【salernitana đấu với bologna】Làm đẹp cảnh quan trường học, di tích
Vệ sinh không gian cảnh quan di tích Quốc Tử Giám |
Làm sạch trường học, di tích
Tuần đầu tiên của năm học mới 2023 - 2024, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phát động “90 phút sáng Chủ nhật xây dựng cơ quan, trường học Thừa Thiên Huế xanh – sạch – sáng – an toàn”. Trong sáng 10/9, cán bộ, giáo viên và học sinh ở 670 cơ sở giáo dục từ bậc học mầm non đến phổ thông và giáo dục thường xuyên đồng loạt dọn dẹp vệ sinh môi trường, cảnh quan trường học và các di tích lịch sử, văn hóa. Chu trình được lặp lại vào mỗi sáng Chủ nhật của tuần đầu tháng, tháng đầu quý.
Sau lễ phát động tại di tích lịch sử Di Luân đường - Quốc Tử Giám, hàng trăm cán bộ, người lao động của Sở GD&ĐT, Bảo tàng Lịch sử tỉnh cùng các em học sinh đã dọn dẹp cảnh quan, vệ sinh môi trường tại các địa điểm bên trong và xung quanh di tích Quốc Tử Giám. Trong không gian trưng bày của Di Luân đường, các em học sinh dọn dẹp, lau chùi sạch sẽ từng không gian trưng bày.
Tham gia dọn dẹp vệ sinh tại Quốc Tử Giám, em Nguyễn Hà Gia Nhi, học sinh lớp 9 Trường THCS Thống Nhất chia sẻ: “Em thấy đây là hoạt động tích cực và ý nghĩa. Chỉ dành 90 phút sáng Chủ nhật, chúng em có thể làm cho ngôi trường của mình ngày càng xanh, sạch và an toàn. Không chỉ dọn dẹp vệ sinh nơi mình ở hay trường học, chúng ta có thể dành ít thời gian để làm sạch môi trường di tích để làm cho thành phố đẹp hơn. Hành động tích cực này cần được lan tỏa trong học sinh”.
Không khí dọn dẹp vệ sinh môi trường cũng diễn ra sôi nổi ở tất cả các trường học trên địa bàn tỉnh. Tại Trường TH Trần Quốc Toản, TP. Huế, các giáo viên dành sáng Chủ nhật để quét dọn, vệ sinh trường lớp, chăm sóc vườn hoa, trồng cây... khiến khuôn viên ngôi trường bừng sáng, xanh sạch hơn. Ông Dương Quang Nam, Hiệu trưởng Trường TH Trần Quốc Toản cho biết, đây là hoạt động được nhà trường triển khai thường xuyên. Mỗi tháng 2 lần, các học sinh cùng thầy cô giáo vệ sinh trường học. Những em nhỏ cùng thầy cô giáo vệ sinh lớp học, những em lớp lớn tham gia vệ sinh khuôn viên toàn trường. Hoạt động này giúp các học sinh biết yêu quý lao động, có trách nhiệm gìn giữ và bảo vệ cảnh quan mái trường thân yêu nên phụ huynh cũng rất đồng tình.
Ngoài việc vệ sinh trường học, thầy cô giáo và học sinh các trường còn tham gia chăm sóc, tôn tạo cảnh quan di sản văn hóa lịch sử địa phương. Từ đó, tạo ra sự gắn kết giữa phát triển giáo dục đào tạo với bảo tồn di sản, thắt chặt mối quan hệ giữa giáo dục, lịch sử, văn hóa và bảo tồn để cùng nhau tạo dựng giá trị chung, phát triển giáo dục Thừa Thiên Huế mang bản sắc riêng có.
Thấy đâu làm đó
Những năm học qua, đề án “Ngày chủ nhật xanh”, các phong trào “Chống rác thải nhựa” và “Nói không với túi ni lông sử dụng 1 lần”, “Nét đẹp văn hóa học đường” đã được triển khai hiệu quả ở các trường học. Từ đó, nhận thức và trách nhiệm của các cấp quản lý giáo dục, cán bộ, giáo viên, học sinh về ý thức bảo vệ môi trường, xây dựng môi trường trường học xanh – sạch – sáng – đẹp được nâng lên. Nhiều cơ sở giáo dục chú trọng xây dựng trường học bốn mùa hoa; môi trường, cảnh quan trường lớp học được chăm sóc, vệ sinh thường xuyên; trang thiết bị, đồ dùng dạy học được bài trí, sắp đặt gọn gàng; nhà vệ sinh văn minh sạch đẹp; hệ thống bồn hoa, cây cảnh được tôn tạo, chăm sóc, trồng mới khang trang, đẹp mắt.
“90 phút sáng Chủ nhật xây dựng cơ quan, trường học Thừa Thiên Huế xanh – sạch – sáng – an toàn” là hoạt động tiếp nối các phong trào trên, được phát động sâu rộng trong toàn thể giáo viên, học sinh, học viên các cơ sở giáo dục trên toàn tỉnh. Đây cũng là hoạt động lồng ghép, tích hợp xây dựng văn hóa học đường, trường học xanh gắn liền với giáo dục bảo tồn di sản cho học sinh, cũng như khai thác vận dụng hiệu quả ứng dụng giáo dục STEM, STEAM vào giải quyết các vấn đề thực tiễn cuộc sống theo chương trình giáo dục địa phương trong Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Thông qua hoạt động này, học sinh yêu quý, hiểu ý nghĩa của lao động đối với việc phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực, vun đắp cho học sinh tình yêu với quê hương, ngôi trường. Từ đó, có trách nhiệm chăm sóc, gìn giữ môi trường ở ngôi trường của mình, sau đó là chăm sóc các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn, góp phần xây dựng quê hương phát triển theo hướng cảnh quan xanh, thân thiện và phát huy các giá trị di sản.
Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, lâu nay, phong trào xây dựng trường học xanh, sạch vẫn được duy trì nhưng ở một số trường học, tinh thần vẫn chưa quyết liệt, cần đẩy mạnh hơn nữa và làm có kế hoạch, bài bản, quy củ. “Ngoài việc duy trì theo kế hoạch Sở GD&ĐT đã phát động theo từng tuần, từng quý, từng tháng, hoạt động này không làm theo phong trào mà thấy đâu làm đó, làm thường xuyên. Từ sự chăm chút của thầy cô giáo, người lao động trong nhà trường cũng như các em học sinh, những cành cây, vườn hoa trong sân trường được quan tâm để kiến tạo ngôi trường luôn xanh tươi, sạch sẽ. Thông qua buổi phát động, chúng tôi mong tinh thần này phải đến được tất cả các thầy cô giáo và các em học sinh, xem trường học, cơ quan là ngôi nhà thứ hai để gắn bó, cống hiến”, ông Tân nhấn mạnh.
Theo cô giáo Võ Thị Dạ Trường, giáo viên Trường THPT Nguyễn Huệ, hoạt động này rất có ích, không chỉ làm sạch, đẹp cảnh quan môi trường, góp phần xây dựng môi trường trường học văn minh, lịch sự mà còn tăng cường sự gắn kết thầy cô giáo và học sinh trong nhà trường, giúp học sinh xích lại gần nhau hơn; đồng thời, giáo dục học sinh ý thức, thái độ lao động, trân trọng và trách nhiệm với ngôi trường mà mình gắn bó cũng như hiểu rõ tầm quan trọng của môi trường.