Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển (CSB) 4 so với các lực lượng thực thi pháp luật khác là lực lượng còn non trẻ nhưng đã nhanh chóng trưởng thành, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Ðảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh CSB giao phó. Ðặc biệt, trong nhiệm vụ thực thi pháp luật, đấu tranh phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại (GLTM) trên biển, Bộ Tư lệnh Vùng CSB 4 trở thành khắc tinh của tội phạm, góp phần vào việc giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn, chủ quyền trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc.
Buôn lậu, GLTM trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc đã và đang tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn, đối tượng, phương tiện và phương thức thực hiện cũng như đa dạng về chủng loại hàng hoá, tác động tiêu cực tới sự phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng.
Lực lượng chức năng của Vùng CSB 4 tiến hành lập biên bản, xử lý vi phạm tàu chở gỗ nước ngoài theo quy định của pháp luật. |
Các đối tượng buôn lậu, GLTM dùng nhiều thủ đoạn khác nhau nhằm trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan, lực lượng thực thi pháp luật như lợi dụng sự thông thoáng về thủ tục hải quan trong lĩnh vực xuất nhập khẩu để thực hiện hành vi buôn lậu, GLTM. Ðặc biệt, nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã tổ chức nhập lậu gỗ, xăng dầu bằng mọi cách hoàn thành thủ tục thông quan sau đó đưa hàng hoá gỗ, xăng dầu quay ngược lại thị trường trong nước sau khi đã làm xong thủ tục xuất cảnh nhằm hưởng lợi.
Qua thực tiễn đấu tranh của Bộ Tư lệnh Vùng CSB 4 cho thấy, tình trạng nhập lậu gỗ quý, buôn lậu xăng dầu, thuốc lá và các mặt hàng tiêu dùng khác diễn ra thường xuyên, tập trung chủ yếu ở khu vực Hà Tiên, Hòn Chông (tỉnh Kiên Giang); khu vực Năm Căn của tỉnh Cà Mau; đối với xăng dầu, khu vực diễn ra giao dịch tập trung ở vùng chồng lấn trên biển giữa Việt Nam - Thái Lan - Malaysia và vùng biển ngoài khơi Vũng Tàu.
Bộ Tư lệnh Vùng CSB 4 gánh trách nhiệm lớn của một cơ quan chức năng làm nhiệm vụ quản lý an ninh chủ quyền biển, đảo và thực thi pháp luật, chống buôn lậu, GLTM trên biển. Vì vậy, cấp uỷ, chỉ huy các cấp luôn chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, lực lượng chuyên trách để đáp ứng yêu cầu công cuộc đấu tranh chống buôn lậu, GLTM. Ðảng uỷ, Bộ Tư lệnh Vùng CSB 4 đã ra nghị quyết lãnh đạo, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đấu tranh chống tội phạm trên biển và địa bàn sát với đặc điểm tình hình khu vực biển Tây Nam.
Quán triệt nhiệm vụ được giao, trên cơ sở phát huy nội lực, đoàn kết hiệp đồng, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình là lực lượng duy trì thực thi pháp luật trên vùng biển được phân công. Với những công việc đã làm, Bộ Tư lệnh Vùng CSB 4 đã đẩy lùi, hạn chế các hoạt động buôn lậu, GLTM trên tuyến biển Tây Nam, nâng cao nhận thức của Nhân dân làm ăn trên biển trong chấp hành pháp luật và trách nhiệm đấu tranh phòng, chống buôn lậu, GLTM giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trên biển và các địa phương ven biển.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, điều kiện thời tiết trên biển thường xuyên mưa, gió, sóng cấp 5, cấp 6, gây khó khăn cho tàu CSB tiếp cận mục tiêu. Ðịa bàn đảm nhiệm phạm vi rộng, việc tuần tra, kiểm soát trên biển, đặc biệt là việc triển khai lực lượng nắm tình hình còn gặp nhiều khó khăn. Kinh phí đảm bảo; phương tiện, trang bị kỹ thuật nghiệp vụ phục vụ cho nhiệm vụ còn hạn chế. Một số quy định của pháp luật về kiểm soát hàng hoá trên biển, còn bất cập, như quy định về thủ tục pháp lý liên quan đến nhập khẩu gỗ hiện nay rất lỏng lẻo…
Ngoài ra, đặc thù công tác chống buôn lậu, GLTM trên biển phải đối mặt với áp lực tâm lý, điều kiện sống vất vả, sóng to, gió lớn, luôn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, rủi ro khó lường, trong khi đối tượng buôn lậu ngày càng manh động, sẵn sàng chống trả lại lực lượng làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, chế độ chính sách và việc trích tiền thưởng trong công tác này không có khác biệt so với các lực lượng khác trên đất liền.
Ðể nâng cao năng lực và hiệu quả thực thi pháp luật, chống buôn lậu, GLTM trên biển trong thời gian tới, Bộ Tư lệnh Vùng CSB 4 xác định quán triệt thực hiện có hiệu quả nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh CSB về công tác thực thi pháp luật, đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm trên biển. Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ công tác ngành theo quy định.
Tăng cường sự hiện diện thường xuyên của CSB Việt Nam trên các vùng biển, đặc biệt là các vùng biển giáp ranh, vùng biển thuộc quyền chủ quyền quốc gia nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của những đối tượng buôn lậu, GLTM từ vòng ngoài để giải quyết tận gốc của vấn đề. Tổ chức xây dựng và triển khai kế hoạch tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ nghiệp vụ, trong đó tập trung vào các hoạt động liên quan đến nghiệp vụ xử lý vi phạm, tội phạm với phương châm “thiết thực, vững chắc, chuyên sâu”./.
Thiếu tá Nguyễn Giang Ðông, Trưởng Phòng Pháp luật Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4