VHO - Để nghề đầu bếp phát triển,ềđầubếpngàycàngcaogiánhandinhbongda 24h đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành Du lịch trong tương lai và giới thiệu văn hoá ẩm thực Việt Nam tới du khách, mới đây, Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội đã tổ chức toạ đàm với chủ đề “Phát triển nghề đầu bếp hiện tại và tương lai”.
Buổi toạ đàm có sự tham dự của Hiệu trưởng trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội Trịnh Cao Khải, Chủ tịch Hội đầu bếp chuyên nghiệp Hà Nội Hà Hải Đoàn, Chủ tịch Hiệp hội đào tạo và việc làm đầu bếp Việt Nam Nguyễn Thường Quân, Trưởng khoa quản trị chế biến món ăn (Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội) Phạm Mạnh Cường.
Tham dự còn có lãnh đạo một số trường đào tạo, các chuyên gia, đại diện các hiệp hội đầu bếp, đại diện các câu lạc bộ đầu bếp Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Sơn La, Sa Pa, Vĩnh Yên, Sầm Sơn…
Nhiều tổng bếp trưởng, phó tổng bếp trưởng của nhiều khách sạn tại Hà Nội như: Sheraton, Movenpik, Lotte, Daewoo, Pan Pacific, Melia, JW Marriott, Intercontinental, Landmark 72, Super Candle…, đại diện các doanh nghiệp, các nhà tài trợ, các đơn vị thông tấn báo chí… cùng các cán bộ giảng viên, sinh viên trường cũng tham dự toạ đàm này.
Nghề đầu bếp ngày càng “có giá”
Năm 2024, ngành Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 17-18 triệu khách quốc tế và phục vụ 110 triệu khách nội địa, dự kiến tổng thu từ du lịch đạt khoảng 840.000 tỉ đồng. Trải qua kỳ nghỉ Tết Dương lịch và các ngày lễ 30.4, 1.5, mùa du lịch hè 2024, nhiều tỉnh thành ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng về lượng khách và doanh thu so với năm 2023.
Thị trường kinh doanh ẩm thực ở Việt Nam cũng đã có sự phát triển đáng kể, với tổng doanh thu của ngành F&B trong năm 2023 đạt hơn 590.000 tỉ đồng, tăng 11,47%. Riêng doanh thu từ nhà hàng trên cả nước đóng góp 538.500 tỉ đồng, tăng 10,87% so với năm 2022.
Trong quá trình phục hồi và phát triển du lịch, yếu tố ẩm thực đóng vai trò quan trọng, không chỉ là phục vụ nhu cầu du khách mà còn là lý do để du khách lựa chọn làm điểm đến và tăng sự hấp dẫn cho du lịch tại nước ta.
Như vậy, có thể thấy nghề đầu bếp hiện nay ngày càng khẳng định được vị thế và trở thành ngành nghề nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội, nói cách khác “ngày càng có giá”.
Chia sẻ về chủ đề này, ông Nguyễn Thường Quân, Chủ tịch Hiệp hội đào tạo và việc làm đầu bếp Việt Nam đã đưa ra nhận định về thực trạng của ngành nghề rằng: “Nghề bếp và cơ hội việc làm trong nghề bếp còn rất rộng mở tại Việt Nam”.
“Tuy nhiên, những đòi hòi từ thực tiễn người đầu bếp không chỉ tinh thông chuyên môn mà còn đòi hỏi người đầu bếp phải được trang bị thêm những kỹ năng và năng lực mới trong điều kiện ngành ẩm thực Việt Nam càng cạnh tranh cao”, ông Quân nói.
Cùng với đó, ông Phạm Mạnh Cường, Trưởng khoa quản trị chế biến món ăn thuộc trường Cao Đẳng Du lịch Hà Nội đã đưa ra những con số ấn tượng về lượng khách và doanh thu của ngành Du lịch của Việt Nam trong những năm gần đây.
Với xu hướng tăng trưởng nhanh chóng của thị trường ẩm thực, nhu cầu về nguồn nhân lực trong lĩnh vực này dự báo sẽ tăng cao. Các cơ sở đào tạo tại Việt Nam cần phải chú trọng việc nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng nhu cầu cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả thị trường nội địa và quốc tế.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam, ngành nhà hàng và khách sạn tăng trưởng mỗi năm từ 7-10%, tạo nên nhu cầu lớn về nguồn lao động trong nghề bếp. Tuy nhiên, nguồn lao động chất lượng lại chưa đáp ứng đủ nhu cầu do một số lý do như phần lớn đầu bếp học từ đồng nghiệp hoặc tự học mà thường ít có trường lớp chuyên nghiệp thực sự, thiếu hệ thống quy chuẩn trong đánh giá đầu bếp,…
Hiện nay, có tới 60% - 80% nhà hàng và khách sạn gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động nghề bếp, đặc biệt là lao động có trình độ cao. Điều này cho thấy, nhu cầu đào tạo đối với nghề bếp còn rất lớn mà thực tế đào tạo tại các cơ sở chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành Du lịch.
Cần thực hiện những giải pháp đồng bộ
Trước thực trạng đó, ông Phạm Mạnh Cường cũng đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực ẩm thực hiện nay thì các cơ sở đào tạo cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như sau:
Thứ nhất, xây dựng đào tạo theo chuẩn đầu ra: Nên hạn chế bớt các môn học lý thuyết mà nên tập trung nhiều vào môn học có kỹ năng thực hành, phân công giảng viên vừa có kiến thức thực tế vừa giỏi về chuyên môn để xây dựng chương trình môn học, bài giảng, giáo trình học tập cho sát với thực tế bám sát chuẩn đầu ra.
Thứ hai, xây dựng đội ngũ giảng viên chuyên ngành giỏi lý thuyết, thạo thực hành nghề nghiệp: Cải thiện năng lực của giảng viên thông qua bồi dưỡng chuyên môn và sư phạm, đồng thời áp dụng công nghệ thông tin và phương pháp giảng dạy hiện đại.
Xây dựng chương trình giao lưu giữa giảng viên và các doanh nghiệp như nhà hàng, khách sạn, để giảng viên có thể cập nhật kiến thức mới từ thực tế. Đội ngũ giảng viên, bao gồm cả những người từ doanh nghiệp, đóng vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn và bồi dưỡng người học, giúp họ hoàn thiện kỹ năng và tính chuyên nghiệp trong ngành nghề.
Thứ ba, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy: Cơ sở đào tạo du lịch, trường cần tăng cường thêm các phòng học mô phỏng với đầy đủ trang thiết bị, tiện nghi để học thực hành cho từng chuyên ngành.
Thứ tư, tăng cường liên kết đào tạo với doanh nghiệp: Tạo điều kiện cho người học được thực tập, tích luỹ kiến thức thực chiến tại các doanh nghiệp nhà hàng, khách sạn. Mời các đầu bếp, trưởng bộ phận tại các doanh nghiệp về chia sẻ, tham gia giảng dạy và chấm thi nhằm nâng cao yếu tố thực tế, mới mẻ.
Thứ năm, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo: Củng cố hợp tác quốc tế trong đào tạo ngành ẩm thực bằng cách khuyến khích cơ sở đào tạo hợp tác song phương và đa phương với các đối tác quốc tế.
Điều này bao gồm chuyển giao công nghệ đào tạo tiên tiến, tiếp cận chuẩn đào tạo nghề nghiệp tiên tiến, trao đổi sinh viên với các cơ sở đào tạo du lịch trong khối ASEAN và khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt trong các chuyên ngành chế biến món ăn, phục vụ nhà hàng và pha chế đồ uống.
Thứ sáu, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động đào tạo: Các cơ sở đào tạo cần tăng cường sử dụng công nghệ thông tin để đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, kiểm tra và nghiên cứu khoa học.
Đồng thời, phải xây dựng và cập nhật thường xuyên kho học liệu số bao gồm bài giảng, giáo trình, đề thi điện tử, học liệu đa phương tiện, phần mềm mô phỏng và các tài liệu khác.
Và quan trọng hơn hết, Chef Hà Hải Đoàn nhấn mạnh rằng: “Ngọn lửa đam mê và nhiệt huyết là yếu tố quan trọng giúp duy trì và phát triển nghề. Nó không chỉ là động lực để chúng ta vượt qua những khó khăn, thử thách mà còn là nguồn cảm hứng vô tận để chúng ta không ngừng sáng tạo và cải tiến, thôi thúc người đầu bếp không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức và kỹ năng”.
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội Trịnh Cao Khải cho biết: “Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường du lịch trong quá trình phục hồi, việc đào tạo nguồn nhân lực đầu bếp đảm bảo về số lượng, đáp ứng về chất lượng là một nhiệm vụ cấp bách và quan trọng”.
Đã có nhiều cơ chế chính sách thay đổi tạo tiền đề đột phá cho phát triển ngành nghề Kỹ thuật chế biến món ăn. Ví dụ như ngành nghề cùng một số ngành học thuộc danh mục nghề học được ưu tiên và giảm 70% học phí.
Các cơ quan quản lý nhà nước đã thể hiện sự cam kết hỗ trợ và khuyến khích sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực nghề chế biến món ăn, qua đó không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho sinh viên mà còn mở rộng cơ hội để các bạn trẻ tiếp cận với nghề nghiệp đầy tiềm năng.
“Thế hệ đầu bếp tương lai cần phải được đào tạo, trang bị để không chỉ thành công trong nước mà còn có thể vươn ra thị trường quốc tế, đóng góp vào việc nâng cao vị thế của ẩm thực Việt Nam và rạng danh trong các cuộc thi tay nghề quốc tế”, ông Trịnh Cao Khải bày tỏ.