“Kem nào chả là…kem”
Mặc dù chưa thực sự bước vào mùa nắng nóng nhưng dạo quanh một vòng các chợ: Nghĩa Tân,ơnhiễmbệnhtừkemdạtỉ số bóng đá tối qua Nhà Xanh, Cầu Giấy,… hay các cổng trường học đã có thể dễ dàng bắt gặp những xe bán kem dạo hoạt động.
Tại cổng chợ Nhà Xanh, trong vòng bán kính khoảng 10m mà đã có khoảng 4-5 hàng bán kem, mức độ hoạt động dày đặc như vậy nhưng hàng nào cũng tấp nập khách.
“Đồ nghề” của những người bán kem này vô cùng đơn giản: 1 túi bóng đựng vỏ kem, 1 thùng nhỏ giữ nhiệt đựng kem, những tảng kem nhiều màu. Và tất cả nguyên liệu này đều là hàng không ghi nhãn hàng hóa, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Vừa nhanh tay lấy kem cho khách, chủ xe kem vừa nhanh miệng quảng cáo: “Kem này chị mua theo cân của một công ty ở Gia Lâm, đảm bảo không phải kem vớ vẩn. Chị bán rẻ để giữ khách, gọi là lấy công làm lãi thôi. Em cứ ăn đi, nếu đau bụng thì ra đây chị ... đền (!)”
Xe dán mác kem Tràng Tiền nhưng "ruột" lại chứa những nguyên liệu làm kem không nguồn gốc |
Chỉ cần bỏ ra 3.000 đồng là có 1 que kem ốc quế màu sắc bắt mắt, nhìn không khác là mấy so với các loại kem bán trong các cửa hàng lớn. Kem bán dạo được tạo mùi rất hấp dẫn với hương dâu tây, vani, socola... Tuy nhiên, vị ngọt sắc một cách bất thường của loại kem này khiến cho nhiều người dùng không khỏi nghi ngại về việc cơ sở sản xuất đã sử dụng đường hóa học để sản xuất kem.
Mặc dù vậy, rất nhiều bạn trẻ vẫn háo hức tìm đến với những xe kem bán dạo này, thậm chí có nhiều bà mẹ đi ngang qua cùng tranh thủ rẽ vào mua cho con ăn.
Bạn Thanh Trà (SV trường ĐH Sư Phạm) cho biết: “Dạo một vòng quanh chợ, chen lấn mua hàng, người như bốc hỏa. Ra đến cổng chợ được giải nhiệt bằng que kem mát lạnh, rẻ,… thì còn gì sung sướng bằng. Sinh viên bọn em bằng lòng với những món ăn bình dân này, còn muốn ăn kem có nhãn hiệu nổi tiếng, kem ở cửa hàng sang trọng thì phải có điều kiện" . "Mà em thấy kem nào chả như kem nào. Kem ăn trong lúc cơ thể đang nóng bức là ngon nhất", Trà nói.
Tại cổng Trường THCS Thành Công (quận Ba Đình), cứ sau giờ tan học là có rất nhiều những hàng rong bày bán các loại bánh, kem, nem chua rán... Tại hàng bán kem lưu động bằng xe đạp, người bán hàng tên là Huy (quê ở Thường Tín) cho biết: “Số kem này nhập của một cơ sở tư nhân ở quận Thanh Xuân. Mỗi ngày tiêu thụ khoảng 120 cái kem ốc quế lẫn kem que. Do đối tượng ở đây là học sinh nên em chỉ bán rẻ, từ 1.000 – 3.000đ/chiếc”.
Kem "3 không" vẫn "đắt" khách |
Cẩn thận “rước” bệnh đường ruột
Theo chủ một tiệm kem tươi trên đường Cầu Giấy, thành phần nguyên liệu chính của kem thường chủ yếu là đường, sữa, dừa và bột. Trong đó các cơ sở nhỏ thường sử dụng sữa tươi. Ngoài ra còn có thêm các thành phần phụ khác như hương liệu, mùi, chất ổn định, đậu, khoai, ca cao, bơ, trái cây tươi...
Nhưng kem bán cho học sinh ở các cổng trường đa số là kem đá, kem tự chế biến ở các hộ gia đình. Công thức chế biến cũng khá đơn giản, chỉ cần pha chế một số loại nguyên liệu tạo hương, tạo màu, một chút đường hóa học,…và cho vào máy làm đông chỉ cần vài tiếng đồng hồ sau là có thể đem bán.
Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo: Kem bán dạo không nguồn gốc xuất xứ là một trong những nguyên nhân gây nên các bệnh về đường ruột như tiêu chảy, kiết lỵ hay ngộ độc thực phẩm; thậm chí là nguyên nhân lây lan của bệnh tiêu chảy cấp, dịch tả.
Với các loại kem ký, kem bánh, ốc quế, kem trái cây (bịch) bán dạo, thật khó mà biết chính xác được các loại kem này có đảm bảo vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm hay không.
Hầu hết các loại kem này đều có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, đều không đăng ký chất lượng sản phẩm.
Theo đó, các loại kem này hoàn toàn không an toàn về mặt vệ sinh thực phẩm, một chuyên gia y tế khẳng định.
Thanh Nguyên