【bóng đá chảo lửa】Nga không kích Syria: Lịch sử có lặp lại?
Hoạt động không kích của Nga đã giúp Tổng thống Syria Bashar al-Assad giành lại nhiều vùng lãnh thổ. Liệu Tổng thống Nga Vladimir Putin có thực hiện thành công mục tiêu đưa nước Nga trở lại "ngai vàng" quyền lực bằng cách lấp đầy khoảng trống địa chính trị tại Syria? Hay lịch sử sẽ lặp lại như cuối chiến của Mỹ tại Iraq?
Giới chuyên gia cho rằng ông Putin hoàn toàn có thể làm được điều này trong ngắn hạn, song cũng thận trọng rằng Syria rất có thể sẽ trở thành "bãi lầy" đối với Nga giống như Afghanistan thời Liên Xô. Có thể ông Putin sẽ mắc kẹt trong một cuộc chiến tranh kéo dài, khiến nước Nga phải chịu tổn thất rất lớn về kinh tế, chính trị và con người. Trên thực tế, những thông tin từ Nga cho thấy số người dân Nga sống dưới ngưỡng nghèo đói đang gia tăng tỷ lệ thuận với số vụ oanh tạc của Nga tại Syria. Chuyện này dường như giống với vụ "sa lầy" của người Mỹ tại Iraq. Đến nay, tức là hơn chục năm sau cuộc tấn công của Mỹ tại Iraq, các nhân viên tình báo và các chuyên gia quân sự Mỹ vẫn đang phải loay hoay với sứ mệnh đào tạo “bất lực” tại Iraq, nơi những chia rẽ sắc tộc ngày một nghiêm trọng trong khi chính quyền trung ương không thể đoàn kết dân tộc.
Tuy nhiên, trong trường hợp của Nga tại Syria, các chuyên gia nhận định những diễn biến trong tuần qua cho thấy các phương án của Nga nhằm đạt được những gì mà họ muốn ở Syria tốt hơn nhiều so với những phương án của Mỹ. Việc Nga có thu được những mối lợi về lâu dài hay không, trước mắt chưa thể biết trước câu trả lời, song về ngắn hạn, người Nga đang khiến giới chức quốc phòng Mỹ lo lắng.
Christopher Harmer, nguyên phó chỉ huy hoạt động tác chiến của Hạm đội 5 - Hải quân Mỹ, nói: “Người Nga trên thực tế đang chỉ huy chiến trường Syria. Họ có 30 máy bay bay trên bầu trời Syria. Chúng ta có nhiều hơn thế. Đáng ra phải là chúng ta ra lệnh cho họ chứ không phải họ ra lệnh cho chúng ta”. Tuần trước, hai máy bay Mỹ đã phải bay chệch hướng trên bầu trời Syria để giữ khoảng cách an toàn với một máy bay chiến đấu của Nga. Tương tự, khi Nga phóng tên lửa hành trình từ Biển Caspean, thay vì từ Địa Trung Hải, người Nga đã phát đi một thông điệp rằng: “Nga được quyền tiếp cận không hạn chế không phận của Iran và Iraq”. Trong khi đó, tuyên bố vừa qua của Mỹ về nỗ lực tìm kiếm và đào tạo lực lượng nổi dậy ôn hòa đã phát đi một thông điệp khác hẳn, đó là Mỹ không có đối tác tin cậy trên mặt đất”. Theo ông Harmer, Nga nắm trong tay “một loạt lực lượng ủy nhiệm là quân đội Syria, Hezbollah, và Iran- những lực lượng thay họ chiến đấu trên mặt đất, trong khi Mỹ không có”.
Tại cuộc điều trần trước Quốc hội hôm 8-10, Tướng John Keane, hiện làm việc cho Viện Nghiên cứu Chiến tranh, cảnh báo quân đội Nga đã thiết lập một một căn cứ quân sự có 2.000-3.000 lính Nga cùng với nhiều máy bay chiến đấu, máy bay phản lực và máy bay không người lái. Mới trong tuần này, một quan chức Lầu Năm Góc hoan nghênh việc hợp tác thông tin tình báo giữa Syria, Iraq, Iran, và Nga vì “điều này mang lại nhiều lợi ích”. Tuy nhiên, tiến sĩ Cordesman của CSIS phản bác rằng sự hợp tác như vậy “sẽ gây ra đủ loại rắc rối cho sự hiện diện của Mỹ (tại Syria)”.
Trong khi người Nga đang tập hợp được các đồng minh của mình tại Trung Đông tham gia cuộc chiến Syria, Mỹ chưa huy động được đồng minh chống Assad, và thay vào đó tìm cách tránh bãi lầy Syria và tập trung vào IS. Tiến sĩ Cordesman nhận xét “các đồng minh Arab nhìn chúng ta bằng những ánh mắt hoài nghi ở các mức độ khác nhau. Chúng ta chưa gây dựng được lòng tin với các đồng minh Arab còn người Nga về căn bản đã khai thác được điều này”. Ông Harmer kết luận chiến dịch của Nga tại Syria “đã ít nhiều đảm bảo rằng Assad sẽ tại vị trong tương lai”.