Nhân viên ngân hàng hướng dẫn khách hàng các dịch vụ và chính sách bảo mật thông tin. Ảnh: TL |
Guồng quay tăng tốc
Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), sự chuyển động về giao dịch thanh toán đang tăng tốc rất nhanh trong thời gian qua. Nếu như trước năm 2016, số lượng giao dịch điện tử khoảng 500 nghìn - 1 triệu giao dịch/ngày là một con số mơ ước của các tổ chức tín dụng (TCTD). Tuy nhiên đến nay, lượng giao dịch bình quân 1 ngày lên tới 8 triệu giao dịch, với số lượng giao dịch bằng tiền mặt khoảng 900.000 tỷ đồng (tương đương 40 tỷ USD). Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký VNBA cho biết, với lượng thanh toán lớn hàng ngày như vậy, chuyển đổi số là hết sức quan trọng và thiết thực. “Đối với ngành Ngân hàng, đây là sự chuyển đổi vượt bậc, đặc biệt từ đại dịch Covid-19 đến nay” - ông Hùng nói.
Tính đến tháng 6/2023, lượng tiền giao dịch thanh toán chuyển khoản bình quân tăng 52,35% so với năm 2022. Lượng thanh toán thông qua POS, mã QR, internet và Mobile Banking tăng cả về giá trị lẫn số lượng. Trong khi đó, lượng rút tiền mặt qua ATM giảm khoảng 6,3%. Hiện nay đã có khoảng 40 ngân hàng mở tài khoản thanh toán cho khách hàng với khoảng 11 triệu tài khoản thông qua phương thức eKYC; khoảng 20 ngân hàng mở tài khoản thanh toán thẻ đối với khách hàng thông qua eKYC với số lượng 10,8 triệu tài khoản.
VNBA cho biết, hiện Chính phủ cũng đã yêu cầu thực hiện kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu dân cư. Cho đến nay, có khoảng 25 triệu tài khoản của khách hàng đã tích hợp dữ liệu dân cư sau khi Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thỏa thuận thống nhất về triển khai về tích hợp dữ liệu dân cư với tài khoản ngân hàng.
Ngoài thanh toán, các hoạt động cho vay áp dụng các hình thức điện tử cũng có thể được triển khai thời gian tới theo các quy định mới tại Thông tư 06/2023/TT-NHNN (về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng - TCTD). NHNN cho biết, Thông tư 06 đã bổ sung thêm 1 mục riêng quy định cụ thể về hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử của TCTD đối với khách hàng và sửa đổi, bổ sung một số điều khoản khác để phù hợp hình thức cho vay này nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho TCTD trong việc triển khai hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử.
Sẽ có 5 giải pháp cơ bản
Hoàn thiện hành lang pháp lý; đảm bảo hoạt động thông suốt; xây dựng hệ sinh thái sử dụng, khai thác dữ liệu liền mạch; phát hiện và ngăn chặn các hành vi lừa đảo; truyền thông rộng rãi đến người dân để đảm bảo an toàn trong giao dịch. Ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước |
Động thái trên cho thấy nhu cầu thực hiện các giao dịch điện tử trong lĩnh vực ngân hàng đã tăng tốc mạnh và tiềm năng còn có thể tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới. Tuy nhiên, một trong những mối quan tâm lớn được cơ quan quản lý lẫn cộng đồng xã hội quan tâm là tính an toàn trong các giao dịch ngân hàng.
Ông Văn Anh Tuấn - Giám đốc cao cấp An ninh Thông tin, Ngân hàng Techcombank cho biết, thanh toán không dùng tiền mặt tăng lên, ngân hàng cũng phải đảm bảo tính ổn định cho hệ thống, nhất là những ngày thanh toán đặc biệt, số lượng giao dịch tăng đột biến. Tuy nhiên, ông Tuấn cũng chia sẻ một số cách thức tấn công mới của tội phạm để người dùng cần quan tâm đề phòng.
Đầu tiên là tin nhắn mạo danh (SMS brand name). Với hình thức này, người dân phải có nhận thức rất cao, đọc hiểu rõ nội dung mới nhận ra được hành vi lừa đảo. Ngoài ra đối với giao dịch QR Code, hiện nay đã xuất hiện các phần mềm mô phỏng giống với Mobile Banking của các ngân hàng. Khi giao dịch mua hàng, kẻ gian sử dụng phần mềm mô phỏng lừa đảo đã chuyển tiền cho người bán hàng (hiển thị đã chuyển tiền thành công trên phần mềm mô phỏng, nhưng thực chất không chuyển tiền) và nhiều người bán hàng bận rộn không kịp kiểm tra số dư tài khoản. Như vậy, hành vi lừa đảo đã được thực hiện trót lọt.
Trước thực trạng hiện nay, ông Phạm Anh Tuấn - Vụ Trưởng vụ Thanh toán thuộc NHNN cũng đã chia sẻ 5 giải pháp cơ bản để đảm bảo an toàn an ninh trong các hoạt động ngân hàng điện tử.
Đầu tiên là hoàn thiện hành lang pháp lý. Nghị định sửa đổi Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt và Nghị định về Sandbox (cơ chế thí điểm có kiểm soát về công nghệ tài chính) đang được hoàn thiện. Nếu như trong quý III/2023, 2 nghị định này được Chính phủ ký ban hành, NHNN sẽ ban hành 7 thông tư hướng dẫn liên quan, có thể có hiệu lực từ ngày 1/1/2024.
Thứ hai, đảm bảo các hệ thống thanh toán quan trọng của quốc gia hoạt động thông suốt, liên tục 24/7. Đây là nhiệm vụ sống còn. Hiện nay, hệ thống thanh toán quốc gia đang giao dịch trên 800.000 tỷ đồng/ngày; hệ thống qua Napas có số lượng giao dịch trong năm 2022 đạt mức 4,8 tỷ giao dịch/năm, dự kiến trong năm 2024 sẽ đạt con số là 8,4 tỷ giao dịch/năm. Theo ông Tuấn, với số lượng giao dịch lớn như vậy, việc đảm bảo hệ thống thanh toán thông suốt là hết sức quan trọng. Giải pháp tiếp theo là xây dựng được một hệ sinh thái sử dụng, khai thác dữ liệu các bộ, ngành liên quan một cách liền mạch, tích hợp với nhau để cho các trải nghiệm của khách hàng một cách thông suốt.
Giải pháp thứ tư là tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng để phát hiện và ngăn chặn các hành vi lừa đảo, gian lận. Thứ năm là tiếp tục truyền thông rộng rãi, phổ cập kiến thức tài chính và các cảnh báo đến người dân.
Nhận thức của người dân là yếu tố quan trọng Ông Văn Anh Tuấn cho viết, vấn đề lừa đảo không phải chỉ mới xuất hiện mà nó luôn tồn tại kể cả khi chưa áp dụng công nghệ rộng rãi. Khi chúng ta có hình thức mới, kẻ gian cũng sẽ tìm các cách thức mới để thực hiện hành vi gian lận. Vì thế, ngân hàng sẽ phải liên tục truyền thông để nâng cao nhận thức cho khách hành, luôn đồng hành với khách hàng trong việc giải quyết các bài toán về bảo mật. Khi nhận thức của khách hàng được nâng cao thì ngay cả hình thức lừa đảo mới cũng rất khó để thực hiện trót lọt. |