【soi kèo góc liverpool】Viết tiếp khúc ca khải hoàn

Đường phố Hà Nội rực rỡ chào mừng 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô. (Ảnh SƠN TÙNG) 

Hà Nội những ngày đầu tháng 10, khắp các đường phố, ngõ xóm, cờ đỏ sao vàng tung bay trong làn gió mát nhẹ và nắng vàng rực rỡ. Không gian ấy cùng nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô làm cho mỗi người và cả những du khách đến với thành phố thêm vui hơn.

Diện mạo bừng sáng

Trải qua muôn vàn khó khăn, thử thách, 70 năm qua, Hà Nội đã không ngừng phát triển toàn diện và bền vững, đạt được những thành quả hết sức to lớn, xứng đáng là Thủ đô nghìn năm văn hiến, văn minh và anh hùng - nơi "lắng hồn núi sông", hội tụ, kết tinh và tỏa sáng những giá trị cao đẹp của dân tộc Việt Nam.

Từ một thành phố từng bị tàn phá bởi chiến tranh, ngày nay Hà Nội đã được mở rộng, mang diện mạo của một đô thị lớn, sầm uất. Từ nền kinh tế tập trung bao cấp, cùng với cả nước, Hà Nội đã chuyển mạnh sang nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển năng động.

Cuộc sống của người dân ngày càng trở nên sung túc, khá giả. Hà Nội ngày nay đã trở thành thành phố hội nhập toàn cầu, điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước, là nơi tổ chức nhiều sự kiện quốc tế quan trọng.

Không chỉ với du khách lâu lâu mới có dịp ghé thăm, mà cả những người đã sinh ra và lớn lên nơi đây, gắn bó đến mức thân thuộc từng góc phố, gốc cây cổ thụ, đều cảm nhận rõ nhất những đổi thay của Thủ đô.

Dịp này, lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng đã đến thăm, tri ân những chiến sĩ đã tiếp quản Hà Nội năm xưa, ai cũng bày tỏ sự phấn khởi khi thấy cơ ngơi Thủ đô ngày càng phát triển với những cây cầu sừng sững, những con đường rộng mở khắp nội thành đến các vùng quê, đến các khu đô thị, cao ốc hiện đại.

Trong ký ức của cựu chiến binh Trần Quốc Hanh (nguyên cán bộ tuyên giáo Trung đoàn 57, Đại đoàn 304), ngày về tiếp quản Thủ đô, đoàn của ông đi từ Hà Đông qua Phùng Khoang, Mễ Trì, Cầu Giấy,… vào Hoàng thành Thăng Long, khi đó hai bên đường đều là ruộng. Hà Nội lúc đó mới chỉ có vài khu tập thể.

"Giờ đây, Thủ đô đã khoác lên mình một diện mạo mới, một bộ mặt mới trên tất cả các lĩnh vực, trở thành trung tâm chính trị, văn hóa, giáo dục lớn nhất của cả nước. Sự thay đổi đó đã mang lại niềm tự hào, hạnh phúc rất lớn đối với chúng tôi", ông Trần Quốc Hanh bày tỏ.

70 năm qua, Thủ đô đã không ngừng lớn mạnh, xứng đáng với niềm tin yêu của đồng bào, chiến sĩ cả nước. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, đến nay, thu nhập bình quân đầu người của thành phố đạt gần 6.300 USD, gấp hơn 130 lần so với năm 1954. Quy mô nền kinh tế đạt khoảng 55 tỷ USD, đóng góp khoảng 16% GDP và 19% tổng thu ngân sách của cả nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân ba năm 2021-2023, Hà Nội tăng trưởng 6,04%, cao hơn khoảng 1,16 lần mức tăng của cả nước. Thu ngân sách nhà nước qua các năm đều lập những cột mốc mới cao hơn, năm 2023 đã đạt hơn 410.000 tỷ đồng, vươn lên dẫn đầu cả nước về thu nội địa. Chín tháng năm 2024, thu ngân sách thành phố đã là 376.430 tỷ đồng, đạt 92,1% dự toán, tăng 22,2% so với cùng kỳ.

Giá trị văn hóa được phát huy, khơi dậy ý chí, niềm tự hào, khát vọng vươn lên của mỗi người dân Thủ đô. Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"; Nghị quyết số 23-NQ/TU ngày 16/11/2023 về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn thành phố Hà Nội từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"; Chỉ thị số 30/CT-TU ngày 19/2/2024 về việc tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh…

Đưa Thủ đô lên tầm cao mới

Bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, thành phố cũng nhận diện rõ sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong giai đoạn tới. Các yêu cầu phát triển Thủ đô "Văn hiến-Văn minh-Hiện đại", Thành phố toàn cầu, đặt ra trong bối cảnh thực trạng Hà Nội còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế và quản lý đô thị, tăng trưởng chưa thực sự ổn định, bền vững; nhiều bất cập nảy sinh; mâu thuẫn giữa yêu cầu bảo tồn và phát triển, nhất là tại khu vực phố cũ, khu vực nội đô lịch sử. Cùng với đó là tình trạng quá tải hạ tầng kinh tế-xã hội; khoảng cách giàu-nghèo có xu hướng gia tăng; các vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, dịch bệnh, tệ nạn xã hội, diễn biến phức tạp...

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài, Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 như một bản cương lĩnh mới cho phát triển Thủ đô trong thời kỳ mới, với những định hướng rất cụ thể là cơ hội để Hà Nội tập trung nguồn lực phát triển, thể hiện tầm nhìn và khát vọng xây dựng và phát triển Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.

Cùng với đó, Luật Thủ đô (sửa đổi) năm 2024 vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 7, là một bước cụ thể hóa những quan điểm của Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị, mở ra cho Hà Nội các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội trong tổ chức bộ máy, trong phân cấp, phân quyền, trong huy động và khai thác các nguồn lực, trong thu hút và sử dụng nhân tài và nguồn nhân lực chất lượng cao…, phù hợp với những đặc thù của thành phố và yêu cầu của thực tiễn xây dựng, phát triển Thủ đô.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, Luật Thủ đô (sửa đổi) tạo điều kiện cho Thủ đô vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, giữ gìn những nét đẹp, hồn thiêng của đất nước, vừa mở rộng không gian phát triển.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã báo cáo Chính phủ, Quốc hội, Bộ Chính trị, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Đồ án nghiên cứu giải pháp khắc phục các hạn chế và kế thừa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô năm 2011, trong đó bao gồm việc bổ sung những điều kiện phát triển mới như: Xây dựng năm trục không gian phát triển; xây dựng các thành phố thuộc Thủ đô; xây dựng trục không gian sông Hồng, sông Đuống là trục trung tâm cảnh quan, văn hóa, dịch vụ vùng lõi; xây dựng thêm sân bay quy mô quốc tế tại phía nam thành phố… Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo công tác lập, phê duyệt các quy hoạch triển khai cụ thể hóa quy hoạch chung, hoàn chỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển đô thị để từng bước đầu tư xây dựng hoàn chỉnh đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của thành phố.

Cùng với truyền thống đoàn kết, không ngừng đổi mới, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, đây là những cơ sở quan trọng để Hà Nội viết tiếp những trang sử hào hùng, cho Thủ đô càng thêm giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng với những công lao và sự hy sinh to lớn của các thế hệ đi trước đã không ngừng bồi đắp để có một "Thăng Long-Hà Nội nghìn năm văn hiến", một "Thủ đô anh hùng", một "Thành phố vì hòa bình", thành phố sáng tạo trong lòng mỗi người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.