Đó là nhận định của chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành trong CEO Forum 2020 với chủ đề “Chuỗi cung ứng toàn cầu mới - Vận hội thực hay sự huyễn hoặc”.
"Đây chính là thời điểm để tư duy lại, thiết kế lại, xây dựng lại doanh nghiệp"
Chỉ còn hơn một tháng nữa sẽ kết thúc năm 2020, một năm mang dấu ấn rất đặc biệt với doanh nghiệp Việt Nam, khi khủng hoảng dịch Covid-19 kéo dài gây đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong bối cảnh đó, sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng toàn cầu mới được cho là một vận hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam, tuy nhiên đối chiếu với thực tại đang diễn ra, đó là vận hội thực sự hay chỉ là sự huyễn hoặc?
Đặt ra nhiều góc nhìn thực tiễn, CEO Forum 2020 đã mang lại không khí tranh biện nảy lửa và hào hứng từ đầu đến cuối giữa các doanh nhân, chuyên gia kinh tế và người làm tư vấn.
Dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, ông Võ Trí Thành- Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tỏ ra khá lạc quan: “Cơ hội thì lúc nào cũng có, là cách để mình thử sức vươn tới chân trời mới. Còn vận hội là thời khắc, là chất đột phá, quyết liệt cao hơn rất nhiều so với cơ hội. Covid-19không chỉ kiểm tra sức khoẻ doanh nghiệp, mà thử sức doanh nghiệp trước vận hội mới, liệu chúng ta có dám tư duy lại tương lai không?
Quá trình hình thành, vận động chuỗi cung ứng đi liền chi phí chuyển dịch nguồn lực, con người, các dòng chảy đầu tư… tạo nên chuỗi cung ứng khác nhau. Với chuyển đổi số, sự dịch chuyển này nhờ được kết nối, đã trở thành làn sóng dịch chuyển mạnh mẽ hơn.
Cuộc chiến thương mạiMỹ - Trung lại bổ sung thêm vấn đề địa chính trị và vấn đề đối tác. Trước đây, sự dịch chuyển này cơ bản dựa trên lợi thế so sánh. Bây giờ có yếu tố địa chính trị chi phối đến những mặt hàng chiến lược và công nghệ lõi, vấn đề sức mạnh lâu dài của quốc gia… không chỉ phụ thuộc vào thị trường.
Chính vì vậy, dòng chảy đầu tư, lựa chọn khách hàng, cách sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh mới sẽ thay đổi. Kể cả tính thời điểm, cách chơi, sự đồng hành của đối tác, chính phủ.
Đó là vận hội của Việt Nam, vì Việt Nam có đầy đủ mọi biến số, là vùng kết nối năng động, chơi với các đối tác hay nhất, nhà đầu tư giỏi nhất, phần lớn là các đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam. Tất cả tạo ra một sức bật lớn cho doanh nghiệp Việt Nam.
Đây chính là thời điểm để tư duy lại, thiết kế lại, xây dựng lại doanh nghiệp. Lịch sử doanh nghiệp Việt Nam muốn trường tồn bền vững phải bám theo xu thế, va đập chủ nghĩa bảo hộ, biệt lập, dân chủ cực đoan, lối sống tiêu dùng xanh an toàn hơn, dòng chuyển tài chính, VUCA biến động, bất định, mơ hồ, phức tạp… Đó là xu thế, cộng với sự dịch chuyển này, nếu chậm 3 - 5 năm, chắc chắn chúng ta sẽ bỏ lỡ vận hội này”.
Yếu tố vận hội là không theo quy luật, bất ngờ, như Covid-19. Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang căng thẳng, cả châu Âu vẫn đang tiếp tục chống dịch Covid-19, liệu chúng ta có thể sắp lại bàn cờ cho cuộc chơi mới không? Quan sát cách các nhà đầu tư FDI đi cùng doanh nghiệp Việt Nam, đã có tín hiệu gì để bộc lộ vận hội này?
Ông Võ Trí Thành cho biết: “Thực ra dòng chảy từ Trung Quốc, Hàn Quốc đã có trước Covid-19, khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại mới, cuộc chiến Mỹ - Trung càng tạo sức ép cho doanh nghiệp nội địa. Trong lĩnh vực thương mại, 70% doanh nghiệp là xuất khẩu, miếng bánh ấy ngày càng to ra, dù tỷ lệ FDI là cao. Phải nhìn nhận cả 2 vế, doanh nghiệp trong nước vừa cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài, vừa chia miếng bánh ấy với họ.
Dựa trên tỷ lệ xuất khẩu được hưởng ưu đãi từ các hiệp định thương mại đã ký, có tin tích cực, trong 3 tháng qua có trên 20 ngàn đơn xuất khẩu được hưởng ưu đãi thuế quan, giá trị trên 1 tỷ USD, chủ yếu với hàng nông sản. Đây là con số từ FTA. Doanh nghiệp Việt ít nói về điều đó, nhưng họ được hưởng lớn lắm đó, còn CPTPP cũng khá khả quan.
Ngoài chuỗi doanh nghiệp Mỹ, châu Âu, chuỗi doanh nghiệp FDI thuộc các nước Đông Nam Á đã có, vấn đề phải biết chọn, chơi với đối tác nào? Chúng ta có điểm yếu, nhưng điểm mạnh của ta là cảng, dịch vụ hỗ trợ… Kết nối cho Samsung phần lớn là doanh nghiệp Việt Nam, từ bếp núc, vận chuyển, kho bãi, vệ sĩ… đều do doanh nghiệp Việt cung cấp.
Chúng ta đôi khi cũng nhầm, đóng góp Samsung cho Việt Nam không nhỏ. Chúng ta thu hút không chỉ đại bàng mà cả doanh nghiệp vừa và nhỏ như của Nhật Bản, Thái Lan là cao hơn nhiều… Cơ hội theo tôi là gấp 3 lần so với mối nguy cơ.
Về nghệ thuật đàm phán, khi gia nhập FTA, chúng ta chưa hiểu ngôn ngữ thương mại quốc tế, bây giờ Việt Nam đã có một đội đàm phán thiện chiến hơn nhiều, chúng ta đã đàm phán TPP là cuộc chơi lớn nhất, chơi với người giỏi, chuyên nghiệp, một ngày cũng trở thành người giỏi, khả năng kết nối, đẳng cấp được nâng lên.
Cơ hội gắn với nguyên tắc xuất xứ, nhưng FTA còn 2 hàm nghĩa nữa, rất nhiều sân chơi thì nguyên tắc xuất xứ là khác nhau, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chọn nước có năng lực phù hợp, ví dụ như xuất khẩu sợi sang Hàn Quốc chẳng hạn. Cần hiểu rõ nguyên tắc xuất xứ để tăng giá trị nội địa, hưởng thuế suất 0%, ăn được giá trị gia tăng cao hơn.
Chúng ta chỉ có thể phát triển trong sự liên kết với đối tác nước ngoài, cả liên kết xuôi và liên kết ngược, từ đó đặt bài toán ngược lại cho CEO, hình thành chiến lược 2021 trên quy mô doanh nghiệp đang có để tạo sự bứt phá”.
Dưới góc nhìn của một nhà đầu tư tài chính, một nhà tư vấn, kinh doanh nhiều kinh nghiệm, ông Don Lam, CEO Vina Capital lại có cái nhìn cẩn trọng hơn: “Tôi cũng thấy có cơ hội lớn hơn. Doanh nghiệp Việt Nam muốn đột phá, nhưng hãy tập trung vào việc mình đang làm, và làm cho thật chuyên nghiệp trước đã.
Hiện rất nhiều doanh nghiệp đang sản xuất rất thành công lại chuyển sang làm địa ốc, doanh nghiệp nào cũng muốn làm địa ốc. Đó là cách đi sai lầm. Hãy nâng cấp thế mạnh mà mình đang có đi, lúc ấy mới có thể tận dụng được vận hội lớn này.
Tôi muốn chúc mừng các bạn CEO ngồi đây, từ quý I đến quý IV năm 2020 đều bị ảnh hưởng bởi Covid-19, mưa bão liên miên, suy giảm kinh tế toàn cầu trầm trọng mà vẫn tồn tại được là may mắn lắm rồi.
Năm 2020 chúng tôi rất khó khăn về nguồn vốn, với các doanh nghiệp, đó cũng là vấn đề nhức đầu nhất. Cơ hội năm 2021 ai cũng nói một số doanh nghiệp nước ngoài sẽ vào Việt Nam, nhưng trong số 20% nhà sản xuất từ Trung Quốc chuyển ra ngoài, không phải ai cũng nghĩ đến Việt Nam. Có 3 chỗ họ có thể dịch chuyển, đó là Mexico, Indonesia, Ấn Độ. Việt Nam có thể rất khó khăn.
Nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam phải suy nghĩ rất nhiều, giá đất khu công nghiệp đang tăng rất nhanh, ngoài ra còn vấn đề nhân công nữa. Chính phủ phải nghĩ cách thu hút đầu tư năm 2021. Với doanh nghiệp là chủ khu công nghiệp, phải đón họ thế nào? Kể cả các chuỗi cung ứng? Bão lụt cuối năm cũng đang đặt doanh nghiệp trước nhiều khó khăn…”
Kết nối để tạo ra sức mạnh, biến cá hoá rồng
Chia sẻ về bí quyết để các doanh nghiệp tư nhân có thể biến từ cá thành rồng, ông Võ Trí Thành gói gọn trong 1 từ “kết nối”.
“Các anh chị có thể làm đa ngành. Nếu liên kết dọc thì tốt, vì tối ưu hoá chi phí, kết nối được với nhau để tối ưu hoá lợi ích. Nếu liên kết ngang, vừa làm nông nghiệp vừa làm ô tô sẽ khiến chi phí năng lực quản trị rất lớn, khi vướng mắc 1 khâu thì nguồn lực, tâm trí sẽ bị chia ra hơn là liên kết dọc. Đó là sự đánh đổi giữa chi phí, lợi ích.
Cơ hội đến với nhiều người, nhưng vận hội thì bao gồm năng lực, nguồn lực, tuỳ thuộc sự lựa chọn phát triển bền vững không. Sóng cả mà thuyền chưa to thì nguy hiểm.
Khi nói về chuỗi và mạng, câu hỏi đặt ra ai là người dẫn đầu chuỗi? Các thương hiệu toàn cầu đều đi đầu trong công nghệ, chuỗi phân phối, chuỗi sản xuất. Doanh nghiệp nào nắm được 3 điều đó sẽ làm chủ chuỗi.
Cơ khí có 2 cách tham gia chuỗi và mạng để có vị thế mạnh hơn, đó là sản xuất chi tiết rất nhỏ nhưng chỉ một mình doanh nghiệp đó làm được, đây là cách doanh nghiệp nhỏ có thể chơi với các doanh nghiệp FDI dẫn đầu, như vậy cách giảm thiểu rủi ro và cách mặc cả sẽ khác”.
Doanh nghiệp đang từng bước thay đổi để tồn tại, phát triển trở lại ngay sau đại dịch, vậy vai trò của nhà nước ở đâu trong thời điểm lịch sử này? Làm thế nào người chèo và người cầm lái, triển khai và thực thi chính sách hoà hợp làm một, để tạo sự bứt phá, khiến luồng lạch bị ách tắc được khai thông?
Đề cập đến chính sách vĩ mô, ông Võ Trí Thành lặng lại: “Theo khảo sát lớn nhất 150 ngàn doanh nghiệp trong 850 ngàn doanh nghiệp Việt Nam vào tháng 9/2020, chỉ có 17,8% doanh nghiệp nhận được gói ưu đãi của chính phủ, dù chính sách ra rất kịp thời từ tháng 3 - 4, trong tháng 6 - 7 là giải ngân xong với 3 gói hỗ trợ lớn nhất.
Đó là con số khá buồn, hỗ trợ chưa thực sự hiệu quả, chưa mang ý nghĩa lớn lao.
Chính phủ đang bàn gói hỗ trợ thứ hai “diện” vẫn rất lớn, kéo dài hơn, hy vọng sau đại hội Đảng, chính phủ quyết và làm ngay.
Tuy nhiên khảo sát này cũng đưa ra những tín hiệu tích cực. Số doanh nghiệp chết và tạm dừng hoạt động khá cao, nhưng đa số vẫn vượt khó, không chỉ cầm cự, mà bắt kịp với xu thế mới, thay đổi phương thức kinh doanh, quản trị rủi ro, tiếp cận thị trường mới, đào tạo nhân sự…
Có 47% doanh nghiệp trả lời đã liên kết với nhau để vượt khó, chia sẻ đơn đặt hàng, cho trả chậm, 37% thực hiện chuyển đổi số… đó là những con số rất tích cực.
Một điều hay nữa là chính phủ bây giờ vẫn còn tiền, con số kỷ lục, gần 100 tỷ USD, có nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp, ổn định kinh tế vĩ mô…”
Ông Don Lamnhấn mạnh khó khăn về dòng tiền mặt của doanh nghiệp sẽ kéo dài đến năm 2021: “Doanh nghiệp VinaCapitalquản lý, dòng tiền mặt rất khó khăn. Năm 2021 doanh nghiệp phải bảo đảm nguồn tiền mặt của mình, vì rất khó để lấy tiền hỗ trợ từ chính phủ.
Lo lắng nhất của tôi là khi Covid tiếp tục lan rộng thì tiêu dùng thế giới sẽ không mua hàng của mình nữa. Thứ nhì lo cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nóng lên, Việt Nam sát điểm nóng. Thứ 3 nhà đầu tư luôn quan tâm đến địa chính trị của Việt Nam. Chuẩn bị cho khủng hoảng sắp tới, doanh nghiệp phải quản trị dòng tiền tốt nhất.
Theo bản tin tài chính cách đây 2 tuần, có khả năng cuối năm 2021 ngành dệt may mới được hưởng lợi từ FDI. Dệt, may, nhuộm phải đi liền với nhau, nhưng 4 năm nay chính phủ không cho phát triển nhuộm. Rõ ràng chính sách không cho ngành dệt may được hưởng lợi ngay lập tức.
Vậy doanh nghiệp Việt có giá trị gì để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu? Phải tự vấn chính mình cốt lõi tạo giá trị là gì? Khi nói về sản phẩm, bao nhiêu phần trăm cấu hình cho hệ số phòng ngừa rủi ro và tái đầu tư nghiên cứu? Khi không làm được hai điều đó thì làm sao có thế mạnh tham gia chuỗi? Tôi biết nhiều doanh nghiệp miền Trung mà chúng tôi đầu tư rất khó khăn. Chúng tôi muốn tập trung đầu tư cho doanh nghiệp mạnh về sản phẩm.
Về đầu tư, trong năm 2020 nhiều nhà đầu tư nhìn về Đông Nam Á, vì GDP tăng trên 2%, còn các nước khác là âm và 1. Nhưng rất tiếc doảnh hưởng Covid-19, nhiều nhà đầu tư không đến Việt Nam được, đó là khó khăn, tôi tin năm 2021 nhiều nhà đầu tư sẽ vào Việt Nam…”
Một vị doanh nhân đến từ miền Trung đặt câu hỏi với ông Võ Trí Thành: “Tôi đang lo các tỉnh miền Trung sẽ đối mặt huyễn hoặc nhiều hơn là vận hội. Tháng 10 đến giờ miền Trung đã đối mặt bão Covid-19, bão lũ hoành hành dữ dội, hàng trăm doanh nghiệp tan vỡ, tôi sợ năm 2021 Việt Nam sẽ đối diện bão suy thoái kinh tế Domino, giải pháp nào hạn chế tối đa huyễn hoặc? Nông nghiệp đang lên ngôi nhưng bão lũ ập đến, bao giờ doanh nghiệp mới có được gói cứu trợ từ Chính phủ?
Ông Thành chia sẻ: “Chúng ta đều nhìn thấy thách thức, khó khăn, tôi đã trải nghiệm hơn 40 năm cải cách, đổi mới, tôi hiểu điều ấy.
Năm nay khó khăn rất nhiều, nhưng có 2 ý rất quan trọng, nếu nói năm nay là khó khăn, kể cả năm sau cũng rất khó, nhưng khó thế nào thì khó, chưa thể khó bằng Việt Nam những năm 80. Hàng năm nhập 1 triệu tấn gạo để tồn tại, cả đất nước không một xu tiết kiệm mà chúng ta vẫn vượt qua được vũ môn để thực hiện bằng được công cuộc đổi mới.
Tất cả giai đoạn Việt Nam vượt vũ môn đều là thời gian khủng hoảng, chiến tranh. Giờ cũng là khủng hoảng. Tôi tin chắc các anh chị ngồi đây đa số đều vượt qua được.
Vẫn biết ưu thế đất nước những năm 80 đã thuộc về quá khứ, còn ưu thế của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đang là gánh nặng. So sánh Việt Nam cái gì cũng khập khiễng, nhưng điểm tôi nhấn mạnh là văn hoá Việt, sức sống của người Việt. Nếu chúng ta không có được điều ấy thì không nên làm kinh doanh.
Phải có khát vọng ấy, có thể không nhanh, không giỏi bằng thế giới, nhưng nếu không có chất Việt ấy thì không có hôm nay. Ba bốn thế hệ doanh nghiệp Việt đã đóng góp rất lớn cho kinh tế Việt Nam nhờ chất Việt ấy.
Gói hỗ trợ lần thứ nhất cũng chỉ cơ bản để tồn tại, nhưng doanh nghiệp Việt vẫn gắng sức cầm cự, vượt khó, chuyển đổi, để khi khủng hoảng qua đi có cơ hội bứt phá. Các hiệp định thương mại tư do cho các bạn cơ hội lớn hơn để nhập cuộc chơi lớn hơn”.
Nếu kể tên 5 năng lực cơ bản bảo đảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, rất ít doanh nghiệp Việt Nam trả lời chính xác, ai cũng chỉ nói đến tiền. Làm thế nào để tham gia cuộc chơi này nếu không hiểu rõ điều đó? Thương hiệu Việt tại EU còn chưa rõ nét, nhiều doanh nghiệp chưa hiểu rõ cam kết sở hữu trí tuệ với rào cản, để hiểu luật chơi một cách minh bạch với các thị trường mà chúng ta hướng đến.
Ông Thành cho biết: “Doanh nghiệp muốn hiểu, nắm được sự vận hành của chuỗi giá trị, nên nhìn vào 3 ngành gồm ô tô, da giày, điện tử. Có 5 yếu tố để doanh nghiệp Việt có thể bật sáng được gồm thể chế xã hội, sự khác biệt về khoa học công nghê, thương hiệu đẳng cấp, có khả năng tái đầu tư, khả năng doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận được với chính sách nhà nước. Phải trả lời được 5 câu hỏi này mới có thể trả lời được câu hỏi vận hội.
Sức mua và cách tiêu dùng của khối ASEAN, nói rộng hơn là Ấn Độ, khu vực tầng lớp trung lưu phát triển mạnh nhất thế giới, sức mua rất lớn. Chưa kể du lịch, tiêu khiển, giải trí, phân phối bán lẻ… Liệu doanh nghiệp Việt có khả năng sáng tạo để đáp ứng cách tiêu dùng mới xanh hơn, nhân văn hơn, an toàn hơn?
Trên 100 tập đoàn lớn thế giới có tiền khá lớn, tên tuổi tốt đang nhìn ngó Việt Nam, họ đang hiện diện, đang trao đổi với Việt Nam. Muốn biết giá trị mình mang lại là gì, hãy chơi với người giỏi hơn, họ sẽ cho mình hiểu lợi thế giá trị của mình là gì để chơi với họ. Lợi thế ấy nằm ở thiết kế, phân phối, dịch vụ hỗ trợ, giải pháp kèm theo…
Sẽ là sự chuyển hoá nếu chúng ta chỉ nhìn thấy ánh sáng mà không nhìn thấy bóng tối, bẫy chúng ta đang đối mặt chính là bẫy thu nhập trung bình. Còn với sản xuất kinh doanh, cái bẫy lớn nhất là sự đố kỵ và tự hài lòng với chính mình. Ngoài ra còn bẫy chi phí đắt, bẫy tự do hoá thương mại… Để phát huy lợi thế so sánh của đất nước, không thể phát triển bởi lao động giá rẻ, phải nâng cấp chuỗi giá trị. Muốn thế phải kết nối với người giỏi hơn mình.
Quản trị khủng hoảng tốt nhất là thay đổi. Mang tính chiến lược, dài hơi, không chỉ ở tầm đất nước, doanh nghiệp, mà cả gia đình, con cái, như cách thức nhìn về tương lai.
Tôi rất ấn tượng với câu nói của Clinton, “Cái giá phải trả làm theo cách cũ sẽ lớn hơn rất nhiều làm theo cách mới”.