Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cứ 10 người trên thế giới thì có 8 người ít nhất một lần đau thắt lưng. Còn ở Mỹ, hàng năm có 15 - 20% người đi khám vì đau thắt lưng. Thoát vị đĩa đệm là bệnh phổ biến ở người cao tuổi và đối tượng phải lao động nặng. Tuy nhiên, ngày nay bệnh này đang có xu hướng trẻ hóa, đặc biệt là nhân viên văn phòng với đặc thù công việc thường phải ngồi lâu một chỗ, ít vận động trong suốt 8 - 10 tiếng khiến gia tăng áp lực lên cột sống cũng như hệ thống đĩa đệm nên có khả năng bị thoát vị đĩa đệm khá cao.
Theo thống kê , 85% nguyên nhân gây đau lưng ở người trẻ đa số có liên quan nhiều đến nghề nghiệp, thói quen sinh hoạt. Nhân viên văn phòng ngồi liên tục sai tư thế từ 7 - 8 giờ mỗi ngày hoặc công nhân ngồi lâu sai tư thế, không có chế độ nghỉ ngơi hợp lý là những nghề nghiệp có tỉ lệ người bị đau lưng cao hơn hẳn những người làm việc khác.
Một số trường hợp đau lưng do nguyên nhân thoát vị đĩa đệm nặng có thể dẫn đến Hội chứng chùm đuôi ngựa do chèn ép thần kinh vùng cột sống lưng, gây mất kiểm soát bàng quang hoặc ruột, tê vùng hậu môn, yếu ở cả hai chân và nguy cơ cao bị liệt nếu không điều trị kịp thời.
Theo TS.BS Huỳnh Hồng Châu, khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện Quốc tế City, các đĩa đệm thay đổi có thể gây ra bệnh đĩa đệm thoái hóa, chẳng hạn như các đĩa đệm trở nên ngày càng khô hơn theo tuổi tác. Tuổi càng cao, các đĩa đệm càng dễ bị mất nước và trở nên mỏng và phẳng hơn. Do đó, chức năng đệm giữa các đốt sống sẽ giảm, không thể hấp thụ các sốc ở cột sống do sinh hoạt gây ra. Điều này có thể gây đau lưng hoặc vùng cột sống cổ.
Ngoài ra, sự căng thẳng của các chuyển động hàng ngày và những chấn thương nhỏ qua thời gian có thể gây ra đau đớn ở vòng bao bên ngoài, nơi gần các dây thần kinh. Nếu vòng bao đĩa đệm bị vỡ, lõi mềm của đĩa có thể xuyên qua các vết nứt. Đĩa có thể phình ra, hoặc trượt ra khỏi vị trí, được gọi thoát vị.
TS.BS Huỳnh Hồng Châu cho biết, hầu hết thoát vị đĩa đệm xảy ra ở cột sống lưng, ít hơn là ở cột sống cổ. Triệu chứng thường gặp là đau tay hoặc chân, tê hoặc đau nhói, yếu những cơ ở vùng bị chèn ép thần kinh nặng sẽ bị yếu. Thỉnh thoảng cũng có người bị thoát vị đĩa đệm mà không có triệu chứng.
Khi người bệnh gặp các triệu chứng như đau kèm tê chân, teo cơ, giảm hoặc mất phản xạ gân xương, tê nhiều, yếu chân nhiều hơn trước, rỉ nước tiểu ngoài ý muốn thì bác sĩ chuyên khoa sẽ cho chụp MRI cột sống lưng để chẩn đoán bệnh. Ngoài ra, nếu người bệnh thấy đau nhiều ở thắt lưng, bác sĩ sẽ chỉ định chụp X-quang để xác định tình trạng bệnh.
Bác sĩ Huỳnh Hồng Châu khuyến cáo: Khi bệnh nhân đau lan dọc chân thì 85% bác sĩ sẽ cho giảm đau với thuốc. Tuy nhiên, khi triệu chứng nặng hơn như đau nhiều, tê yếu chân thì 15% sẽ phải phẫu thuật và kết quả sau phẫu thuật hết đau chân thành công đến 86-97%.
Để phòng ngừa biến chứng của thoái hóa đĩa đệm, bác sĩ Huỳnh Hồng Châu cho biết, với trẻ nhỏ phụ huynh cần giáo dục từ bé để trẻ hiểu về cấu trúc cơ bản của cột sống: tư thế đứng, ngồi, tư thế trong sinh hoạt hàng ngày phải luôn giữ cột sống ở tư thế thẳng. Với người lớn, không nên ngồi lâu, hạn chế khiêng vác nặng tránh bệnh ngày một trầm trọng.
Đặc biệt, bác sĩ Châu khuyến cáo không cúi lưng bưng vật nặng, không ngồi lâu liên tục hơn 1 giờ. Ngoài ra, cần phải uống nhiều nước để cung cấp nước cho đĩa đệm, tối thiểu 2 lít nước mỗi ngày, giảm cân (nếu thừa cân) và thường xuyên tập thể dục.
Theo TTXVN