Đến thăm gia đình anh Trần Văn Kha, ấp Nhà Máy A, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời vào một ngày mưa, 2 con của anh đang chơi ở nhà hàng xóm, còn anh thì nằm co ro trên giường. Thấy chúng tôi đến, anh ngồi dậy chào hỏi rồi than đau nhức không làm gì được.
Anh Kha bẩm sinh bị gù 1 bên lưng, chân bị vẹo, lớn lên trong gia cảnh nghèo khó. Rồi duyên nợ đưa anh gặp vợ, có với nhau 2 con. Tuy bệnh tật, nhưng khi nào sức khoẻ tạm ổn là anh cùng vợ đi làm thuê để kiếm tiền trang trải cuộc sống và lo cho 2 con tới trường.
Cách đây 4 năm, vợ anh ra đi lập gia đình mới, bỏ lại anh và 2 con. Mất đi chỗ dựa tinh thần, mất đi người đồng cam cộng khổ, anh rơi vào bế tắc. Số tiền trợ cấp nạn nhân da cam hằng tháng, cộng với tiền anh làm thuê bữa có bữa không chẳng đủ để lo thuốc thang cho bản thân và 2 con đang tuổi ăn, tuổi học.
Trước đây, cha con anh sống trong căn nhà tạm bợ trên nền đất của mẹ ruột. Năm 2015, anh được các nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng căn nhà, từ đó có được nơi ở đàng hoàng hơn.
Tuy vậy, gần đây anh bị đau nhức thường xuyên nên cha con anh chỉ sống dựa vào số tiền trợ cấp nạn nhân da cam hằng tháng. Mong ước của anh hiện giờ là làm sao có tiền để con đường học tập của các con không dở dang.
Gia đình anh Nguyễn Văn Đẻn, ấp Phong Lưu, xã Tân Hưng, huyện Cái Nước được trao tặng căn nhà mới. |
Được Công ty Cổ phần Chế biến và Dịch vụ thuỷ sản Cà Mau hỗ trợ 50 triệu đồng, cùng với người thân đóng góp, anh Nguyễn Văn Đẻn, nạn nhân da cam ngụ ấp Phong Lưu, xã Tân Hưng, huyện Cái Nước xây được căn nhà kiên cố (trị giá 75 triệu đồng).
Anh Đẻn bị tật ở chân, đi lại khó khăn, gia đình chỉ có hơn công đất nuôi tôm. Chị Phạm Hồng Cẩm, vợ anh Đẻn, hằng ngày nấu rượu, nuôi heo kiếm thêm tiền trang trải. Chị Cẩm bộc bạch: Nếu không được sự quan tâm của hội cũng như Công ty Cổ phần Chế biến và Dịch vụ thuỷ sản Cà Mau và người thân đóng góp thì gia đình chị khó có cơ hội sống trong căn nhà khang trang như hiện nay.
Cũng bị tật 2 chân từ nhỏ, chị Trần Hồng Nhiên, ấp Nhà Máy A, xã Khánh Hưng theo chồng lên Bình Dương làm thuê kiếm sống. Chị Nhiên cho biết: Theo chồng lên Bình Dương nhưng chị chỉ ở nhà lo cơm nước, chồng và 2 con đi làm. Được vài năm, khi đã tích cóp được một ít vốn, vợ chồng trở về xây căn nhà để ổn định cuộc sống tại quê nhà. Giờ đây, ngày ngày chị lo cơm nước và may vá kiếm thêm thu nhập, còn chồng chị chạy xe ôm, làm mướn. Do nhà ở đối diện với trường học nên chị mong ước có một số tiền mua xe nước mía để trước nhà bán kiếm thêm thu nhập.
Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Trần Văn Thời Võ Thanh Danh cho biết: Toàn huyện có 1.203 nạn nhân da cam, 1.078 người được hưởng chế độ chính sách. Nhờ sự quan tâm của Đảng cũng như các nhà hảo tâm hỗ trợ mà cuộc sống của nạn nhân da cam trên địa bàn huyện dần ổn định. Mặc dù vậy, hiện còn nhiều nạn nhân thuộc thế hệ thứ 3, 4 không được hưởng trợ cấp nên cuộc sống còn nhiều khó khăn, rất cần sự quan tâm hỗ trợ./.
Theo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, 6 tháng đầu năm 2017, các cấp hội trong tỉnh đã vận động tiền và hiện vật tổng trị giá gần 3,5 tỷ đồng. Trong đó, đã xây dựng 15 căn nhà cho nạn nhân da cam, số tiền 769 triệu đồng; hỗ trợ vốn sản xuất cho 156 hộ nạn nhân, số tiền 670 triệu đồng; tổ chức khám, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 432 người, số tiền hơn 201 triệu đồng; tặng 3.141 suất quà Tết, số tiền 1,27 tỷ đồng… |
Hồng Phượng