Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM khẳng định, đến cuối tháng 12-2015, kiều hối chuyển về TP.HCM ước đạt hơn 5,5 tỷ USD, cao hơn mục tiêu ban đầu là 5 tỷ USD. Trong đó, quý IV luôn là thời điểm nguồn kiều hối chảy mạnh về Việt Nam, do các kiều bào cũng như lao động ở nước ngoài có nhu cầu chuyển tiền về cho thân nhân trong nước chi tiêu dịp lễ, tết.
Theo ông Minh, kiều hối năm 2015 tăng mạnh cũng là điều đã được dự báo, khi các kênh đầu tư trong nước hồi phục, nhất là kênh đầu tư bất động sản với tác động tích cực từ chính sách cho phép người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam kể từ ngày 1-7-2015 theo Luật Nhà ở.
Được biết, hiện có hơn 4,5 triệu người Việt đang sinh sống tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Ngoài ra, có khoảng nửa triệu công nhân Việt Nam đang làm việc ở nhiều nước và vùng lãnh thổ như Malaysia, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc… qua chương trình xuất khẩu lao động. Đây là những lực lượng chủ lực gửi kiều hối về Việt Nam.
Những năm qua, Nhà nước có chủ trương khuyến khích kiều bào về nước đầu tư, cho phép gửi và nhận kiều hối bằng ngoại tệ, giữ ổn định tỷ giá và không bắt buộc phải gửi tiết kiệm vào ngân hàng hoặc bán cho ngân hàng. Bên cạnh đó, dịch vụ chuyển kiều hối qua kênh chính thức rất phát triển, với sự tham gia của nhiều ngân hàng, doanh nghiệp.
Thực tế trên chính là nguyên nhân khiến lượng kiều hối chảy về Việt Nam ngày càng gia tăng. Theo một thống kê của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), tốc độ tăng bình quân kiều hối về Việt Nam hàng năm từ năm 1991 tới nay là hơn 38%.
Ông Lê Thành Trung, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) cho biết, kiều hối chi trả qua HDBank tăng trưởng khá tốt trong năm 2015 và chủ yếu về từ thị trường Mỹ và Đài Loan. “Dù lợi nhuận thu được từ kiều hối hiện nay không cao, chỉ 0,77%, nhưng các ngân hàng xác định, kiều hối chuyển về là phục vụ chính sách thu hút nguồn ngoại tệ cho Việt Nam”, ông Trung nói.
Tại Công ty Kiều hối Ngân hàng Đông Á và Công ty Kiều hối Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), doanh thu chi trả kiều hối cũng đạt và khả năng sẽ vượt chỉ tiêu đưa ra. Năm 2015, Công ty Kiều hối Đông Á đặt mục tiêu doanh thu chi trả kiều hối là 1,6 tỷ USD, với mức tăng trưởng khoảng 15-20% so với năm 2014. Trong khi đó, Công ty Kiều hối Sacombank đưa ra kế hoạch doanh số chi trả kiều hối ở mức hơn 2 tỷ USD, bằng năm 2014.
Ông Trần Văn Trung, Giám đốc Công ty Kiều hối Đông Á cho biết, nguồn kiều hối chủ yếu đến từ thị trường tuyền thống là Hoa Kỳ, Australia và Canada. Tuy nhiên, trong năm qua, nguồn kiều hối có sự thay đổi ở một số thị trường có số lượng lao động Việt Nam xuất khẩu lớn, trong đó đáng chú ý là thị trường Nhật Bản và Malaysia.
Lượng kiều hối về TP.HCM chiếm tỷ lệ khá cao so với cả nước, có năm chiếm tới 40-45% và năm 2015 có thể chiếm gần 50%. Theo thống kê của NHNN Chi nhánh TP.HCM, tỷ lệ kiều hối chảy vào sản xuất, kinh doanh chiếm 70,6% tổng kiều hối chuyển về Việt Nam; tỷ lệ kiều hối chuyển vào bất động sản chiếm khoảng 20,7%.
Thực tế trước đó đã chứng minh, bất động sản chính là lĩnh vực “hút” kiều hối nhiều nhất, với 4,7 tỷ USD, chiếm 52% tổng doanh số kiều hối năm 2011. Vì vậy, theo các chuyên gia tài chính - tiền tệ, sự biến động của thị trường bất động sản theo chiều hướng ấm lên trong thời gian gần đây đã tác động đáng kể đến dòng chảy kiều hối năm 2015.
NHNN lâu nay không có thông tin cụ thể về lượng kiều hối chuyển về từ các nước thông qua toàn hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, theo dự báo của các chuyên gia tài chính - tiền tệ, Việt Nam sẽ nhận khoảng 13 - 14 tỷ USD kiều hối trong năm 2015, tăng 10% so với 12 tỷ USD năm 2014.