Dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ,ỗlựcthựchiệnnhiệmvụtàichípsg rennes Chính phủ và trực tiếp là Bộ Tài chính, các đơn vị hệ thống trong toàn Ngành đã rất nỗ lực, tích cực trong quản lý, điều hành, thu – chi ngân sách; đẩy mạnh hiện đại hóa, cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp... Với tinh thần đó, các đơn vị hệ thống dọc của ngành Tài chính đã chủ động các giải pháp khắc phục những tồn tại, phát huy mọi nguồn lực, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ ở mức cao nhất. TBTCVN xin giới thiệu ý kiến của lãnh đạo 5 hệ thống lớn của ngành Tài chính thể hiện quyết tâm này.
* Ông Tạ Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước (KBNN):
“KBNN chủ động, linh hoạt các nhiệm vụ được giao trong bối cảnh dịch bệnh”
Ông Tạ Anh Tuấn |
Trong những tháng đầu năm 2020, KBNN đã chủ động chỉ đạo toàn hệ thống tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt mục tiêu kép theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính. Đó là, vừa phòng chống dịch an toàn, vừa hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần duy trì ổn định về tài chính – ngân sách, tạo nền tảng phát triển kinh tế - xã hội, mang lại niềm tin cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Bám sát chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính, KBNN đã kịp thời phổ biến, quán triệt, chỉ đạo và hướng dẫn KBNN các tỉnh, thành phố triển khai đầy đủ, đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, đảm bảo cho các hoạt động giao dịch giữa KBNN với tất cả các đơn vị, cá nhân luôn được an toàn, ổn định và thông suốt. Trong 6 tháng đầu năm 2020, toàn hệ thống KBNN không xảy ra trường hợp gây lây lan dịch bệnh hoặc bị ách tắc trong quá trình giao dịch với khách hàng.
KBNN đã theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thu, chi NSNN và xây dựng phương án tổ chức điều hành ngân quỹ nhà nước chủ động, linh hoạt đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu thanh toán, chi trả của NSNN, nhất là các nhu cầu chi cho công tác phòng chống dịch bệnh, chi hỗ trợ cho các đối tượng chính sách xã hội bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh... Đáng chú ý là, KBNN phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và các chủ đầu tư tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện bình thường mới theo chủ trương của Đảng và Chính phủ. Kết quả đến hết 30/6, tỷ lệ giải ngân vốn thuộc kế hoạch năm 2020 đạt trên 34% (tăng trên 4% so với cùng kỳ năm 2019).
Căn cứ nhu cầu vốn của NSNN và bám sát diễn biến thị trường, thực hiện gắn kết chặt chẽ giữa công tác quản lý ngân quỹ nhà nước và công tác huy động vốn, KBNN đã chủ động tổ chức phát hành trái phiếu chính phủ theo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và kế hoạch trả nợ đến hạn. Từ đó, vừa đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu chi của NSNN, vừa góp phần tiết kiệm chi phí vay cho NSNN. Tính đến 1/7/2020, khối lượng trái phiếu chính phủ được phát hành là 110.377 tỷ đồng, đạt 35,7% nhiệm vụ cả năm, lãi suất huy động bình quân năm 2,99%/năm và kỳ hạn phát hành bình quân là 13,8 năm (năm 2019 tương ứng là 4,51% và 13,44 năm).
KBNN đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao, đặc biệt là triển khai dịch vụ công trực tuyến, bố trí cán bộ làm việc từ xa qua môi trường Internet,... để vừa thực hiện tốt chủ trương giãn cách xã hội và phòng chống dịch bệnh, vừa tạo thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí cho các tổ chức, cá nhân trong quá trình giao dịch với KBNN. Đến nay, tỷ lệ đơn vị sử dụng NSNN tham gia dịch vụ công trực tuyến với KBNN đã tăng từ 30% (tại thời điểm 1/1/2020) lên đến gần 90% (tính đến 30/6/2020). Qua triển khai, dịch vụ công trực tuyến đã được các đơn vị sử dụng NSNN đồng thuận, ủng hộ và được dư luận xã hội đánh giá cao, góp phần hình thành Kho bạc điện tử theo định hướng Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020 và xây dựng Chính phủ điện tử.
Thời gian tới, diễn biến dịch bệnh vẫn còn khá phức tạp, tình hình kinh tế trong nước và thế giới còn nhiều khó khăn, thách thức. Trước bối cảnh đó, toàn hệ thống KBNN tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và Bộ Tài chính, quyết tâm đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa cả về cơ chế chính sách, quy trình nghiệp vụ, hiện đại hóa công nghệ thông tin và kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ được giao, đóng góp tích cực vào việc xây dựng nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.
* Ông Nguyễn Văn Cẩn - Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan:
Tiếp tục cải cách tạo thuận lợi XNK và đảm bảo thu ngân sách
Ông Nguyễn Văn Cẩn |
Trong 6 tháng đầu năm 2020, hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) và quản lý hải quan chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Với tinh thần sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn với mục tiêu vừa đảm bảo triển khai quyết liệt các biện pháp chống dịch, vừa tích cực hỗ trợ khơi thông hoạt động XNK, Tổng cục Hải quan đã tổ chức, triển khai cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quốc hội, Chính phủ thành các nhiệm vụ chuyên môn và đạt được những kết quả tích cực.
Trong 6 tháng đầu năm, ngành Hải quan đảm bảo làm thủ tục hải quan cho tổng kim ngạch XNK hàng hóa ước đạt 238,4 tỷ USD. Song song với đó, Tổng cục Hải quan đã trình Bộ Tài chính, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản quan trọng, như: Nghị định số 46/2020/NĐ-CP quy định thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa quá cảnh thông qua Hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN để thực hiện Nghị định thư 7 về Hệ thống quá cảnh hải quan; Nghị định số 64/2020/NĐ-CP hướng dẫn việc thực hiện cơ chế tạm quản theo Công ước Istanbul; Nghị định số 67/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh cửa hàng miễn thuế, kho, bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan…
Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan chú trọng cải cách thủ tục hành chính (TTHC) giữa cơ quan hải quan với cá nhân, tổ chức, DN bảo đảm đồng bộ ở tất cả các khâu từ xây dựng thể chế, chính sách, pháp luật đến khâu tiếp nhận, giải quyết TTHC; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và phương pháp quản lý hải quan hiện đại trong giải quyết TTHC, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát…
Về triển khai Cơ chế một cửa quốc gia (NSW), cơ chế một cửa ASEAN, Tổng cục Hải quan cùng các bộ, ngành thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2019. Tính đến ngày 15/6/2020, đã có 13 bộ, ngành tham gia kết nối; 198 TTHC được đưa lên NSW với tổng số hồ sơ hành chính đã được xử lý xấp xỉ 3,133 triệu bộ hồ sơ và trên 39.100 DN tham gia.
Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020, Tổng cục Hải quan sẽ tập trung thực hiện một số mục tiêu quan trọng.
Trong đó, ngành Hải quan tập trung xây dựng và hoàn thiện các đề án lớn được Chính phủ và Bộ Tài chính giao, trong đó ưu tiên xây dựng và hoàn thiện đề án kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu theo Nghị quyết 99/NQ-CP; đề án bảo lãnh thông quan đối với hàng hóa XNK, góp phần giảm thời gian thông quan hàng hóa, nâng cao năng lực canh tranh quốc gia, tích cực tạo thuận lợi cho DN trong quá trình thực hiện EVFTA.
Cùng với cải cách hành chính, hiện đại hóa, tạo điều kiện cho thương mại phát triển, ngành Hải quan tiếp tục tăng cường các hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại, đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động XNK, xuất nhập cảnh; phấn đấu thu đạt và vượt chỉ tiêu pháp lệnh được giao…
* Ông Cao Anh Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế:
Tích cực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo nguồn thu bền vững
Ông Cao Anh Tuấn |
Ngành Thuế triển khai nhiệm vụ trong 6 tháng đầu năm 2020 trong bối cảnh dịch Covid-19 lan nhanh, tác động đến hầu hết các lĩnh vực, ngành kinh tế, một số lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng như: xuất nhập khẩu, giao thông vận tải, du lịch…
Trước thực tế đó, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo cơ quan thuế các cấp thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý thu NSNN, chống thất thu gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế. Đến hết tháng 6/2020 thu ngân sách do ngành Thuế thực hiện ước đạt 565.606 tỷ đồng, bằng 45,1% so với dự toán pháp lệnh, bằng 94,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Để hoàn thành nhiệm vụ được giao năm 2020, ngành Thuế sẽ tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý thu, chống thất thu ngân sách; tiếp tục bám sát sự chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Bộ Tài chính và cấp uỷ, UBND các cấp để chủ động triển khai chương trình hành động thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2020. Trong đó tập trung các giải pháp liên quan đến công tác thuế như: tăng cường chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu, quản lý chặt chẽ giá tính thuế, chống chuyển giá nhằm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ Quốc hội giao.
Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục thực hiện rà soát toàn bộ người nộp thuế trên địa bàn bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình sức khỏe doanh nghiệp (DN), hoạt động sản suất, kinh doanh của người nộp thuế thuộc phạm vi ảnh hưởng của dịch bệnh. Tổ chức đánh giá, xác định cụ thể mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 gây ra đến từng ngành, lĩnh vực, từng người nộp thuế, tổng hợp mức độ ảnh hưởng đến thu ngân sách.
Cùng với đó, ngành Thuế tập trung hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho người nộp thuế ổn định sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu bền vững cho NSNN. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ và đôn đốc các DN thực hiện đúng, đủ nghĩa vụ thuế vào NSNN kịp thời, góp phần cho Chính phủ có thêm nguồn lực ngân sách thực hiện các giải pháp ngăn chặn, dập dịch Covid-19, tiếp tục tạo môi trường thuận lợi cho DN nhanh chóng khôi phục sản xuất kinh doanh theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11/2020/CT-TTg, phấn đấu hoàn thành cao nhất dự toán được giao năm 2020.
* Ông Đỗ Việt Đức – Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước:
Xuất cấp đủ số lượng, đảm bảo chất lượng hàng dự trữ quốc gia
Ông Đỗ Việt Đức |
6 tháng đầu năm 2020, nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, với sự chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo Bộ Tài chính, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương, các đơn vị quản lý hàng dự trữ quốc gia (DTQG), sự chỉ đạo quyết liệt của tập thể lãnh đạo Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) và nỗ lực phấn đấu của toàn thể công chức, viên chức trong ngành DTNN đã triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp để hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao.
Từ đầu năm 2020 đến nay, Thủ tướng Chính phủ, thủ trưởng các bộ, ngành quản lý hàng DTQG theo thẩm quyền đã có các quyết định xuất cấp hàng DTQG cho các địa phương để phòng chống thiên tai, dịch bệnh; tổng giá trị hàng đã xuất cấp khoảng 1.013,5 tỷ đồng.
Đến nay, hàng DTQG đã xuất cấp đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng; vận chuyển kịp thời đến các địa phương được cứu trợ, hỗ trợ; giúp nhân dân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và thực hiện nhiệm vụ quan hệ, hợp tác quốc tế.
Trong thời gian vừa qua, giá lương thực biến động tăng mạnh do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khiến người dân và các doanh nghiệp tích trữ lương thực, cùng với đó xuất khẩu lương thực trong nước cũng tăng làm ảnh hưởng không nhỏ đến giá mua lương thực nhập kho DTQG trong toàn ngành. Vì vậy, công tác đấu thầu mua gạo dự trữ ở nhiều đơn vị gặp khó khăn.
Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ giao nhập 190.000 tấn gạo và 80.000 tấn thóc. Sau 2 lần tổ chức đấu thầu, tổng số lượng gạo DTQG đã trúng thầu là 158.880 tấn/190.000 tấn (đạt 83,6% kế hoạch). Tiến độ nhập kho đến ngày 30/6/2020 là 158.570 tấn, đạt 99,8% số trúng thầu. Đối với số gạo còn lại 31.120 tấn không có nhà thầu trúng thầu, Tổng cục đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự kiến mở thầu ngày 6/7/2020, thời gian thực hiện nhập kho gạo chậm nhất đến ngày 15/8/2020.
Về mua thóc DTQG, Tổng cục đã phê duyệt kế hoạch mua 80.000 tấn thóc. Kết quả nhập kho đến ngày 30/6/2020 là 50.000 tấn/80.000 tấn (đạt 62,5% kế hoạch).
Về quản lý chất lượng hàng DTQG, Bộ Tài chính (Tổng cục DTNN) đã phối hợp với các bộ, ngành quản lý hàng DTQG thực hiện quản lý chặt chẽ chất lượng hàng DTQG. Hàng hóa DTQG được bảo quản an toàn đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như: Tổng mức tồn kho DTQG ngày càng giảm; chỉ tiêu kế hoạch được giao hàng năm còn thấp; danh mục hàng DTQG chưa được cụ thể gây khó khăn cho việc xây dựng kế hoạch; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật hàng DTQG của một số mặt hàng do các bộ, ngành quản lý còn chưa có hoặc đã được ban hành từ lâu, hiện còn chậm ban hành hoặc chưa sửa đổi, gây khó khăn cho công tác quản lý và xây dựng dự toán kinh phí bảo quản, nhập, xuất hàng DTQG hàng năm.
Nhiều mặt hàng chưa xây dựng được định mức xuất cấp, một số địa phương tính toán nhu cầu cứu trợ, hỗ trợ không sát với thực tế gây khó khăn cho công tác thẩm định, trình cấp có thẩm quyền xuất cấp hàng DTQG.
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật hàng DTQG của một số mặt hàng do các bộ, ngành quản lý còn chưa có hoặc đã được ban hành từ lâu, hiện không còn phù hợp gây khó khăn cho công tác quản lý và xây dựng dự toán kinh phí bảo quản, nhập, xuất hàng DTQG hàng năm… Đây cũng là những vấn đề mà ngành DTNN phải tiếp tục tìm giải pháp tháo gỡ, giải quyết, đảm bảo hoàn thành tốt các nhiệm vụ của năm 2020.
* Ông Trần Văn Dũng – Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước:
Tăng cường phân tích dự báo, chủ động các giải pháp hỗ trợ thị trường phát triển ổn định
Ông Trần Văn Dũng |
Trước tác động của dịch Covid-19, trong nửa đầu năm, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã tích cực, chủ động, kịp thời triển khai các giải pháp, chính sách hỗ trợ thị trường chứng khoán (TTCK), trấn an tâm lý nhà đầu tư, đặc biệt trong giai đoạn thị trường giảm sâu do chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19. UBCKNN đã chủ động thông tin tuyên truyền, khẩn trương đề xuất với Bộ Tài chính triển khai kịp thời các giải pháp để hỗ trợ thị trường, trong đó nổi bật là việc giảm giá dịch vụ chứng khoán, giảm phí, lệ phí chứng khoán, cũng như đơn giản hóa TTHC. Nhờ đó, TTCK vẫn đảm bảo giao dịch thông suốt, ổn định. Các chỉ số chứng khoán giảm điểm mạnh trong bối cảnh chung, nhưng sau đó đã phục hồi rất mạnh mẽ. Trong điều kiện làm việc luân phiên trong thời gian thực hiện chủ trương giãn cách xã hội của Chính phủ, UBCKNN về cơ bản vẫn hoàn thành tốt các nhiệm vụ theo Chương trình hành động năm 2020 của UBCKNN được ban hành từ đầu năm, trong đó tập trung xây dựng 4 nghị định, 12 thông tư quy định chi tiết Luật Chứng khoán 2019.
Trong 6 tháng cuối năm 2020, nền kinh tế thế giới dự báo tiếp tục có thể đối mặt với một số rủi ro khiến giới đầu tư và người tiêu dùng quan ngại. Thị trường tài chính Việt Nam 2020 cũng chịu tác động từ những rủi ro bên ngoài. Mặc dù dịch bệnh được kiểm soát tốt tại Việt Nam, nhưng vẫn còn khó lường và còn rất phức tạp trên thế giới, sẽ còn tác động lớn tới nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng. Chính vì vậy, việc tăng cường công tác phân tích dự báo để chủ động các giải pháp hỗ trợ TTCK Việt Nam phát triển ổn định, thông suốt vẫn là một trong những ưu tiên hàng đầu trong những tháng cuối năm.
Cùng với đó, với những diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế, chính trị - xã hội trên thế giới, để thực hiện tốt chương trình công tác của UBCKNN, trong những tháng cuối năm 2020, UBCKNN sẽ tập trung triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm, tập trung hoàn thiện khung pháp lý và chính sách phát triển TTCK, trọng tâm là soạn thảo, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy định hướng dẫn Luật Chứng khoán. UBCKNN sẽ tiếp tục thực hiện các kế hoạch đã đề ra từ đầu năm trên tất cả các lĩnh vực như: tái cấu trúc, giám sát chặt chẽ các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ; tăng cường công tác thanh tra, giám sát; tăng cường và chủ động tuyên truyền; hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin...
Nhóm PV (thực hiện)