【giải hạng nhất hà lan】Còn lắm thách thức trong liên kết chuỗi giá trị sản xuất tôm

Báo Cà Mau(CMO) Phát triển chuỗi giá trị sản xuất tôm nâng cao giá trị con tôm thông qua các quy trình nuôi áp dụng kỹ thuật cao, kiểm soát chặt chẽ từ đầu vào đến đầu ra; khuyến khích, hỗ trợ người sản xuất quy mô nhỏ cùng tham gia hội nhập thông qua áp dụng các chương trình, chứng nhận quốc tế; thúc đẩy sự tham gia và hợp tác của các doanh nghiệp thuỷ sản vào chuỗi giá trị tôm.

Nhìn chung, bước đầu Cà Mau đã xây dựng được các chuỗi liên kết giá trị ngành hàng tôm với các doanh nghiệp cung cấp đầu vào và đầu ra, có thị trường ổn định, mang lại hiệu quả tích cực, nhưng vẫn còn một số khó khăn, bất cập cần giải quyết.

Liên kết sản xuất phát triển mạnh

Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh áp dụng kỹ thuật cao đã và đang phát triển mạnh ở Cà Mau. Theo Sở NN&PTNT, đến thời điểm hiện tại diện tích nuôi siêu thâm canh được 343,84 ha, với 354 hộ. Năng suất, hiệu quả tôm nuôi trung bình đạt từ 40-50 tấn/ha/vụ, cá biệt có một số mô hình đạt 80-90 tấn/ha/vụ nuôi.

Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh đang phát triển mạnh tại Cà Mau.
(Ảnh chụp tại xã Hoà Tân, TP Cà Mau).

Từ đầu năm 2017, Sở NN&PTNT đã tổ chức 2 hội thảo liên kết phát triển chuỗi giá trị ngành tôm, qua đó có 8 doanh nghiệp ký kết 27 lượt hợp đồng hợp tác phát triển chuỗi giá trị ngành hàng tôm với 8 HTX và 1 THT gồm 424 hộ, tổng diện tích 1.016,8 ha. Luỹ kế từ năm 2016 đến nay đã ký kết 51 lượt hợp đồng hợp tác phát triển chuỗi giá trị ngành hàng tôm, có 637 hộ tham gia, với tổng diện tích 1.323,3 ha.

Đối với vùng nuôi tôm - rừng có chứng nhận EU, Biosses, Naturland đã ký kết với 5 doanh nghiệp (Phương Anh, Minh Phú, Seaprimexco...) thực hiện trên diện tích khoảng 8.900 ha (1.591 hộ). Vùng nuôi tôm thâm canh và quảng canh, tôm - lúa có chứng nhận ASC, BAP với các doanh nghiệp Minh Cường, Thanh Đoàn và Quốc Việt. Vận động các doanh nghiệp hỗ trợ 8 triệu đồng/ha nuôi tôm công nghiệp được chứng nhận tiêu chuẩn ASC; 500.000 đồng/ha đối với diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến. Đã hỗ trợ cho 157 hộ/175.5 ha tại các vùng nuôi xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời và xã Hoà Mỹ, huyện Cái Nước.

Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau Châu Công Bằng đánh giá: “Việc xây dựng được các chuỗi liên kết giá trị ngành hàng tôm với các doanh nghiệp cung cấp đầu vào và đầu ra, có thị trường ổn định, đã mang lại hiệu quả rất tích cực, nhưng vẫn còn một số khó khăn, bất cập cần tháo gỡ. Cụ thể như: trong quy trình nuôi siêu thâm canh đòi hỏi kỹ thuật cao, một số hộ dân khó tiếp cận; tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, hầu hết là sản xuất theo hình thức kinh tế hộ; thiếu kinh nghiệm sản xuất, đặc biệt là năng lực quản lý kinh tế hộ, kinh tế tập thể các HTX, THT còn hạn chế... nên việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật chưa được như mong đợi”.

Giải bài toán vốn - điện

Công tác tổ chức sản xuất, xây dựng liên kết chuỗi giá trị được tỉnh quan tâm chỉ đạo và thu hút nhiều tổ chức, doanh nghiệp tích cực tham gia. Tuy nhiên, bên cạnh cái khó trong quy trình nuôi siêu thâm canh đòi hỏi kỹ thuật cao thì một số quy trình nuôi đòi hỏi diện tích các công trình phụ trợ khá lớn do thay nước liên tục trong quá trình nuôi. Vì thế, đòi hỏi phải có ao lắng, ao xử lý, ao chứa đủ lớn cung cấp cho ao nuôi. Trong khi đó, thiết kế công trình ao nuôi nhiều công đoạn chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, khi vận hành chưa thuận lợi, dẫn đến kết quả trong quá trình nuôi chưa đạt tốt nhất.

Trong nuôi thâm canh và bán thâm canh, hầu hết là ao đầm cũ đã qua nhiều vụ nuôi, đất đai bạc màu, ô nhiễm nặng, do vậy việc cải tạo gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nguồn nước cung cấp cũng đang bị ô nhiễm và dịch bệnh lây lan trên diện rộng nên quá trình xử lý nước trước khi nuôi thường chưa đảm bảo chất lượng theo yêu cầu. Một vấn đề mà nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng như người dân gặp khó khăn là tiếp cận nguồn vốn và thiếu lưới điện 3 pha.

Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Chánh Diện thực hiện mô hình đầu tư cho HTX Nuôi tôm năng suất cao Tân Hưng. Khi tham gia vào mô hình hợp tác nuôi tôm theo công nghệ Biofloc, người dân sẽ được công ty đầu tư vật tư đầu vào, thức ăn, vi sinh, con giống, chi phí cho bộ phận kỹ thuật quản lý ao. Lợi nhuận sẽ được chia theo tỷ lệ 50/50 sau khi thu hoạch.

Tuy nhiên, cái khó mà doanh nghiệp này đang gặp là khó tiếp cận vốn vay ngân hàng để tái đầu tư. Doanh nghiệp này cũng kêu khó về hạ tầng điện chưa được đầu tư đồng bộ, gây khó cho người nuôi. Đây là tình hình chung của những doanh nghiệp đầu tư liên kết với người nuôi.

Hay như Công ty Việt Mỹ không tập trung vào đầu tư một vùng quy hoạch lớn, mà chỉ tập trung vào một số hộ dân có khả năng đảm bảo thực hiện đủ quy trình Việt Mỹ đưa ra. Nhưng những hộ mà họ đầu tư thường nằm trong khu vực không có lưới điện 3 pha, bên cạnh đó, các hộ nuôi cũng gặp khó khăn trong áp giá điện. Nguồn vốn đầu tư Việt Mỹ thiếu nhưng khó tiếp cận vốn vay ngân hàng.

Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Cà Mau Huỳnh Văn Minh cho rằng: “Đến nay, điện phục vụ nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, do người dân nuôi tôm tự phát ngoài vùng quy hoạch dẫn đến ngành điện rất khó khăn trong việc đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới lưới điện 3 pha phục vụ cho nuôi tôm công nghiệp. Trước đây, các hộ nuôi tôm công nghiệp đã có lưới điện 1 pha, 3 pha đảm bảo đủ công suất cung cấp điện, nhưng thời gian qua, khu vực này nuôi tôm không đạt nên các hộ nuôi tôm công nghiệp đến thuê đất chỗ khác để tiếp tục nuôi tôm... dẫn đến nguồn điện không đảm bảo”.

Riêng về vốn vay, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Cà Mau Trần Quốc Khởi nói: “Vấn đề quan trọng là khi muốn tiếp cận vốn vay thì doanh nghiệp cũng như người dân phải có phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, khả thi. Rõ ràng, nếu vay toàn bộ vốn từ ngân hàng thì không thể thực hiện được. Trước tiên phải sử dụng nguồn vốn tự có, đến vốn liên kết hoặc tìm nguồn vốn ưu đãi… sau cùng mới tính tới vốn vay ngân hàng mới có tính khả thi. Các mô hình hiện nay vẫn vừa làm vừa thí điểm, chưa có phương án cụ thể rất khó để ngân hàng cho vay. Đặc biệt là vay vốn nuôi tôm công nghiệp rủi ro rất cao, nếu có mô hình cụ thể, có tính khả thi cao thì ngân hàng sẽ tham gia giải ngân”.

Thực tế, không chỉ có mỗi con đường là tiếp cận ngân hàng khi thiếu vốn đầu tư. Hiện các công ty chế biến thuỷ sản cũng đã và đang đầu tư vùng nguyên liệu tôm, thế nhưng, vấn đề là họ không dám đầu tư nhiều do ngại người được đầu tư thiếu hợp tác sau khi thu hoạch.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú Lê Văn Quang cho biết: “Doanh nghiệp chế biến không thiếu vốn, ngân hàng sẵn sàng cho doanh nghiệp vay với lãi suất rất thấp nhưng chúng tôi không dám đầu tư nhiều cho người dân. Nguyên nhân là sau khi đầu tư xong người dân thường không tôn trọng hợp đồng, mà bán sản phẩm cho nơi khác khi giá cao hơn, họ không tính tới chi phí mà doanh nghiệp đầu tư cho họ. Nhà nước cần có cơ chế pháp lý bảo vệ doanh nghiệp thì mới có thể khuyến khích được doanh nghiệp đầu tư cho người dân”.

Nhu cầu vốn đầu tư phát triển nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh cũng gặp khó khăn không kém, sau nhiều năm liên tục thất bại do ảnh hưởng của dịch bệnh, đến nay các hộ dân gần như không còn vốn để tái đầu tư. Các đại lý kinh doanh thức ăn, vật tư ngán ngại đầu tư do sợ rủi ro, hầu hết các hộ dân đều nợ ngân hàng nên không thể vay tiếp, điều này ảnh hưởng khá lớn đến nhu cầu sản xuất.

Để xây dựng chuỗi giá trị sản xuất tôm bền vững, Cà Mau cần tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp và người dân tham gia ngành tôm

Đặng Duẩn