BP- Đến nay,m gkết quả cup c2 toàn tỉnh có 72 cơ sở chăn nuôi lớn, an toàn dịch bệnh; 9 cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung được cấp giấy chứng nhận VietGAHP. Số gia súc, gia cầm tại các cơ sở này chiếm trên 80% tổng đàn gia súc, gia cầm trong tỉnh. Việc phát triển chăn nuôi theo liên kết chuỗi sản phẩm an toàn đã tạo ra kênh tiêu thụ ổn định, thúc đẩy chăn nuôi an toàn, loại bỏ việc sử dụng chất cấm, gian lận thương mại trong chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ và cung cấp thực phẩm an toàn cho xã hội. Từ đó, tác động tích cực đến doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm sạch, đồng thời thu hút bao tiêu và phát triển thương hiệu cho sản phẩm.
Tại hội nghị về chuỗi liên kết sản phẩm chăn nuôi do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tháng 12-2016, phóng viên Báo Bình Phước đã ghi lại những ý kiến đóng góp tâm huyết của các nhà đầu tư lớn với mong muốn được góp phần đẩy mạnh phát triển chăn nuôi - tiêu thụ trong tỉnh đồng bộ và bền vững.
Đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành trao đổi về định hướng phát triển chăn nuôi của tỉnh với các doanh nghiệp chuyên về chăn nuôi tại trại gà đẻ của Tập đoàn Hùng Nhơn (Ảnh minh họa)
NÊN QUY HOẠCH VÙNG CẤM CHĂN NUÔI
Công ty TNHH Emivest Việt Nam và Công ty TNHH nông nghiệp Làng sen Việt Nam là 2 doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Leong Hup, 100% vốn của Malaysia. Tại Bình Phước, 2 công ty này đã đầu tư phát triển trại gà giống và trại heo giống, đồng thời liên kết với chủ trại chăn nuôi gia công các loại động vật, như gà thịt công nghiệp, gà đẻ công nghiệp, gà đẻ thương phẩm, gà lông màu và heo thịt. Ông Lê Thanh Phương, Giám đốc Emivest Việt Nam và Làng sen Việt Nam cho biết: “Trong định hướng phát triển sắp tới, chúng tôi muốn hoàn thiện chuỗi liên kết từ trang trại đến bàn ăn bằng cách chọn công ty hoặc nhà đầu tư cho việc liên kết giết mổ, chế biến và phân phối sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng. Tại Bình Phước, chúng tôi thực hiện định hướng này bởi khoảng cách với TP. Hồ Chí Minh (thị trường lớn nhất cả nước) tương đối gần cùng hạ tầng giao thông tốt giúp tiết kiệm thời gian, chi phí vận chuyển. Tỉnh lại nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nên không chỉ là thị trường tiềm năng trong tương lai mà còn dễ dàng vận chuyển sản phẩm đến các tỉnh khác trong vùng. Đặc biệt, quỹ đất dành cho xây dựng trang trại của tỉnh vẫn còn nên nhà đầu tư có điều kiện xây dựng trang trại quy mô lớn, hiện đại, thiết bị tự động... làm giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh”.
Ông Lê Thanh Phương cũng thẳng thắn: Tuy doanh nghiệp đã được ngành chức năng hướng dẫn tận tình, giúp đỡ kịp thời và nhiều nhà đầu tư tiềm năng trong tỉnh sẵn sàng liên kết, nhưng để Bình Phước trở thành điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp chăn nuôi lớn và chuyên nghiệp, rất cần sự chung tay tháo gỡ khó khăn của tỉnh. Bởi rất khó để đặt một trang trại chăn nuôi có vốn đầu tư lớn vào vùng quy hoạch chăn nuôi vì nếu các trang trại chăn nuôi bên cạnh quản lý không đảm bảo quy trình kỹ thuật sẽ gây nên thảm họa về dịch bệnh. Vì vậy, thay vì quy hoạch vùng chăn nuôi nên quy hoạch vùng cấm chăn nuôi. Có nghĩa là, bên ngoài các vùng quy hoạch cấm chăn nuôi, nhà đầu tư có thể đầu tư ở bất cứ nơi đâu họ cho là phù hợp. Trong quá trình thi công hệ thống điện, hạ tầng giao thông dẫn vào trại, rất nhiều trường hợp không thể thỏa mãn được yêu cầu bồi thường không hợp lý của các chủ đất xung quanh. Do đó, cơ quan chức năng nên hỗ trợ giải phóng mặt bằng với chi phí hợp lý, ban hành tiêu chuẩn giá khi được giải phóng mặt bằng, có chế tài mạnh đối với các trường hợp đòi hỏi quá đáng. Khi thanh - kiểm tra trang trại, đề nghị thành lập đoàn bao gồm tất cả cơ quan chức năng liên quan, tránh trường hợp nay tiếp đoàn này, mai tiếp đoàn khác. Các cơ quan chức năng của tỉnh cần rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định phù hợp hơn với thực tiễn sản xuất về môi trường và khi đã ban hành phải thực hiện nghiêm, tạo sân chơi công bằng cho tất cả doanh nghiệp. Đồng thời tìm hiểu sâu về hệ thống liên kết chuỗi chăn nuôi nhằm bảo vệ nông dân - đối tượng dễ bị tác động nhất trong các thành phần tham gia chuỗi.
Trại gà đẻ an toàn của Tập đoàn Hùng Nhơn - doanh nghiệp chuyên về chăn nuôi sạch của Bình Phước và đang là đối tác của Công ty TNHH San Hà