Cụ thể, trong lĩnh vực chính trị, nhiều chuyến thăm cấp cao đang được lãnh đạo Pháp lên kế hoạch trong năm 2016. Trong đó, Bộ trưởng Quốc phòng Jean-Yves Le Drian dự định sang thăm Việt Nam sau khi kết thúc tham dự Đối thoại Shangri-La tại Singapore vào các ngày 5 và 6-6 tới. Tổng thống Pháp François Hollande cũng dự kiến sang thăm Việt Nam vào nửa cuối năm 2016.
Trong lĩnh vực kinh tế, hiện có 300 doanh nghiệp Pháp đang đầu tư tại Việt Nam. Với con số này, Pháp là nhà đầu tư châu Âu lớn thứ 2 tại Việt Nam. Một số tập đoàn lớn của Pháp mong muốn đầu tư nhiều hơn nữa vào Việt Nam. Các doanh nghiệp Pháp với những thế mạnh của mình đáp ứng nhu cầu của Việt Nam trên các phương diện: đô thị bền vững, giao thông và dịch vụ. Tuyến metro số 3 Hà Nội là dự án giao thông đô thị lớn nhất mà Pháp tài trợ tại nước ngoài hiện nay (500 triệu Euro). Công ty taxi Mai Linh và tập đoàn Renault cũng đang xây dựng một dự án tham vọng với mạng lưới taxi điện cho các thành phố lớn.
Về trợ giúp phát triển, Pháp là nhà tài trợ vốn quan trọng tại Việt Nam. Cơ quan Phát triển Pháp hỗ trợ nhiều dự án để cho phép Việt Nam chống lại biến đổi khí hậu.
Hợp tác giáo dục, văn hóa và khoa học giữa hai nước cũng có những bước phát triển mạnh mẽ. Hiện Pháp là đất nước châu Âu đón tiếp nhiều sinh viên Việt Nam nhất với 7.000 sinh viên Việt Nam hiện đang học tập tại Pháp.
Tại Việt Nam, hiện có 347 trường học tại 40 tỉnh thành có giảng dạy tiếng Pháp. 3.000 bác sĩ đã được đào tạo ở Pháp trong vòng 20 năm nay. Pháp và Việt Nam cũng đang thực hiện các dự án lớn về hợp tác giáo dục, như Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội.
Nhân chuyến thăm tại Việt Nam của ông Claude Bartolone, Đại sứ quán Pháp và Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã kí bản ghi nhớ hợp tác về việc tiếp nhận các tình nguyện viên người Pháp tại các cơ sở giáo dục của Việt Nam. Thỏa thuận này nhằm mục đích phát triển sự hiện diện của các tình nguyện viên Pháp tại các cơ sở giáo dục phổ thông của Việt Nam, để hỗ trợ việc học tập và giảng dạy tiếng Pháp tại Việt Nam.