【xem bóng đá trực tuyến keonhacai】Phải công khai, minh bạch tiền của dân
Luật Trách nhiệm tài khóa - công cụ nhằm tăng cường kỷ luật tài khóa theo hướng tin cậy và minh bạch được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Luật này được thực hiện đầu tiên ở một số nước công nghiệp trong những năm 1990. Các nước áp dụng Luật Trách nhiệm tài khóa và minh bạch tài khóa trong bối cảnh kỷ luật tài khóa cần thiết được tăng cường và củng cố theo hướng tin cậy hơn, có thể dự báo được và minh bạch hơn.
Công khai sự đã rồi
Bài học nhãn tiền của việc che giấu các thông tin tài khóa dẫn tới khủng hoảng đã xảy ra trên thế giới. Khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp là một ví dụ chứng minh. Trong nhiều năm Hy Lạp đã công bố các thông tin sai thực tế về tình hình tài khóa của Chính phủ để đáp ứng được yêu cầu khi gia nhập EU năm 2001 là thâm hụt ngân sách không được quá 3% GDP, dư nợ công không vượt quá 60% GDP. Ví dụ năm 2000, Hy Lạp báo cáo chi 828 triệu Euro cho quân sự, nhưng trên thực tế số tiền chi cho quốc phòng là 3,17 tỷ Euro, cao hơn gấp 4 lần.
Ở Việt Nam trong thập kỷ vừa qua, nhiều nỗ lực để nâng cao tính minh bạch ngân sách đã được thực hiện, bởi quản lý ngân sách nhằm hướng tới mục tiêu sử dụng hiệu quả nguồn lực tài khóa vốn rất hạn hẹp của đất nước. Những hình thức được thực hiện chủ yếu là công khai các chính sách liên quan đến định mức phân bổ, định mức chi tiêu, giao nhiệm vụ thu chi ngân sách và công khai, phổ biến các số liệu, tài liệu liên quan đến việc lập ngân sách hàng năm và quyết toán hàng năm của các cấp ngân sách và đơn vị thụ hưởng ngân sách. Để đảm bảo tính hợp pháp của việc công khai rộng rãi tài chính ngân sách Nhà nước (NSNN), Luật NSNN và nhiều văn bản pháp luật đã quy định rõ, góp phần vào nâng cao khả năng tiếp cận của cộng đồng và người dân đối với việc phân bổ và sử dụng nguồn lực ngân sách.
Tuy nhiên, nói về những bất cập hiện nay khi thực hiện công khai minh bạch ngân sách và các nguồn lực tài chính công, Phó Vụ trưởng Vụ NSNN (Bộ Tài chính) Tô Nguyên cho rằng, quy định của quy chế công khai hiện hành chưa tạo điều kiện cho người dân giám sát hoạt động quản lý ngân sách. Bởi quy định hiện hành chỉ thực hiện công khai dự toán và quyết toán ngân sách sau khi đã được cấp có thẩm quyền quyết định, phê chuẩn, tức là công khai việc đã rồi. Cũng vì lý do đó mà chỉ số công khai ngân sách ở Việt Nam luôn thấp hơn nhiều so với các nước phát triển cũng như một số nước trong khu vực. Theo điều tra của Dự án đối tác ngân sách quốc tế, chỉ số công khai ngân sách của Việt Nam năm 2010 xếp thứ 77/94 quốc gia được điều tra (thuộc nhóm thấp nhất). Chỉ số này của Việt Nam cũng thấp đáng kể so với các nước trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Thái Lan.
Tại Hội thảo mới đây do Viện Chiến lược và Chính sách tài chính tổ chức về chủ đề minh bạch chính sách tài khóa, nhiều chuyên gia kinh tế đã nêu lên nhiều bất cập trong hệ thống chính sách của Việt Nam hiện nay làm cản trở đến quá trình này. Đơn cử, Việt Nam hiện nay là một trong số ít quốc gia trên thế giới có hệ thống ngân sách lồng ghép. Phương thức này một mặt gây nên phức tạp trong quản lý ngân sách, một mặt thiếu sự phân định trách nhiệm rõ ràng, dẫn đến sự trùng lặp về thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cấp, yêu cầu về trách nhiệm giải trình ở nhiều trường hợp rất khó thực hiện.
Theo ông Tô Nguyên, việc cân đối thu chi ngân sách chưa bao gồm đầy đủ các khoản thu chi của Nhà nước làm giảm hiệu quả sử dụng, giảm tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc phân bổ, quản lý và sử dụng các nguồn lực tài chính này. Ngoài ra, cách thức phân bổ ngân sách chưa tạo điều kiện và chưa hỗ trợ có kết quả cho việc nâng cao minh bạch và thúc đẩy trách nhiệm giải trình. Mặc dù cơ chế phân bổ ngân sách hiện nay được quy định công khai, có tiêu chí rõ ràng, nhưng cách thức phân bổ không gắn với yêu cầu về kết quả cần đạt được mà vẫn theo tiêu chí đầu vào là chủ yếu. Hiện cũng chưa có chế tài đủ mạnh và cơ chế ràng buộc các cơ quan, đơn vị trong quản lý, sử dụng và điều hành ngân sách trong thực hiện công khai ngân sách và trách nhiệm giải trình.
Không rõ ràng sẽ khó truy trách nhiệm
Theo ông Trương Bá Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, minh bạch chính sách tài khóa sẽ nâng cao trách nhiệm giải trình như hai mặt của một vấn đề. Sự phân định rõ ràng về trách nhiệm và cơ chế ràng buộc trách nhiệm của các chủ thể sẽ đảm bảo trách nhiệm giải trình. “Nếu trách nhiệm giữa các chủ thể và các cấp ngân sách trong hệ thống ngân sách không rõ ràng thì rất khó để truy trách nhiệm, ngay cả khi các yêu cầu về công khai ngân sách được tuân thủ và khi đó mục tiêu nâng cao trách nhiệm giải trình sẽ khó đạt được”, ông Tuấn cho hay.
TS. Đặng Văn Thanh ví von, quản lý tài chính, tổ chức luân chuyển các dòng vốn và quỹ, như điều hành dòng máu nuôi cơ thể, nếu thiếu thì èo uột mà thừa cũng nguy hiểm. Để vận hành hiệu quả, cần công khai để dân giám sát việc quản lý, sử dụng ngân sách đúng mục đích. Theo ông Thanh, công khai, minh bạch tài chính Nhà nước có nghĩa là công khai trên cả 3 lĩnh vực: NSNN; các quỹ tập trung, quỹ chuyên dùng; tín dụng Nhà nước (vay và cho vay).
Cụ thể hơn, Phó Vụ trưởng Vụ NSNN Tô Nguyên cho rằng, phạm vi ngân sách cần được phản ánh đúng và đầy đủ các loại phí, lệ phí, các khoản đầu tư từ trái phiếu Chính phủ cũng như chi NSNN cần loại trừ các khoản chi trả nợ gốc trong tổng chi NSNN. Bên cạnh đó, cần có quy định tổng hợp tình hình tài chính các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, tình hình tài chính DNNN, các khoản vay và trả nợ nước ngoài để có bức tranh chung về tài chính của Chính phủ, nhằm xây dựng một chính sách tài khóa ổn định và bền vững.
TS. Vũ Nhữ Thăng, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính lại quan tâm đến việc cải cách cơ chế quản lý tài chính với sự tham gia của nhân dân trong việc đảm bảo tính công khai, minh bạch tài khóa. Để nâng cao hiệu quả công khai, minh bạch ngân sách, tăng cường sự tham gia của người dân, cần phải cải thiện tính minh bạch, công khai trong quy trình ngân sách, mở rộng hình thức và nội dung công khai. Theo ông Thăng: “Minh bạch thể hiện quyền của người dân và cũng là điều kiện cần có để bộ máy nhà nước tiếp thu trí tuệ của người dân trong thực hiện nhiệm vụ. Sai phạm trong việc sử dụng ngân sách có thể bắt nguồn và được che đậy bởi tình trạng thiếu công khai và minh bạch”.
Một trong những giải pháp cơ bản, quan trọng được người đứng đầu Viện Chiến lược và Chính sách tài chính khuyến nghị đó là cần nghiên cứu sửa đổi Luật NSNN, hình thành các khuôn khổ pháp lý có tính ràng buộc để cho các cơ quan, đơn vị có cơ sở để cung cấp các thông tin cần thiết cho cộng đồng cho người dân về các kết quả sử dụng nguồn lực được giao, hình thành các cơ chế phù hợp tạo điều kiện và cơ hội để người dân tham gia vào quy trình ngân sách.
Minh Anh