Dù mỗi người có hoàn cảnh khác nhau nhưng những người phụ nữ đơn thân ấy luôn có nghị lực mạnh mẽ,ụnữkimthinchứbaobongfa bởi họ vừa làm mẹ vừa làm cha để lo cho cuộc sống gia đình và đàn con thơ.
Thời gian qua, bà Lan luôn cật lực lao động để lo cho con ăn học thành tài.
Đến khu vực 2, phường VII, thành phố Vị Thanh, hỏi nhà bà Huỳnh Thị Lan hầu như ai cũng biết. Sở dĩ mọi người biết rõ như vậy bởi bà Lan là người phụ nữ đơn thân nhưng đã có nhiều cố gắng nuôi năm người con ăn học đàng hoàng. Trò chuyện cùng bà Lan, chúng tôi được biết, bà sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, từ nhỏ, bà đã quen với những vất vả, nhọc nhằn. Lớn lên, lập gia đình với một người đàn ông chịu thương, chịu khó biết gánh vác gia đình. Những tưởng hạnh phúc gia đình sẽ mỉm cười với bà khi năm người con gái lần lượt chào đời, nào ngờ bất hạnh ập đến khi chồng bà qua đời vào năm 2001 do bệnh. Chồng mất, dù rất đau buồn, nhưng nghĩ đến tương lai của các con, bà phải ráng gượng, bởi bà hiểu rằng từ đây bà chính là chỗ dựa duy nhất cho các con.
Thấu hiểu nỗi vất vả của cảnh nghèo, bà luôn trăn trở làm sao để các con được ăn học như các bạn cùng trang lứa, để có được tương lai tươi sáng hơn. Bà Lan cho biết: “Mình nghèo khổ đã đành, nhìn con vất vả theo mình tôi thấy xót lắm. Tôi nghĩ chỉ có học thì các con tôi mới cải thiện được cuộc sống sau này. Với suy nghĩ ấy, cho dù khó khăn, cực khổ đến mấy, tôi cũng cố gắng nuôi các con ăn học nên người”. Thế là từ đó, hàng ngày bà Lan tích cực làm 3 công ruộng, ngoài ra còn đi làm thuê, không dám chê việc gì miễn là chính đáng, để có tiền nuôi con. “Lúc ấy, tôi đốn mía thuê là chủ yếu, mỗi tháng cũng kiếm được 3 triệu đồng. Nhờ đó, có tiền nuôi con”, bà Lan tâm sự.
Những công việc nặng nhọc tưởng chừng chỉ có “cánh mày râu” mới làm nhưng vì cuộc sống gia đình và tương lai của các con bà Lan đã không quản ngại cực nhọc nắng mưa tự mình làm tất cả. Đáp lại công lao sinh thành, dưỡng dục và sự cần lao của mẹ, các con của bà Lan đều ngoan ngoãn, chăm chỉ học tập. Đến nay, năm người con của bà đều được học hành đến nơi đến chốn, trong đó có hai người tốt nghiệp đại học, riêng người con gái út đang học lớp 12. Phạm Thị Như Ý (con gái út) của bà Lan, chia sẻ: “Nhờ có mẹ mà chúng em mới có được như ngày hôm nay, không chỉ lắng nghe, ân cần chia sẻ, mẹ còn dạy em phải biết tự lập, không ỷ lại dựa dẫm vào người khác. Với em, mẹ không chỉ làm tròn thiên chức của người mẹ mà còn kiêm cả trách nhiệm của người cha”.
Với ý chí tự lực, tự cường, quyết tâm vượt lên nghịch cảnh, sau tháng năm dài cật lực lao động và biết tính toán làm ăn, chi xài tằn tiện nên cuộc sống cũng dần được ổn định. Hiện nay, bà Lan đang trồng 400 gốc cam sành, ngoài ra bà còn đang lên liếp chuẩn bị trồng thêm 3 công cam sành nữa. Bà Lan chia sẻ: “Nói thật nuôi năm đứa con khôn lớn, ăn học không phải là chuyện dễ, với phụ nữ đơn thân như tôi lại càng khó hơn. Nhưng với trách nhiệm của người cha, người mẹ đã giúp tôi vượt qua tất cả để lo cho con. Giờ đây, nhìn con cái học hành rồi có nghề nghiệp ổn định, tôi thấy mừng lắm”.
Rời nhà bà Lan, chúng tôi đến thăm bà Hồ Thị Út, ở ấp 4, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, cũng là một bà mẹ đơn thân. Theo lời bà Út, bà và chồng ly dị khi con trai mới 3 tuổi. Từ đó, bà dắt con về quê ngoại sinh sống. Lúc này, mẹ ruột bà Út cho bà căn tiệm nhỏ bán cà phê để có đồng vô, đồng ra mà nuôi con.
Dù bận bịu với công việc buôn bán, nhưng mỗi tối bà đều dành thời gian tâm sự, chia sẻ cùng con mọi niềm vui, nỗi buồn. Bà Út bộc bạch: “Thiếu vắng tình cảm của cha đã là thiệt thòi lớn đối với con, do đó, tôi luôn cố gắng để bù đắp, mong muốn con không phải thiệt thòi so với các bạn cùng trang lứa”. Với tính siêng năng, cần kiệm bà Út đã có nhiều cố gắng để lo cho người con trai duy nhất của mình là Hồ Châu Thanh ăn học đến nơi đến chốn. Khi Châu Thanh đậu vào trường cao đẳng, bà Út vui mừng biết bao, nhưng cùng với đó là nỗi lo vì gánh nặng các khoản học phí, tiền mua sách vở, quần áo… cho con. Vì vậy, bà đã cật lực làm việc để hàng tháng gửi tiền cho con ăn học. Nhờ được chăm sóc, giáo dục chu đáo, nên Châu Thanh đạt được thành tích cao trong học tập và hiện đang công tác tại Xã đội Vị Thủy.
Đối với bà Út, hạnh phúc nhất là khi thấy con trưởng thành. Đó là trách nhiệm và cũng là phần thưởng cao quý dành cho bà trong việc vượt khó nuôi con. “Lo cho con được như vầy tôi mừng lắm, nhớ lại lúc trước vất vả quá tưởng chừng như gục ngã, nhưng vì con tôi đã vượt qua tất cả”, người mẹ đơn thân trải lòng.
Có thể thấy, dù mỗi người mỗi cảnh, nhưng trong trường hợp nào, đơn thân nuôi con là một sự hy sinh rất lớn và không phải ai cũng đủ bản lĩnh, nghị lực để vượt qua khó khăn, nuôi dạy con khôn lớn thành tài. Với những người phụ nữ ấy, họ vừa làm mẹ, vừa làm cha để che chở cho đàn con thơ dại trước sóng gió cuộc đời…
Bài, ảnh: BÍCH CHÂU