Hiện chỉ có Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) được Chính phủ cho phép thực hiện cơ chế bán đấu giá cả lô đối với các DN thuộc đối tượng bán hết vốn Nhà nước và phương thức áp dụng như: Đối với trường hợp bán đấu giá cổ phần thông thường nhằm đảm bảo thành công khi cần bán hết vốn tại DN để tránh trường hợp nhà đầu tư không mua hết phần vốn Nhà nước cần bán.
Theo Phó Tổng giám đốc SCIC Hoàng Nguyên Học, với các DN chưa niêm yết, SCIC thực hiện bán cổ phần thông qua phương thức đấu giá công khai, bán cả lô toàn bộ số cổ phần thông qua đấu giá công khai, chào giá cạnh tranh, bán thoả thuận.
Hết quý 1-2015, SCIC đã bán thành công 22 DN, trong đó bán hết vốn Nhà nước tại 20 DN, bán bớt vốn nhà nước tại 2 DN, thu về 844 tỷ đồng trên giá vốn 253,5 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 3,3 lần. Theo kế hoạch đến cuối năm 2015, SCIC thực hiện nắm giữ vốn gần 100 DN và phải bán vốn trên 200 DN.
Tính từ khi SCIC thành lập đến nay, số lượng DN bán vốn thành công qua SCIC là 746 DN (trong đó, bán hết vốn nhà nước tại 678 DN, bán bớt vốn Nhà nước tại 68 DN), với doanh thu bán vốn đạt 7.202 tỷ đồng trên giá vốn 3.151 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 2,3 lần.
"Trong thời gian tới SCIC kiến nghị Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho phép SCIC được áp dụng cơ chế đấu giá thông thường hoặc bán cả lô tại công ty đại chúng niêm yết"- ông Hoàng Nguyên Học nói.
Còn theo UBCKNN, cơ quan này đã nhận được nhiều đề xuất của thành viên thị trường về cho phép đấu giá chọn lô. Về vấn đề này, Chủ tịch UBCKNN, ông Vũ Bằng cũng đồng ý với quan điểm này và cho rằng, việc đấu giá chọn lô sẽ là bước tiến làm thay đổi căn bản quản trị công ty, cải cách DN.
Trong dự thảo Thông tư chào bán cổ phần theo lô, Bộ Tài chính đã quy định về điều kiện của nhà đầu tư tham gia đấu giá theo lô là phải hỗ trợ kỹ thuật, mở rộng thị trường lĩnh vực sản xuất kinh doanh của DNNN thực hiện cổ phần hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN. Việc chào bán cổ phần theo lô sẽ thực hiện theo hình thức đấu giá, không có chỉ định...
Tuy nhiên, tại cuộc họp của đại diện Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương về cổ phần hoá và tái cơ cấu DNNN diễn ra vào cuối tháng 4 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu quy định mức bán theo lô tối đa và tối thiểu theo các hướng phân loại DN để không xảy ra tình trạng các nhà đầu tư cạnh tranh thiếu lành mạnh và để nhà đầu tư tập trung vào thay đổi quản trị của DN. Ngoài ra, Bộ Tài chính cần làm rõ và phân biệt hai loại nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư mua cổ phần mua theo lô.