Nhiều DN vắng chủ
Theo Ban quản lý KCX - KCN TP.HCM (HEPZA), hiện nay, tại các KCX - KCN Thành phố có khoảng 10 doanh nghiệp đang trong tình trạng giải thể, phá sản, vắng chủ với tổng vốn đầu tư 19,68 triệu USD, diện tích chiếm đất khoảng 3,6 ha, đến nay vẫn chưa thu hồi được giấy chứng nhận đầu tư.
Nguyên nhân là do chưa có quy định về trình tự giải quyết phá sản, giải thể, chấm dứt hoạt động đối với các trường hợp nêu trên, dẫn đến các tài sản, máy móc thiết bị xuống cấp giảm giá trị do lưu kho lâu ngày, nhà xưởng của DN vẫn chiếm dụng đất đai, gây lãng phí và thiệt hại cho Công ty phát triển hạ tầng KCN. Trong khi đó công nợ của doanh nghiệp đối với các cơ quan như Cục Thuế, Cục Hải quan, ngân hàng, khách hàng, người lao động,… không được giải quyết.
Thống kê của Ban Quản lý KCN Đồng Nai (DIZA), hiện có khoảng 66 trường hợp doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh này ngừng hoạt động và không triển khai dự án nhưng có phát sinh công nợ, trong đó có 20 trường hợp không liên lạc được.
Đơn cử như trường hợp của Công ty TNHH Fine Decor (Hàn Quốc), với tổng số vốn đăng ký 1,25 triệu USD, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất ván MFC tại KCN Long Bình (TP Biên Hòa) từ năm 2004.
Dù trước khi ra đi (năm 2009 kéo dài đến 2011 mới có hướng xử lý), Fine Decor đã thanh lý hợp đồng thuê đất với Công ty Phát triển hạ tầng KCN Long Bình và nghĩa vụ với người lao động nhưng vẫn còn nợ Cục Thuế và Hải quan Đồng Nai số tiền lên tới 800 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Thành – Phó Ban quản lý DIZA cho biết, theo quy định của Luật Đầu tư, dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư sau 12 tháng mà nhà đầu tư không triển khai hoặc không có khả năng thực hiện theo tiến độ đã cam kết và không có lý do chính đáng thì bị thu hồi. Tuy nhiên, đây là những dự án đã triển khai, đã phát sinh các giao dịch và công nợ với khách hàng, các cơ quan nên không thể rút giấy chứng nhận đầu tư.
Thanh lý tài sản
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, hiện Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 108/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Đầu tư đã đưa ra các chế tài xử lý trường hợp chủ DN FDI “bỏ trốn”.
Đối với các dự án đầu tư đã triển khai hoạt động theo quy định tại giấy chứng nhận đầu tư và đã phát sinh các khoản nợ phải thanh toán hoặc tài sản phải xử lý, cơ quan nhà nước sẽ phải thực hiện trách nhiệm của chủ dự án để giải quyết quyền lợi của bên thứ ba, trong đó có cả quyền lợi của Nhà nước, các đối tác và người lao động.
Theo đó, Sở KHĐT hoặc Ban quản lý KCN kiến nghị UBND cấp tỉnh phê duyệt việc thanh lý tài sản của DN. Các cơ quan này sẽ thực hiện vai trò của cơ quan thanh lý, như thông báo việc tổ chức thanh lý trên các phương tiện thông tin đại chúng, xây dựng phương án thanh lý tài sản (gồm tổ chức và thành phần, ngân sách, thời hạn hoạt động của ban thanh lý, danh mục tài sản, phương án thanh lý, danh sách tổ chức, cá nhân có nhu cầu đòi nợ...) theo quyết định của UBND cấp tỉnh.
Ban quản lý KCN Đồng Nai cũng kiến nghị tăng mức phạt vi phạm hành chính khi DN không gửi báo cáo về hoạt động kinh doanh theo quy định; báo cáo không đúng quy định; không thông báo hoặc thông báo không đúng thời hạn quy định khi tạm ngừng kinh doanh...
Vì hiện theo quy định tại Nghị định 53/2007/NĐ-CP ngày 4-4-2007 của Chính phủ khi vi phạm các hành vi trên DN chỉ bị phạt tiền từ 1 - 5 triệu đồng chưa phát huy được hiệu quả.
Duy Quang