UBND tỉnh Cà Mau vừa có công văn gửi khẩn cấp đến Bộ Y tế trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp trên địa bàn.
Theo đó, công văn nêu rõ, hiện tại Cà Mau, dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, mỗi ngày phát hiện gần 1.000 ca F0 và có chiều hướng tăng cao mỗi ngày; Đến ngày 14/12/2021, toàn tỉnh đã có 18.273 ca F0, có 76 ca tử vong; Số trường hợp F0 đang điều trị là 9.165 ca; số trường hợp bệnh nặng cũng tăng cao gây quá tải cho co sở điều trị tầng 2 và tầng 3 và chăm sóc, điều trị tại nhà.
Để kịp thời khống chế được dịch bệnh, giảm số ca chuyển nặng và tử vong, UBND tỉnh Cà Mau đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ khẩn cấp cho công tác phòng trị dịch Covid-19:
Bổ sung khẩn cấp thuốc kháng vi-rút: Molnupiravir 50.000 liệu trình (ca) điều trị; Favipiravir 20.000 liệu trình (ca) điều trị.
Cho phép khẳng định trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 bằng test nhanh kháng nguyên: Về vấn đề này, do hiện nay, nhiều trường hợp xét nghiệm test nhanh kháng nguyên dương tính, chỉ định xét nghiệm lại bằng phương pháp RT-PCR hầu hết đều dương tính. Để tạo điều kiện thuận lợi và nhanh chóng phân tầng, cách ly điều trị F0 kịp thời và giảm tốn kém sinh phẩm, hoá chất cho việc sử dụng xét nghiệm PCR, Cà Mau kiến nghị Bộ Y tế cho phép tỉnh xét nghiệm khẳng định trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, cụ thể các trường hợp sau:
Trường hợp thứ 1, người nhiễm SARS-CoV-2 là trường hợp có xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật RT-PCR. Trường hợp thứ 2, là trường hợp bệnh nghi ngờ, có kết quả test nhanh kháng nguyên dương tính. Trường hợp thứ 3, là những người không có triệu chứng, có yếu tố dịch tễ hoặc tiếp xúc gần với trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc xác định COVID-19 trong khoảng 14 ngày và có kết quả test nhanh kháng nguyên dương tính với 2 loại test nhanh khác nhau (test nhanh do Bộ Y tế cấp phép và do nhân viên y tế thực hiện). Trong trường hợp chỉ có kết quả dương tính với 1 loại test nhanh thì cần phải có xét nghiệm RT-PCR để khẳng định.
Đồng thời, UBND tỉnh cũng đề nghị Bộ Y tế cho phép khẳng định khỏi bệnh Covid-19 bằng test nhanh đối với 2 trường hợp. Thứ nhất, F0 điều trị tại nhà đủ 10 ngày, test nhanh âm tính được xác định khỏi bệnh (kết quả test nhanh âm tính do nhân viên y tế thực hiện hoặc người bệnh tự thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên và test nhanh do Bộ Y tế cấp phép). Ban chỉ đạo phòng chống dịch xã, phường, thị trấn hoặc trạm y tế nơi quản lý người bệnh chịu trách nhiệm xác nhận khỏi bệnh cho người bệnh.
UBND tỉnh Cà Mau đề nghị cho phép khẳng định trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 và khỏi bệnh bằng test nhanh kháng nguyên. |
Đối với người bệnh Covid-19 điều trị các cơ sở thu dung, điều trị, nếu là người bệnh COVID-19 đơn thuần hay người bệnh Covid-19 có bệnh nền/bệnh kèm theo, thì các triệu chứng lâm sàng cần phải hết trước ngày ra viện từ 3 ngày trở lên; có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính hoặc CT từ 30 trở lên hoặc test nhanh âm tính vào trước ngày ra viện (test nhanh do Bộ Y tế cấp phép).
Trước tình hình số ca nhiễm tăng cao, UBND tỉnh đồng thời đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ khẩn cấp nguồn nhân lực phòng, chống Covid-19 chi viện cho Cà Mau. Trong đó, đối với hỗ trợ điều trị trường hợp nhiễm SARS- CoV-2 (F0) tầng 2 và 3: cần 1 đội 10 người, bao gồm: Bác sĩ, điều dưỡng, kiểm soát nhiễm khuẩn có kinh nghiệm trong điều trị bệnh trung bình, nặng và nguy kịch;
Hỗ trợ cho các cơ sở y tế thu dung, điều trị F0 tầng 2 và 3: Thời gian: 3 tuần, bắt đầu từ ngày 20/12/2021 đến 15/1/2022;
Hỗ trợ điều trị trường hợp nhiễm SARS- CoV-2 tầng 1 tại nhà và tại khu cách ly tập trung: cần 5 đội, mỗi đội 8 người, bao gồm: 2 bác sĩ, 6 điều dưỡng có kinh nghiệm quản lý, điều trị, chăm sóc F0 tại nhà. Thời gian: 1 tháng, bắt đầu từ ngày 20/12/2021 đến 22/01/2022.
UBND tỉnh Cà Mau mong muốn được chi viện thêm nguồn nhân lực hỗ trợ điều trị trường hợp nhiễm SARS- CoV-2 (F0) tầng 2 và 3. |
Song song đó, nhằm giảm nguy cơ mắc Covid-19 và giảm số ca chyển biến nặng, tử vong, để phòng chống dịch chủ động, UBND tỉnh cũng đề nghị bổ sung vắc-xin tiêm mũi bổ sung (mũi 3) cho những ngưòi có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng. Trong đó, hỗ trợ cấp 65.000 liều vắc-xin Pfizer trong tháng 12/2021, để tiêm liều bổ sung hoặc liều nhắc lại cho các đối tượng tuyến đầu chống dịch, đối tượng có yếu tố nguy cơ cao như suy giảm miễn dịch, ghép tạng, ung thư, HIV, các bệnh nền nặng,... nhất là đối tượng trên 50 tuổi được tiêm vắc-xin phòng Covid-19.
“Trước tình hình khó khăn của tỉnh, UBND tỉnh Cà Mau rất mong được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Bộ Y tế”- Chủ tịch UBND tỉnh tha thiết./.
Hồng Nhung