【rangers đấu với dundee】Agribank chủ lực cung ứng vốn cho đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao
Agribank chủ lực cung ứng vốn cho đề án sản xuất lúa gạo. Ảnh: Minh Khương |
Cung ứng vốn nâng cao chất lượng, uy tín sản phẩm gạo
Trong bối cảnh yêu cầu từ thị trường quốc tế ngày càng khắt khe, đòi hỏi chất lượng gạo phải được nâng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, giảm thiểu sử dụng đầu vào sản xuất có nguồn gốc hóa học và sản xuất giảm phát thải, ngành lúa gạo Việt Nam đang đứng trước yêu cầu phải “chuyển mình”.
Từ yêu cầu đặt ra, ngày 27/11/2023, tại Quyết định số 1490/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030”.
Tại quyết định này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được giao nghiên cứu, đề xuất xây dựng Chương trình tín dụng hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL giữa hợp tác xã với các doanh nghiệp.
Để triển khai nhiệm vụ được giao, NHNN đã tổ chức các buổi làm việc, bước đầu phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và các đơn vị có liên quan để trao đổi, thống nhất một số nội dung, cách thức triển khai chương trình cho vay.
Với vai trò ngân hàng thương mại (NHTM) chủ lực trong đầu tư phát triển "tam nông" (nông nghiệp, nông thôn, nông dân), đi đầu trong triển khai tín dụng chính sách, Agribank được NHNN tin tưởng sẽ thực hiện nhiệm vụ là ngân hàng chủ lực triển khai chương trình kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn vay với chi phí phù hợp cho tất cả các khâu (trồng, thu mua, chế biến, tiêu thụ).
Trong những năm qua, tích cực đóng góp vào hiện đại hóa nền nông nghiệp, chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải, quản lý tài nguyên bền vững, phát triển cho vay chuỗi giá trị…, Agribank cũng đã tham gia 4 dự án với Bộ NN&PTNT, với gần 60 triệu USD (khoảng 1.500 tỷ đồng). Hiện nay, Agribank đang tiếp tục phối hợp với Bộ NN&PTNT thực hiện 4 dự án khác (khoảng 1.200 tỷ đồng).
Với Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, Agribank và Bộ NN&PTNT đã ký kết bản ghi nhớ triển khai chương trình hợp tác cung cấp sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho các đối tượng thuộc đề án. Theo đó, Agribank sẽ tư vấn, hỗ trợ và cung cấp các sản phẩm dịch vụ ngân hàng như: dịch vụ tiền gửi, dịch vụ tiền vay, dịch vụ tài chính..., phù hợp với mục tiêu đề án cho các đối tượng tham gia.
Chủ lực trên thị trường tài chính nông nghiệp, nông thôn
Bà Nguyễn Thị Phượng - Phó Tổng giám đốc Agribank, cho hay trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, Agribank luôn vận dụng và phát huy hiệu quả những quan điểm chỉ đạo sáng suốt của Đảng về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; từ đó góp phần đưa Agribank phát triển bền vững, khẳng định vị thế hàng đầu chủ lực đầu tư trong lĩnh vực "tam nông".
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Agribank lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025 khẳng định, một trong những mục tiêu chung phát triển Agribank là “Giữ vững vị trí chủ lực trên thị trường tài chính nông nghiệp, nông thôn” và mục tiêu đó tiếp tục được hiện thực hóa tại Đề án chiến lược phát triển đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Phượng, Agribank đã nghiêm túc, chủ động thực hiện các giải pháp, chỉ đạo điều hành chính sách tiền tệ của NHNN nhằm hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát huy hiệu quả vai trò chủ lực trong hệ thống ngân hàng về cung cấp tín dụng, cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Agribank tiếp tục triển khai có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi để góp phần thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia và đảm bảo an sinh xã hội đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong đó phải kể đến các chương trình, chính sách tín dụng đối với ngành, lĩnh vực, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; triển khai nhiệm vụ của ngành Ngân hàng thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Qua các chương trình, Agribank đã kịp thời cung ứng tín dụng ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Agribank đã ký kết chương trình hợp tác với Văn phòng Điều phối nông thôn mới trung ương trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; đồng thời ban hành các văn bản chỉ đạo từng chi nhánh trong toàn hệ thống triển khai chương trình hợp tác, xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới.
Bắt đầu thí điểm với 11 xã năm 2011, đến cuối năm 2012, chương trình đã triển khai rộng khắp cả nước. Đến nay, Agribank triển khai cho vay 100% các xã thực hiện xây dựng nông thôn mới với gần 8.300 xã. Doanh số cho vay từ khi triển khai chương trình hơn 4 triệu tỷ đồng, dư nợ hơn 610 nghìn tỷ đồng với hơn 2,2 triệu khách hàng. Nguồn vốn của Agribank đã hỗ trợ, tạo điều kiện giúp diện mạo nông thôn từng bước thay đổi.
Agribank cho vay hỗ trợ huyện nghèo, theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững, đối với 61 huyện nghèo, với tổng doanh số cho vay đạt trên 13 ngàn tỷ đồng, với gần 220 ngàn lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách được vay vốn của Agribank.
Dư nợ cho vay theo chính sách này hiện nay tại Agribank là 395 tỷ đồng, với tổng số khách hàng còn dư nợ là 2.759 khách hàng. Agribank đã hỗ trợ lãi suất cho hộ nghèo và đối tượng chính sách vay vốn theo chương trình trên 530 tỷ đồng. Nguồn vốn của Agribank đã góp phần tạo điều kiện để người dân tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của cả nước từ 14,5% năm 2008 xuống còn 2,93% năm 2023.
Agribank cho vay theo Quyết định 63, 65, 68 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp. Triển khai từ năm 2011, tính đến nay, Agribank giải ngân cho vay với doanh số đạt hơn 14.400 tỷ đồng, dư nợ 226 tỷ đồng với tổng số khách hàng còn dư nợ là trên 1.200 khách hàng.
Nguồn vốn của Agribank đã góp phần thúc đẩy cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh, đáp ứng thị trường trong nước và các thị trường cao cấp hàng đầu thế giới.
Hơn 30 nghìn tỷ đồng cho vay sản xuất lúa gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những khu vực phát triển kinh tế trọng điểm, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Agribank luôn tích cực triển khai quyết liệt, đồng bộ các chính sách tín dụng phục vụ “tam nông” và các chương trình tín dụng đặc thù. Đến nay, dư nợ cho vay của Agribank đối với lĩnh vực lúa gạo tại khu vực này đạt hơn 30 nghìn tỷ đồng với hơn 33 nghìn khách hàng, là khu vực cho vay ngành lúa, gạo lớn nhất cả nước. |