Giá xăng dầu, gas trong nước biến động cùng chiều với giá thế giới. Ảnh tư liệu |
PV:Ông đánh giá thế nào về tình hình thị trường xăng dầu, gas trong nước và thế giới từ đầu tháng 4/2024 đến nay?
Ông Nguyễn Đức Dũng: Tính từ đầu tháng 4 đến nay, giá dầu thế giới diễn biến theo xu hướng phân hóa. Kết thúc ngày giao dịch 12/6, dầu WTI đạt 78,5 USD/thùng, dầu Brent đạt 82,6 USD/thùng.
Sau khi thiết lập mức đỉnh kể từ đầu năm nay và nửa đầu tháng 4, giá dầu thế giới đã liên tục hạ nhiệt trong giai đoạn cuối tháng 4 và tháng 5 khi sức ép từ yếu tố vĩ mô quay trở lại chi phối thị trường. Bên cạnh đó, việc các nhà đầu tư nghi ngờ việc tuân thủ chính sách cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ và các nước đồng minh (OPEC+) cũng góp phần thúc đẩy xu hướng này.
Tuy nhiên, trong khoảng 2 tuần trở lại đây, giá dầu WTI đã có dấu hiệu hồi phục trở lại. Tính tới ngày 12/6, giá dầu WTI ghi nhận đà tăng hơn 7% so với mức giảm sâu xuống 77 USD/thùng được thiết lập vào đầu tháng 6.
Trái ngược với diễn biến giá dầu, giá khí tự nhiên trên thế giới đã chứng kiến đà tăng mạnh mẽ từ đầu tháng 4. Đáng chú ý, đóng cửa ngày 11/6, giá khí tự nhiên tăng vọt hơn 7%, lần đầu vượt mốc 3 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh kể từ tháng 11/2023 và tăng gần 70% so với giai đoạn tháng 4.
PV: Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến giá mặt hàng này tăng, giảm trong những tháng gần đây?
Ông Nguyễn Đức Dũng |
Ông Nguyễn Đức Dũng: Đối với thị trường xăng dầu thế giới, theo tôi nguyên nhân dẫn tới diễn biến giá trái chiều này xuất phát từ 2 yếu tố chính. Thứ nhất là khả năng tuân thủ sản lượng dầu của OPEC+ bất chấp nhóm liên tục tuyên bố chính sách cắt giảm.
Điển hình là việc một số thành viên OPEC+, gồm Iraq và UAE vẫn chưa tuân thủ chính sách của nhóm khi liên tiếp sản xuất vượt quá mức mục tiêu từ 200.000 đến 300.000 thùng/ngày. Thậm chí một cuộc thanh tra từ Ủy ban của OPEC đối với Iraq cho thấy, nước này đã sản xuất vượt hạn ngạch tới 600.000 thùng/ngày trong đầu năm nay. Điều này làm gia tăng lo ngại về sự ổn định của thị trường.
Thêm vào đó, kết quả của cuộc họp trong ngày 2/6 từ nhóm OPEC+ một lần nữa khiến các nhà đầu tư thất vọng với tuyên bố dần loại bỏ việc cắt giảm tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày bắt đầu từ quý IV. Tuy nhiên, với việc OPEC+ đồng ý gia hạn mức cắt giảm 3,66 triệu thùng/ngày thêm một năm cho đến cuối năm 2025 và kéo dài mức cắt giảm tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày thêm ba tháng, thị trường về cơ bản sẽ tiếp tục nghiêng cán cân về phía thâm hụt, tạo động lực thúc đẩy giá dầu dần hồi phục trở lại.
Thứ hai là niềm tin của thị trường đối với việc nới lỏng chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tục xoay chiều.
Bên cạnh đó, tăng trưởng của nền kinh tế số 1 thế giới cũng đã gây ra những áp lực nhất định với giá dầu. Cụ thể, dữ liệu trong lần điều chỉnh thứ hai của Cục Phân tích kinh tế Mỹ cho thấy, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ trong quý I/2024 chỉ đạt mức tăng 1,3% so với quý trước đó, thay vì tăng 1,6% như trong lần công bố sơ bộ. Áp lực chính sách bên cạnh bài toán tăng trưởng sau đó đã gây sức ép đối với giá dầu thế giới xuyên suốt tháng 4 và tháng 5.
Trong khi đó, đối với thị trường khí đốt, đà tăng mạnh trên thị trường diễn ra trong bối cảnh sản lượng khí đốt của Mỹ được dự báo giảm khoảng 8% trong năm 2024. Điều này diễn ra sau khi một số công ty năng lượng trì hoãn việc hoàn thành các giếng và cắt giảm hoạt động khoan khi giá giảm mạnh trong tháng 2 và tháng 3. Báo cáo thường niên của Hội đồng Điện Bắc Mỹ cũng nhấn mạnh nguy cơ thiếu năng lượng tăng cao ở một số bang tại Mỹ do nhiệt độ nóng hơn trong mùa hè.
PV:Dự báo giá xăng dầu, gas trong nước và thế giới quý III/2024 sẽ biến động ra sao, thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Dũng:Theo tôi, trên thị trường khí đốt, xu hướng giá có thể diễn biến giằng co trong giai đoạn quý III. Trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ khí đốt của các máy phát điện tăng cao để đáp ứng nhu cầu làm mát vào mùa cao điểm, tôi cho rằng giá khí vẫn sẽ tiếp tục đà tăng, đặc biệt khi nguồn cung đang thu hẹp. Tuy nhiên trong thời gian tới, đà tăng này cũng sẽ không quá mạnh mẽ khi giá khí vốn đã ghi nhận những tín hiệu tích cực từ đầu quý II tới nay.
Còn đối với thị trường dầu thô, yếu tố cung cầu cơ bản vẫn sẽ là nhân tố tác động lớn lên thị trường trong thời gian tới. Trong báo cáo Triển vọng năng lượng ngắn hạn tháng 6, Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng (EIA) đã nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới năm 2024 lên 1,10 triệu thùng/ngày so với ước tính trước là 900.000 thùng/ngày, qua đó đẩy mức thâm hụt trung bình trong cả năm lên 320.000 thùng/ngày.
Bên cạnh đó, xu hướng phục hồi của giá dầu từ mức đáy 4 tháng có thể sẽ còn tiếp tục duy trì trong quý III khi mà OPEC+ thực hiện chính sách cắt giảm sản lượng tự nguyện, đặc biệt khi đây lại là giai đoạn nhu cầu tăng cao do mùa di chuyển cao điểm.
Đối với thị trường trong nước, theo tôi, giá xăng dầu trong nước sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng trong các phiên điều hành giá sắp tới. Thêm vào đó, mặc dù có những không gian cho sự gia tăng của giá dầu thế giới, song biến động tăng được dự báo sẽ không quá mạnh mẽ, điều này có thể khiến giá xăng dầu nước ta ổn định hơn trong quý III.
PV:Xin cảm ơn ông!
Xăng dầu trong nước diễn biến đồng pha với giá dầu thế giới Theo ông Nguyễn Đức Dũng, trên thị trường nội địa, tính trong 5 tháng đầu năm 2024, nước ta đã nhập khẩu 4,4 triệu tấn dầu thô và 3,6 triệu tấn sản phẩm xăng dầu các loại. Với việc là quốc gia nhập siêu năng lượng, điều này về cơ bản sẽ khiến giá xăng dầu trong nước diễn biến đồng pha với giá dầu thế giới. |