm. Một đôi Adidas hết nửa tháng lương.” Ngoài thời gian làm công nhân mỗi tối, Khương phụ việc ở một quán ăn đến 10 giờ đêm, nhận thêm hai triệu đồng gửi về giúp gia đình ở miền Trung.
“Càng ngày, người làm giày càng ít có lời. Chi phí đầu vào ngày càng cao mà chi phí đầu ra phải càng giảm. Trong khi đó, đôi giày ngày càng phải đẹp,” ông Hà Duy Hưng, tổng giám đốc công ty cổ phần Giày Duy Hưng chia sẻ.
Theo thống kê của hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, cả nước hiện có gần 3.000 doanh nghiệp hoạt động trong ngành da giày. Gần 2/3 giá trị rơi vào tay các doanh nghiệp nước ngoài, lợi thế về nguồn vốn, năng lực sản xuất và thị trường.
Doanh nghiệp Việt Nam nhiều nhưng nhỏ, khó cạnh tranh. Tỷ trọng xuất khẩu của khối doanh nghiệp nội gần đây càng có xu hướng giảm, từ mức 24,4% năm 2013 xuống con 19,6% năm 2018, theo báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2019.
Ông Diệp Thành Kiệt nhận định, một trong những rào cản lớn của doanh nghiệp Việt là khả năng tự phát triển sản phẩm để có thể thiết kế và chào mẫu cho khách hàng. Trong các doanh nghiệp nội địa, TBS Group là công ty Việt Nam hiếm hoi có khả năng cạnh tranh với đối thủ đến từ nước ngoài.
Doanh nghiệp này nằm trong top 5 nhà sản xuất giày lớn nhất Việt Nam, sở hữu 33 dây chuyền sản xuất giày và gần 30 ngàn công nhân. Ngoài ra, họ có ba trung tâm phát triển sản phẩm và hai nhà máy sản xuất đế giày, cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng và nguyên phụ liệu để thiết kế mẫu riêng cho khách hàng.
TBS Group đang sản xuất gia công cho Decathlon, hãng giày lớn nhất nước Pháp và Skechers, hãng giày đứng thứ hai tại Mỹ. Ảnh hưởng vì dịch bệnh Covid-19, doanh thu sản xuất giày tháng 5 của Pou Chen giảm 24% so với cùng kỳ năm trước đó. Pou Chen buộc phải mạnh tay cắt giảm hàng ngàn công nhân tại nhà máy Việt Nam.
Sau năm năm đi làm, hiếm hoi, giờ đây Tuyết Khương được nghỉ cuối tuần. Tranh thủ ngày nghỉ, cô đạp xe quanh thành phố tìm việc. “Em muốn tìm công việc khác ít áp lực hơn và có thời gian để hẹn hò,” Khương nói, cô cũng đã đến tuổi lập gia đình nên muốn ổn định hơn trong tương lai.