Nhân tố chính tạo nên sự tăng trưởng kinh tế nhanh
Phát biểu tại hội thảo,àichíbđ kq hôm nay PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ - Giám đốc Học viện Tài chính cho biết, trong thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã nhận thức được vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân trong chính sách phát triển nền kinh tế nhiều thành phần. Nhờ vậy, kinh tế tư nhân không ngừng lớn mạnh, trở thành một trong những nhân tố chính tạo nên sự tăng trưởng kinh tế nhanh.
PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ - Giám đốc Học viện Tài chính phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Đức Việt. |
Trong những năm vừa qua, kinh tế tư nhân đã không chỉ dần được phục hồi mà còn có những bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Nghị quyết 10/NQ-TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 5 khóa XII của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân cũng đặt ra yêu cầu phát triển kinh tế tư nhân cùng với kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Theo Ban tổ chức, hội thảo đã nhận được rất nhiều bài viết đến từ các nhà khoa học trong và ngoài nước và lựa chọn được 136 bài viết đăng trong kỷ yếu hội thảo. Các bài viết được nhận định là có chất lượng, có hàm lượng khoa học cao, bao quát nhiều vấn đề nổi bật gắn với vấn đề tài chính - kế toán, với các góc nhìn và phương pháp nghiên cứu đa dạng… |
Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ, tình hình kinh tế toàn cầu đang diễn biến cực kỳ phức tạp, khó dự báo, cộng với những tồn tại của nền kinh tế… đang tạo ra "lực cản" với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, khu vực kinh tế tư nhân nói riêng.
Đồng thời, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với công nghệ 4.0, công nghệ số và những tiến bộ đột phá về khoa học công nghệ đang làm cho cuộc sống thay đổi hết sức nhanh chóng, đi cùng với đó là dịch bệnh, chính trị thế giới đã và đang diễn biến khó lường…
Trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn khó khăn, cùng với đó là xu hướng suy giảm của dòng vốn ngoại thì những chính sách khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư là rất cần thiết.
Các chuyên gia tham luận tại hội thảo. Ảnh: Đức Việt. |
“Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đã đề ra nhiệm vụ phải phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam cả về số lượng, chất lượng; khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế; phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60 - 65%...” - PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ cho hay.
Phải có giải pháp tăng số doanh nghiệp thành lập mới
Để đạt mục tiêu đề ra, PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ cho rằng, mỗi năm trung bình phải tăng thêm ít nhất 143.000 doanh nghiệp. Cùng với đó, phải có hàng loạt giải pháp tương ứng nhằm tăng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay lại hoạt động, giảm số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và giảm đến mức tối đa số doanh nghiệp giải thể, phá sản.
Lãnh đạo các đơn vị đồng tổ chức hội thảo cùng các chuyên gia, đại biểu chụp ảnh lưu niệm. |
Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, việc phát triển kinh tế tư nhân là một nhân tố không chỉ bảo đảm cho việc duy trì tốc độ tăng trưởng GDP cao, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước mà còn tham gia vào giải quyết hàng loạt những vấn đề xã hội như: tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, phát triển nguồn nhân lực…
Tại hội thảo, các chuyên gia tập trung thảo luận các vấn đề kế toán, tài chính với phát triển kinh tế nói chung, kinh tế tư nhân nói riêng hướng tới phát triển nhanh và bền vững; các tiếp cận về quản trị, nhân lực, kế toán, kiểm toán, môi trường kinh doanh, đổi mới, khởi nghiệp…
Ban tổ chức hội thảo đã lựa chọn được 10 bài báo tiêu biểu nhất của các nhà khoa học để trao giải thưởng. |
Đồng thời, các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà quản trị doanh nghiệp trong nước và quốc tế đề xuất những định hướng về kinh tế, tài chính - kế toán để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển nhanh và bền vững nhằm đạt được mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.
Hội thảo đã được nghe 2 bài trình bày của PGS. Simon Domenico Scagnelli - Trưởng khoa Tài chính kế toán, Đại học Edith Cowan (Australia) và GS. Mark Holmes - Khoa Quản trị, Đại học Waikato (New Zealand) cùng 12 tham luận tại 3 phòng hội thảo chuyên đề; hơn 50 câu hỏi và các ý kiến phát biểu trao đổi trực tiếp, hàng trăm tương tác qua nền tảng trực tuyến của các nhà khoa học, học giả, chuyên gia trong nước và quốc tế; những người quan tâm đến lĩnh vực tài chính, kế toán. |