【câu lạc bộ pháp】Chủ động phòng ngừa thiên tai
(CMO) Những năm gần đây thiên tai ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất và sự an toàn tính mạng của người dân. Mặc dù ngành chức năng đã có nhiều biện pháp phòng, chống, nhưng thiệt hại do thiên tai gây ra ngày càng có xu hướng tăng. Ðặc biệt là thời điểm những tháng cuối năm triều cường, mưa bão, lốc xoáy liên tiếp xảy ra.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Ðầm Dơi đã xảy ra 21 vụ sạt lở, 3 vụ lốc xoáy, tổng thiệt hại gần 2 tỷ đồng. Trong đó, ảnh hưởng lớn trên tuyến lộ về trung tâm xã Tân Tiến, địa phương đã sử dụng đến phương án dịch chuyển 1 đoạn lộ vào trong và thực hiện đắp đập có quy mô lớn, thiết kế đóng hàng chục cọc trụ kè bê-tông với chiều dài gần 30 m. Triều cường đã làm ngập tràn hơn 20 km bờ bao, lộ thiệt hại ảnh hưởng hơn 1.000 ha nuôi thuỷ sản và hoa màu của người dân.
Tại xã Nguyễn Huân, từ đầu năm đến nay đã xảy ra 4 vụ sạt lở ven sông và 7 vụ sạt lở lộ tổng thiệt hại hơn 600 triệu đồng. Là tiểu thương tại chợ Vàm Ðầm (xã Nguyễn Huân), mỗi năm cứ vào mùa sạt lở là gia đình ông Bùi Bá Thanh đều bị ảnh hưởng. Ông Thanh bộc bạch: “Vào mùa nước ròng sát như thế này thường xảy ra sạt lở, con lộ bê-tông tại chợ Vàm Ðầm vào lúc triều cường thì ngập hết, những hộ kinh doanh hàng ngày phải đợi nước hạ xuống mới kinh doanh mua bán lại. Nhà ở của gia đình tôi, 2-3 năm phải nâng một lần, mỗi lần như vậy tốn chi phí khoảng 20 triệu đồng. Nước lên thì cứ nâng lên, nếu không sẽ bị ngập, đồ đạc trong nhà sẽ ướt hết”.
Ðoạn lộ bị sụp tại ấp Vàm Ðầm, xã Nguyễn Huân. |
Ông Phan Hoàng Nhơn, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Huân, cho biết: “Nguyễn Huân là xã ven biển, nhiều sông sâu, ven tuyến biển nguy cơ sạt lở cao. Hàng năm triều cường dâng, lốc xoáy... ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt, việc kinh doanh của bà con. Cho nên, ngay từ đầu năm xã đã chỉ đạo tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và quần chúng Nhân dân để có ý thức phòng, chống thiên tai”.
Trước diễn biến ngày càng phức tạp và bất thường của thiên tai như hiện nay, huyện Ðầm Dơi tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức và huy động sức dân thực hiện các biện pháp phòng, chống thiên tai; thực hiện phương châm “4 tại chỗ, 3 sẵn sàng” và chú trọng công tác phòng, ngừa nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân khi có thiên tai xảy ra.
Ông Nguyễn Phương Bình, Phó chủ tịch UBND huyện Ðầm Dơi, thông tin: “Huyện tiếp tục quy hoạch các cụm dân cư, kết cấu hạ tầng ở các xã Tân Thuận, Nguyễn Huân theo hướng ổn định hơn, để từng bước di dời, bố trí nơi ở, sinh hoạt, kinh doanh cho bà con đảm bảo về lâu dài. Thường xuyên rà soát các hộ cần di dời nơi đậu neo tàu, ghe trú tránh bão, các phương tiện sẵn có, để bố trí lực lượng, không bị động khi thiên tai xảy ra”.
Thiên tai xảy ra luôn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân. Tuy nhiên, nếu chủ động ứng phó thì thiệt hại do thiên tai gây ra sẽ giảm đáng kể. Do đó, cùng sự vào cuộc của ngành chức năng thì người dân cần nâng cao ý thức chủ động phòng tránh thiên tai./.
Trần Danh