Với mục tiêu bảo vệ và nâng cao việc sử dụng nguồn nước ở vùng ĐBSCL theo hướng tổng hợp, duy trì lợi ích từ sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống, tạo điều kiện tiếp cận nguồn cung cấp nước sạch, vệ sinh cho các hộ nông thôn, góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu. Qua đó, tác động đến nhận thức của người dân, góp phần cùng địa phương xây dựng nông thôn mới.
Theo Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Ấp 11, xã Khánh Lâm, huyện U Minh Trương Thị Thu Hà, cái lợi lớn nhất mà Dự án WB6 mang đến cho người dân là tác động làm thay đổi nhận thức của chị em vùng nông thôn về tầm quan trọng và ý nghĩa của việc xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khoẻ cho người dân.
Truyền thông thay đổi nhận thức về nước sạch, vệ sinh môi trường và rửa tay bằng xà phòng cho hội viên phụ nữ huyện Trần Văn Thời. |
Dự án đã hỗ trợ xã Khánh Lâm xây dựng 165 nhà tiêu hợp vệ sinh cho hộ nghèo và gia đình chính sách. Từ những mô hình điểm này, chị em hội viên 14/14 ấp tiến hành thành lập các tổ hùn vốn xoay vòng để xây dựng nhà vệ sinh.
Đối với Ấp 11, các chị đã thành lập được 9 tổ hùn vốn, với 180 thành viên tham gia góp tiền xây dựng nhà vệ sinh. Mỗi hội viên góp 100.000 đồng/tháng, đến nay đã xây dựng được 29 nhà vệ sinh, và từ nay đến cuối năm sẽ vận động xoá cầu tiêu tạm trong hội viên phụ nữ.
“Giờ đến vận động chị em hội viên xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh không còn khó nữa, chị em đã ý thức lắm rồi. Đây là việc làm có ý nghĩa thiết thực, góp phần thực hiện hiệu quả tiêu chí 17 trong xây dựng nông thôn mới”, chị Trương Thị Thu Hà khẳng định.
Vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn là tiêu chí thứ 17 trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Ngoài sự ủng hộ từ dự án, rất cần sự vào cuộc của cấp uỷ Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội tại các xã, thị trấn triển khai dự án. Nhân dân là đối tượng hưởng lợi của dự án, nhưng để họ hiểu sẵn sàng tham gia thì không phải ai cũng sẵn sàng thực hiện.
Theo Chủ tịch Hội LHPN xã Khánh Bình Tây Nguyễn Kiều Diễm, tâm lý người nông dân vốn bảo thủ, ngại thay đổi nên việc tuyên truyền cần làm thường xuyên, liên tục, sát với thực tiễn hằng ngày theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”. Thông qua các buổi truyền thông, 120 chị em hội viên đã tự nguyện tham gia 5 tổ hùn vốn xoay vòng. Từ số tiền này các chị đã xây dựng được 63 nhà tiêu hợp vệ sinh. Sau khi kết thúc các lớp tập huấn cuối kỳ cũng đã có thêm 180 hộ dân đăng ký xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh.
Ngoài thực hiện Dự án WB6, Hội LHPN xã Khánh Tiến, huyện U Minh lồng ghép cuộc vận động xây dựng gia đình "5 không, 3 sạch” với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” bằng những mô hình cụ thể, thiết thực. Ngoài 193 nhà tiêu hợp vệ sinh được xây dựng từ nguồn hùn vốn xoay vòng, Hội LHPN xã phối hợp với Ngân hàng Chính sách - Xã hội giải ngân cho 34 hộ vay xây dựng nhà vệ sinh. Bên cạnh đó, Dự án WB6 hỗ trợ xây dựng 443 nhà tiêu cho hộ nghèo, gia đình chính sách… đến nay toàn xã có 2.615/2.873 hộ dân sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.
Chị Nguyễn Thị Thanh Hương, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, phấn khởi, các hoạt động của dự án phù hợp, thiết thực với sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Đáp ứng nhu cầu thực tế của hội viên, phụ nữ và người dân, nhất là hộ nghèo, hộ gia đình chính sách. Tuy nhiên, các ngành chức năng có liên quan cần tạo điều kiện để các cấp hội làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về nước sạch và vệ sinh môi trường. Với sự chung tay vào cuộc tích cực này sẽ góp phần cùng với các địa phương phấn đấu thực hiện thành công tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
Thanh Phương
Thông qua hoạt động truyền thông, 8 xã thực hiện dự án đã thành lập 64 tổ hùn vốn giúp nhau xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, với 1.425 chị tham gia. Với hình thức xoay vòng, hằng tháng các chị em tham gia góp vốn từ 50.000-100.000 đồng để xây nhà tiêu hợp vệ sinh. Từ nguồn vốn xoay vòng các chị đã xây dựng được 531 nhà tiêu hợp vệ sinh, dự kiến đến cuối năm 2017 sẽ xây dựng thêm 894 nhà tiêu hợp vệ sinh. |