Khủng hoảng chính trị tại Đức
Chính phủ Đức đã sụp đổ vào ngày 16/12 khi Thủ tướng Olaf Scholz không vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng lãnh đạo trên khắp châu Âu vào thời điểm thách thức kinh tế và an ninh gia tăng.
Cuộc chiến ở Ukraine đã leo thang, trong khi triển vọng đàm phán hòa bình chưa hé mở. Tổng thống đắc cử Donald Trump chuẩn bị nhậm chức tại Mỹ, đặt ra những câu hỏi mới về quan hệ thương mại và quốc phòng của người châu Âu. Chính phủ Pháp - đối tác của Đức trong việc lãnh đạo châu Âu –đã sụp đổ vào đầu tháng này.
Và bây giờ, nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ nằm trong tay một chính phủ lâm thời, trước thềm cuộc bầu cử vào đầu năm tới.
Hôm 16/12, các nhà lập pháp Đức đã bỏ phiếu giải tán chính phủ hiện tại với 394 phiếu thuận và 207 phiếu chống, trong đó có 116 phiếu trắng. Diễn ra chỉ 9 tháng trước khi cuộc bầu cử Quốc hội được tổ chức theo kế hoạch, cuộc bỏ phiếu này là một khoảnh khắc bất thường đối với nước Đức. Cuộc bầu cử, hiện dự kiến diễn ra vào ngày 23/2/2025, sẽ là cuộc bầu cử sớm thứ tư trong 75 năm kể từ khi nhà nước Đức hiện đại được thành lập. Khoảnh khắc này phản ánh một kỷ nguyên mới của nền chính trị chia rẽ và bất ổn ở một quốc gia từ lâu đã nổi tiếng với các liên minh bền vững được xây dựng dựa trên sự đồng thuận chậm chạp.
Ông Scholz không có nhiều lựa chọn ngoài việc thực hiện bước đi bất thường là kêu gọi bỏ phiếu tín nhiệm sau khi liên minh ba đảng của ông tan rã vào tháng 11, chấm dứt nhiều tháng đấu đá nội bộ gay gắt và khiến ông không có đa số trong Quốc hội để thông qua luật hoặc ngân sách.
Nhưng sự bất ổn chính trị của đất nước có khả năng kéo dài một tháng hoặc lâu hơn, với một chính phủ thường trực mới sẽ không được thành lập cho đến khi các đảng đạt được thống nhất về một liên minh, có thể là vào tháng 4 hoặc tháng 5 năm tới.
7 đảng sẽ tham gia chiến dịch tranh cử Quốc hội với cơ hội thực tế giành được ghế, và một số đảng ở rìa chính trị, đặc biệt là cánh hữu, đang chuẩn bị cho những màn thể hiện mạnh mẽ - theo các cuộc thăm dò. Ông Scholz được dự đoán rộng rãi sẽ bị phế truất khỏi vị trí thủ tướng, khi các cuộc thăm dò cho thấy đảng Dân chủ Cơ đốc giáo bảo thủ đang chuẩn bị về đích đầu tiên, bỏ xa đảng Dân chủ Xã hội của ông.
Châu Âu đối mặt loạt thách thức
Chiến dịch này có khả năng sẽ bị chi phối bởi một số vấn đề đã làm châu Âu đau đầu trong những năm gần đây. Cả Đức và Pháp đều đang sa lầy trong các cuộc tranh luận về cách tốt nhất để phục hồi nền kinh tế đang gặp khó khăn của họ, thu hẹp khoảng cách xã hội ngày càng gia tăng, xoa dịu nỗi lo lắng của cử tri về vấn đề nhập cư và củng cố quốc phòng.
Họ và các đối tác Liên minh châu Âu (EU) đang thận trọng hướng về Nga, nơi Tổng thống Vladimir Putin đưa ra những cảnh báo về việc sử dụng vũ khí hạt nhân liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine.
Châu Âu cũng đang lo lắng về mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc, quốc gia đã trở thành đối thủ đáng gờm đối với nhiều ngành công nghiệp quan trọng nhất của họ nhưng vẫn chưa trở thành thị trường tiêu dùng bùng nổ cho các sản phẩm châu Âu mà các nhà lãnh đạo đã hình dung từ lâu.
Và họ đang chuẩn bị cho nhiệm kỳ tổng thống mới của ông Trump, người đã đe dọa sẽ tiến hành chiến tranh thương mại và chấm dứt cam kết của Mỹ với NATO, liên minh quân sự đã đảm bảo an ninh cho châu Âu trong 75 năm qua.
Sự kết hợp của những thách thức này đã gây bất ổn về mặt chính trị. Tổng thống Emmanuel Macron của Pháp hôm 13/12 đã bổ nhiệm thủ tướng thứ tư của mình chỉ trong một năm và đang chịu áp lực ngày càng tăng phải từ chức. Ông Macron cho biết ông sẽ tiếp tục tại vị và cố gắng hàn gắn những rạn nứt sâu sắc trong chính phủ về ngân sách năm 2025.
Chính phủ của ông Scholz đã phải đối mặt với những thách thức tương tự về ngân sách, cùng với những lo ngại ngày càng tăng về cách thức xây dựng lại quân đội Đức trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine và những lời chỉ trích của ông Trump đối với NATO.
Nền kinh tế Đức đã trì trệ, tránh được suy thoái trong gang tấc vào mùa thu năm nay và các đảng của nước này chắc chắn sẽ sử dụng chiến dịch vận động để tranh luận về cách tốt nhất để phục hồi nền kinh tế.