Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Hùng Hậu (Ảnh: DN cung cấp) |
Tính tới hết tháng 6/2021, tổng giá trị XK cá tra đạt 780,9 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả tăng trưởng dương 17% so với nửa đầu năm 2020 thể hiện sự cố gắng nỗ lực của các doanh nghiệp XK cá tra trong bối cảnh nền kinh tế thế giới chưa phục hồi, tiêu thụ tại nước ngoài chưa nhiều biến chuyển.
Kết quả tích cực này đem lại niềm lạc quan cho các doanh nghiệp XK cá tra Việt Nam. Tuy nhiên, mới đây dịch Covid-19 bùng phát tại TPHCM và lan rộng đến các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khiến cho việc vận chuyển hàng hóa, sản xuất bị ảnh hưởng.
Nhiều nhà máy phải đóng cửa hoặc giảm công suất để phòng chống dịch, chính vì vậy, XK cá tra trong tháng 7/2021 đã giảm khoảng 5% , chỉ đạt 117 triệu USD. Kết quả này kéo chỉ số tăng trưởng trong nửa đầu năm đi xuống. Tính đến hết tháng 7/2021, XK cá tra đạt 898 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ.
Hiện nay, cả người nuôi lẫn doanh nghiệp XK cá tra đều đang “ngồi trên đống lửa” vì lo phòng chống dịch Covid-19, giá nguyên liệu cá tra dự kiến sẽ có biến động lớn ảnh hưởng đến XK.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, toàn vùng ĐBSCL có khoảng 120 cơ sở sản xuất giống cá tra, với gần 3.000 ha ương dưỡng cá tra giống.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Đồng Tháp, tính tới cuối tháng 6/2021, diện tích nuôi cá tra của tỉnh này là 1.517,27 ha, diện tích thu hoạch là 434,91 ha, sản lượng thu hoạch 181.198 tấn.
Tại An Giang, tính tới cuối tháng 6/2021, diện tích thả nuôi cá tra đạt 1.226ha, sản lượng xuất khẩu trên 113.000 tấn/năm...
Cá tra là mặt hàng thủy sản nuôi chủ lực của Thành phố Cần Thơ, tính tới tháng 7/2021, diện tích nuôi cá tra là 563 ha, diện tích thu hoạch là 263 ha, sản lượng nuôi cá tra là 81.037 tấn, tăng 23% so với cùng kỳ.
Với vùng nuôi có lượng nguyên liệu dồi dào phục vụ cho XK. Tuy nhiên, trong nửa đầu năm 2021, giá nguyên liệu vật tư đã tăng 3-4 đợt, các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho hoạt động của nhà máy chế biến cũng tăng từ 5-25%; giá thức ăn thủy sản cũng tăng từ 15-20%, chưa kể cước vận tải biển tăng từ 5-7 lần... cũng là những yếu tố cấu thành thúc đẩy giá trị cá tra XK tăng thêm.
Với giá (FOB) XK trung bình cá tra phile đông lạnh ổn định mức 2,2 USD/kg thì cả người nuôi và doanh nghiệp đều gặp khó khăn.
Theo bà Tạ Hà, chuyên gia thị trường cá tra của VASEP, giá cá tra XK trung bình sang thị trường EU trong những tháng đầu năm 2021 vẫn dao động xung quanh mức 2,35 USD/kg (tương đương so với cùng kỳ năm trước). Tuy nhiên, các khách hàng nhập khẩu yêu cầu mua hàng chất lượng cao hơn nhưng giá thấp hơn nên nhiều doanh nghiệp XK cá tra của Việt Nam khó có thể tiếp tục duy trì doanh thu, thị phần ở thị trường này.
Một số doanh nghiệp XK cá tra sang thị trường EU phản ánh, trong nửa đầu năm nay, nhiều nhà nhập khẩu cho biết họ phải đối mặt với khó khăn về tài chính do nhu cầu tiêu thụ cá thịt trắng, trong đó có cá tra tại nhiều thị trường của khu vực chưa tăng, trong khi chi phí logistic, chi phí vận chuyển... tăng đáng kể. Nhiều khách hàng EU đã chủ động đề nghị được giảm mua, hủy hoặc hoãn các đơn hàng đã ký hoặc sắp sửa ký.
Để giữ được mức giá XK sang EU ổn định (không tăng cao) so với cùng kỳ năm ngoái là một cố gắng không nhỏ của các họ. Vì từ đầu năm 2021 đến nay, chi phí đầu vào cho sản xuất, nuôi trồng, chế biến đã tăng mạnh. Một số doanh nghiệp không trụ được đã rút khỏi thị trường này. Tính đến cuối tháng 5/2021 có khoảng 25 doanh nghiệp XK cá tra Việt Nam “thoái” lui khỏi thị trường EU.
Theo VASEP, hiện nay, khi dịch Covid-19 bùng phát nhanh ở TPHCM và lan xuống ĐBSCL, việc nuôi cá, vận chuyển nguyên liệu tới nhà máy, các nhà máy chế biến cũng gặp rất nhiều khó khăn. Điều này có thể ảnh hưởng theo chuỗi tới tất cả các mắt xích cá tra và giá nguyên liệu trong thời gian tới, ảnh hưởng đến kim ngạch XK cá tra là điều khó tránh khỏi.