"Lực hút" của châu Á Tác động của nhu cầu dầu mỏ ở châu Á với thế giới Châu Á lo ngại nguy cơ thiếu gạo |
Hoạt động sản xuất tại Trung Quốc sụt giảm trong nhiều tháng |
Theo dữ liệu chính thức mới đây, trong một dấu hiệu cho thấy nhu cầu toàn cầu chậm lại đang khiến nền kinh tế Trung Quốc càng thêm lao đao, lĩnh vực sản xuất của nước này đã giảm tháng thứ 5 liên tiếp trong tháng 8/2023. Vincent Tsui, nhà phân tích của nhóm nghiên cứu Gavekal ở Bắc Kinh, cho rằng với việc các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc phớt lờ lời kêu gọi thúc đẩy tăng trưởng (vốn đang suy yếu) thông qua các biện pháp kích thích, hậu quả sẽ được cảm nhận trên toàn khu vực. Ông Tsui cảnh báo rằng, các trung tâm thương mại và tài chính của Hồng Kông (Trung Quốc) và Singapore sẽ dễ bị tổn thương nhất trước một Trung Quốc đang suy yếu, do nhu cầu của Trung Quốc lần lượt chiếm 13% và 9% GDP của Hồng Kông và Singapore.
Trong khi đó, Hàn Quốc - nền kinh tế lớn thứ tư ở châu Á - được coi là đầu mối cho chuỗi cung ứng công nghệ của khu vực, giúp củng cố tăng trưởng toàn cầu trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, xuất khẩu của nước này trong tháng 7/2023 giảm với tốc độ mạnh nhất trong hơn 3 năm, dẫn đầu là sự sụt giảm lượng xuất khẩu chip máy tính sang Trung Quốc, trong khi các số liệu hồi tuần trước cho thấy hoạt động của các nhà máy giảm trong tháng 8/2023 - tháng thứ 14 liên tiếp và là mức giảm sâu nhất lịch sử.
Park Chong-hoon, người đứng đầu phòng nghiên cứu của Standard Chartered ở Thủ đô Seoul của Hàn Quốc, cho rằng nước này khó có thể sớm phục hồi trừ khi nền kinh tế Trung Quốc được vực dậy nhanh chóng. Ông cũng nêu bật những thách thức xuất phát từ căng thẳng Mỹ-Trung và sự thay thế hàng nhập khẩu của Trung Quốc.
Các số liệu ở Nhật Bản - nơi hoạt động chế tạo giảm tháng thứ 5 liên tiếp - cũng cho thấy sản lượng nhà máy giảm và nhu cầu nước ngoài yếu hơn.
Nền kinh tế Australia đã tỏ ra kiên cường trong thời kỳ căng thẳng thương mại với Trung Quốc – nước đã áp đặt thuế quan đối với một số hàng hóa của Australia. Tuy nhiên, Australia hiện dường như vẫn dễ bị tổn thương trước tình trạng bất ổn kinh tế của đối tác thương mại lớn nhất là Trung Quốc, với việc đồng AUD giảm xuống mức thấp nhất so với đồng USD trong 10 tháng do kỳ vọng về tăng trưởng của Bắc Kinh đã bị thu hẹp.
Dữ liệu trong tháng này cho thấy, tốc độ tăng trưởng của Malaysia ở mức chậm nhất trong gần 2 năm, do nước này cũng phải đối mặt với sự suy giảm do đối tác thương mại chính dẫn đầu. Nền kinh tế Thái Lan cũng tăng trưởng với tốc độ chậm hơn nhiều so với dự kiến trong quý 2/2023 do bất ổn chính trị trong nước và lượng du khách từ Trung Quốc giảm.
Trong khi châu Á đang phải đối mặt với áp lực trước mắt, các nhà phân tích của tổ chức Gavekal cảnh báo rằng các khu vực khác cũng sẽ phải chịu nhiều tổn thất hơn. Khi nền kinh tế Trung Quốc suy yếu, các nhà cung cấp nước ngoài vốn phát triển mạnh về cung cấp nguyên liệu thô và máy móc sẽ phải đối mặt với thời kỳ khó khăn. Họ cho rằng sự sụp đổ của thị trường bất động sản Trung Quốc sẽ không nhanh chóng đảo ngược và tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn trước khi được cải thiện.