Thị trường bất động sản (BĐS) đang gặp rất nhiều khó khăn,ỡntthắtthịtrườngbấtđộngsảkết quả u21 ý thậm chí là “đóng băng” do tác động từ nhiều yếu tố. Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương đã có những động thái mạnh mẽ để sớm khơi thông những điểm nghẽn, kỳ vọng tháo gỡ được các nút thắt, đưa lĩnh vực này phục hồi và phát triển.
Hậu Giang luôn quan tâm, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản.
Khó khăn chung
Theo Bộ Xây dựng, thị trường BĐS nước ta từ giữa năm 2022 đến hết quý I/2023 tiếp tục gặp nhiều khó khăn từ nguồn cung sụt giảm, các dự án để cấp phép mới và các dự án đang triển khai đến các dự án đã hoàn thành đều mới đáp ứng khoảng 50% so cùng kỳ. Giao dịch BĐS giảm, tỷ lệ giao dịch, hấp thụ, tính thanh khoản thấp. Giá giao dịch những căn hộ có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. Sản phẩm cho nhà ở xã hội, nhà công nhân chưa đáp ứng được nhu cầu.
Thị trường BĐS từ giữa năm 2022 đến hết quý I/2023 tiếp tục gặp nhiều khó khăn.
Hiện, việc triển khai các dự án BĐS gặp nhiều vướng mắc, nhất là về pháp lý, kéo dài qua nhiều năm, nhiều giai đoạn. “Pháp luật qua từng giai đoạn có thay đổi, việc tháo gỡ cho từng dự án cần có thời gian từ thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng liên quan đến quy định pháp luật về nhà ở, kinh doanh BĐS”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị thông tin.
Thị trường BĐS khó khăn dẫn đến sản xuất vật liệu xây dựng cũng gặp nhiều trở ngại. Thống kê trong quý I, sản xuất, tiêu thụ xi măng đều giảm so cùng kỳ, kính xây dựng, gạch ốp lát, sứ vệ sinh, gạch không nung đều có mức sản xuất và tiêu thụ giảm ở 2 con số. Riêng các doanh nghiệp xây lắp hiện nay kế hoạch quý I chỉ đạt khoảng 10%, trong khi cùng kỳ so với các năm khoảng từ 17-20%.
Tại Hậu Giang, theo báo cáo từ Sở Xây dựng tỉnh, tình hình triển khai thực hiện dự án đầu tư nhà ở, phát triển đô thị trên địa bàn là 102 dự án. Trong đó, tổng số dự án còn lại sau thu hồi là 87 dự án.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Ban Quản lý dự án DIC miền Tây, chia sẻ: Tín dụng cho BĐS hiện nay đang bị thắt chặt, đang có xu hướng giảm lãi suất, còn tốc độ giảm chưa nhiều. Đơn vị cũng ra hàng đợt đầu tiên, số lượng khoảng 50%. Tuy vậy, năm nay sức mua bị giảm nhiều so với các năm trước, giá sản phẩm BĐS cũng đang giảm xuống. Cát nhu cầu lớn, phục vụ các dự án trọng điểm nên nguồn cát xây dựng cũng gặp khó, giá thép và xi măng cũng tăng.
Để quản lý thị trường BĐS, ngành chức năng tỉnh đã tăng cường vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, thông qua việc hoàn thiện xây dựng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS theo Nghị định số 44 ngày 29/6/2022 của Chính phủ về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS. Qua đó, thực hiện phê duyệt các dự án phát triển nhà ở, công khai minh bạch cạnh tranh giữa các dự án nhằm giảm giá thành để người dân mua được nhà ở với mức giá hợp lý, đảm bảo phù hợp với nhu cầu và tính khả thi trong phương án triển khai thực hiện.
Để tháo gỡ khó khăn thị trường BĐS, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: Chính phủ đã có Nghị quyết 33 về một số giải pháp để tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững. Bộ Tài nguyên và Môi trường đang hoàn thành Luật đất đai (sửa đổi) để trình cấp thẩm quyền xem xét quyết định. Bộ Xây dựng đã hoàn thành trình Chính phủ và chuẩn bị trình Quốc hội Luật nhà ở sửa đổi, Luật Kinh doanh BĐS để tạo hành lang pháp lý cho thị trường BĐS hoạt động. Ngoài ra, đã trình xin chủ trương nghị định về quy trình, trình tự thủ tục triển khai các dự án đầu tư xây dựng và dự án nhà ở thương mại, nhà ở khu đô thị, hướng dẫn tháo gỡ thủ tục hành chính việc này. Hay mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định về phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.
“Các địa phương tích cực tháo gỡ pháp lý cho các dự án BĐS trên địa bàn cũng như thúc đẩy doanh nghiệp BĐS tái cơ cấu. Tổ công tác của Bộ Xây dựng tiếp tục tăng cường làm việc với các địa phương để tháo gỡ các vướng mắc ở các dự án cụ thể. Các địa phương rà soát, phân loại và có kiến nghị cụ thể theo đúng thẩm quyền để tháo gỡ. Ngoài ra, cần xem xét công bố giá vật liệu xây dựng cũng như chỉ số giá xây dựng trên địa bàn để phục vụ công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng nhất là phục vụ cho các công trình trọng điểm quốc gia triển khai trên địa bàn”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh.
Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, càng trong khó khăn, thách thức, các chủ thể liên quan (cơ quan quản lý, doanh nghiệp, ngân hàng, khách hàng) càng phải đoàn kết, phát huy tinh thần trách nhiệm, cùng xử lý các vấn đề trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, cấu trúc này mà không hài hòa thì sẽ không ổn định và không ai phát triển được.
Cùng với đó, đã nói phải làm, đã cam kết phải thực hiện và thực hiện có hiệu quả cụ thể, cân đong đo đếm được. Vừa giải quyết vấn đề trước mắt, vừa xử lý các vấn đề lâu dài, không chuyển trạng thái đột ngột, điều hành giật cục. Tuân thủ quy luật thị trường, quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh, BĐS bình đẳng với các ngành nghề, lĩnh vực khác. Trong đó, điểm cân bằng, dung hòa của cung cầu thể hiện ở giá cả BĐS, giá cả phải là động lực để thúc đẩy sự phát triển, chứ không phải triệt tiêu sự phát triển.
“Các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường quản lý, rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế, xây dựng quy hoạch, tăng cường giám sát, kiểm tra, giải quyết các vấn đề nổi lên. Các tổ chức ngân hàng, tài chính phải khơi thông dòng vốn, giải quyết các vấn đề tín dụng. Các doanh nghiệp BĐS phải có trách nhiệm với chính mình, giải quyết các khó khăn do chính mình gây ra do dự báo không sát, phát triển thị trường không tốt, đầu tư vốn không hiệu quả… Cơ cấu lại các phân khúc, giá cả hợp lý để thúc đẩy thanh khoản, hướng tới kinh doanh có lãi nhưng hài hòa. Lúc làm ăn có lãi bù trừ với lúc làm ăn thua lỗ, không thể lúc nào cũng có lãi được”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Thủ tướng yêu cầu các ngân hàng tiết giảm chi phí đầu vào, tăng cường chuyển đổi số, giảm lãi suất huy động với sự vào cuộc của Ngân hàng Nhà nước; từ đó giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại các nhóm nợ, giảm phí, lệ phí… Nền kinh tế có phát triển thì ngân hàng mới phát triển được. Chính quyền các cấp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục, đẩy nhanh xây dựng các quy hoạch, thực hiện nghiêm quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch kịp thời và điều chỉnh các dự án trên địa bàn phù hợp điều kiện, tình hình địa phương. Một nhiệm vụ quan trọng khác là bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của khách hàng, đồng thời tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn khách hàng lựa chọn được sản phẩm tốt, phù hợp, góp phần để thị trường phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Bài, ảnh: MỘNG TOÀN